Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông (Phần 21)
- Thứ năm - 08/06/2017 00:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhi là cô gái xinh đẹp, cá tính và rất hiếu thắng. Trong cuộc sống, cô chỉ có hai niềm đam mê lớn nhất, đó là ăn và ngủ. Nhưng rồi, cuộc sống của cô đã bắt đầu thay đổi kể từ khi đối diện với Trần Minh. *** Một câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi với những người đã và đang trải qua những thăng trầm, rung động, đam mê, nhiệt huyết của tình yêu. |
Phần 21: Về quê
Nhi không nói với Trần Minh, sáng hôm sau lẳng lặng bắt xe về quê.
Nhi còn nhớ, những ngày ôn thi đại học, Nhi đã học bán sống bán chết chỉ với một ước nguyện là rời xa thật nhanh căn nhà ấy. Ở đó, có quá nhiều kỉ niệm, có quá nhiều đớn đau lại có quá nhiều thiếu thốn mà chính bản thân Nhi không thể nào đối mặt được. Đối mặt với sự mất mát của mình, với sự mất mát của ba. Và cả sự thay đổi mơ hồ nào đó mà mỗi lần nghĩ tới, trái tim Nhi lại run lên vì sợ hãi, giận dữ và tổn thương.
Đã lâu lắm rồi Nhi không dám nhìn thẳng vào mặt ba (Ảnh minh họa)
Vậy nhưng, khi bước vào đời, khi bị làm cho tổn thương nhất, nơi mà Nhi muốn về lại chính là nơi ấy.
Con chó già vui mừng vẫy đuôi ra chào Nhi. Nhi xoa đầu nó, giọng buồn buồn nhưng đầy cưng nựng:
- Nhớ tao à? Mày khỏe không? Mày sao dạo này già quá. Răng đã rụng hết hàm trên rồi kia à? Không đủ sức để chạy, để nhảy xồ lên tao nữa à?
Con chó chớp chớp mắt khẽ cúi đầu như là để xác nhận lời nói của Nhi. Nhưng trong cổ họng vẫn không ngừng phát ra những tiếng ư ử mừng vui, cảm động…
Nghe tiếng động, ba Nhi bước ra. Nhi ngẩng lên nhìn ba, lòng bỗng nghẹn lại. Nhi chợt nhận ra tóc ba đã bạc gần hết đầu. Đôi bàn tay to mạnh mẽ ngày nào giờ đã nổi gân và những đốm đồi mồi của tuổi già. Khuôn mặt đã hằn sâu những dấu vết của thời gian. Đuôi mắt ba đã rủ xuống từ khi nào khiến cho khuôn mặt đẹp đẽ ngày nào bỗng trở nên thâm trầm, u uẩn.
Hình như đã lâu lắm rồi Nhi không dám nhìn thẳng vào mặt ba, không dám đối diện thẳng với ba… Nhi trốn tránh, trốn tránh chính mình và cũng muốn trốn tránh những tổn thương mà có thể cả hai cùng chịu đựng. Cô không muốn nhìn vào thực tế, càng không dám đối diện một lần cùng nhau. Ai cũng sợ làm người kia tổn thương.
Nhi chợt nhận ra, mình đã nhớ ba biết bao nhiêu. Nhi hít vào tim phổi mình tất cả những thứ muốn vỡ tung ra ấy. Để chào ba một câu:
- Ba à! Ba khỏe không?
Viền mắt ba đỏ. Nhi nhận ra ba nhìn Nhi cười:
- Con về đó hả Nhi? Dạo này học hành vất vả sao con gầy thế?
- Vâng.
Nhi đến cạnh ba, khẽ nắm cánh tay ba giật giật khẽ:
- Ba, ba nấu cơm con ăn nhé.
- Ờ. Ba nấu. Đói hả.
- Vâng!
***
Nhi bưng bát cơm, gắp thức ăn đưa vào miệng. Nhìn ba rồi cười cười:
- Ba, đồ ăn ba nấu vẫn khó ăn như ngày nào!
Rồi cứ thế, nước mắt ứa ra dào dạt. Miệng méo cả đi như đứa trẻ tủi thân cực hờn!
Ba xoa đầu Nhi:
- Cái con bé này. Cơm ba nấu khó ăn tới phát khóc thế sao?
Nhi nghẹn ngào:
- Ba, hàng ngày ba vẫn ăn cơm ba nấu hả?
Ba Nhi khẽ cười:
- Không thì ăn cơm ai nấu? Cái con này, hỏi rõ hay.
Nước mắt lại cứ thế rơi lã chã xuống cằm, rơi cả vào bát cơm trên tay. Nhi ngước nhìn ba:
- Ba! Con xin lỗi ba! Là con ích kỉ, là con sai rồi. Con bướng bỉnh không phải lối. Con xin lỗi nghe ba!
Ba Nhi nghèn nghẹn, đôi mắt đỏ ngấn nước. Ông đặt bát cơm xuống, hai tay chống vào đầu gối, đứng dậy mà xương khớp kêu lục cục.
- Ba đi lấy nước cho con!
***
Ba Nhi lấy Mẹ Nhi muộn lắm. Khi ấy ba Nhi đi chiến đấu bên Campuchia, bị thương nặng, rong ruổi hết bệnh viện trong Nam ngoài Bắc để điều trị vết thương. Sau đó thì ở hẳn trong quân đội. Bao nhiêu năm, trong quân ngũ, ba chẳng nghĩ tới chuyện lấy vợ. Ba sợ lấy rồi lại làm khổ người ta. Suốt năm suốt tháng biệt biệt, lương lậu ba cọc ba đồng làm sao nuôi được vợ con.
Mãi tới khi gặp mẹ Nhi, người đàn bà hiền lành, chịu thương chịu khó đem lòng yêu thương ông vô điều kiện, ông mới quyết tâm lập gia đình. Lại sau bao nhiêu năm ngóng trông mòn mỏi, mẹ Nhi mới có bầu và sinh được Nhi. Cô con gái đầu lòng và duy nhất.
Nhi được ba mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nhưng có lẽ do ba Nhi ít khi ở nhà nên chỉ có hai mẹ con quấn quýt nhau thành quen. Tự dưng mỗi lần ba về, Nhi cứ thấy ngại ngại, ngượng ngịu kiểu gì. Chẳng mấy khi Nhi dám làm nũng ba như những đứa trẻ khác, chả mấy khi dám đòi ba kiệu lên vai như chúng bạn, lại càng chẳng dám sà vào lòng ba mà ôm ấp, nũng nịu, mè nheo ba như bao nhiêu đứa trẻ bình thường vẫn làm với ba mình...
Ba Nhi lại là quân nhân, ông ít nói, trầm lắng và không phải là người đàn ông hoạt ngôn. Ông là mẫu người ngoài lạnh trong ấm. Cho nên, khoảng cách giữa hai ba con theo thời gian, chẳng giảm đi mà cũng chẳng tăng lên. Cứ thế, một khoảng cách vô hình tồn tại giữa hai người như vĩnh viễn. Có lẽ mẹ chính là sợi dây mềm mại níu giữ hai cha con và kết nối họ thành một gia đình.
Nhưng tới năm ba Nhi về hưu thì mẹ Nhi lâm bệnh rồi mất. Tất cả mọi thứ như sụp đổ. Mọi mối quan hệ như bị đứt gãy, dãn ra xa cách. Không làm thể nào để dung hòa được. Ba Nhi hối hận vì suốt cuộc đời này, ông chưa khi nào chăm sóc được mẹ Nhi, giúp đỡ được vợ những việc mà người đàn ông trong nhà vốn làm. Lại càng hối hận vì giờ đây, mối quan hệ giữa hai cha con chông chênh như thuyền mất lái. Ông không biết làm cách nào và làm như thế nào để có thể gần gũi hơn, san sẻ nhiều hơn, và hiểu hơn chính đứa con gái nhỏ của mình.
Nhi thì suy sụp, hoang mang. Cả thế giới như sụp đổ mà ba không thể là cây cột chống trời. Hai con người cùng một nỗi đau sống trong sự lặng lẽ của riêng mình và bất lực trong việc kết nối yêu thương. Dù biết rõ trong lòng mình yêu thương có đủ.
Có lẽ, Nhi sẽ chẳng bao giờ quên những ngày cuối cùng bên mẹ. Mẹ đã kiên cường, biết bao nhiêu với những cơn đau thân xác. Nhi biết, mẹ có ngàn vạn nỗi lo lắng cho Nhi, cho ba Nhi. Nhưng cuối cùng mẹ chỉ nói:
- Con gái, nếu một mai thức dậy, không thấy mẹ, con nhất định không được khóc. Nhất định mỗi ngày con thức giấc, trên môi con phải là nụ cười. Là nụ cười mạnh mẽ nghe con.
Và cầm tay ba Nhi nghẹn ngào lưu luyến không rời:
- Mình à! Một buổi sáng nào thức dậy, hai ba con không thấy em thì nhất định mình cũng đừng khóc. Mình nhất định phải cười để con có thể vui vẻ được không? Hãy nuôi con gái thành một cô gái vui vẻ. Em có lỗi với hai cha con!
Rồi mẹ Nhi đi mãi mãi. Hôm ấy trời mưa và rất lạnh.
***
Có lẽ, Nhi sẽ chẳng bao giờ quên những ngày cuối cùng bên mẹ (Ảnh minh họa)
Có hôm Nhi thức dậy, vừa ngáp vừa ra nhà ngoài hỏi ba: Ba, mẹ đâu rồi ba! Ba Nhi tự nhiên đáp: Chắc là mẹ con dậy sớm đi chợ rồi! Rồi sau đó là khoảng lặng. Rồi sau đó là im lặng. Rồi sau đó, hai người lặng lặng mà quay đi theo hướng riêng của mình. Nuốt cơn nghẹn ngào, nhưng nhức vào trong.
Nhưng bao nhiêu năm từ đấy, sáng nào thức dậy Nhi cũng không khóc. Có lẽ bao nhiêu năm qua, ba thức dậy cũng gắng mỉm cười.
Nhưng vì tình yêu quá lớn dành cho mẹ, vì sự thiêng liêng quá lớn của tình yêu đã kết tụ ra Nhi mà Nhi cảm thấy vô cùng tổn thương nếu một ngày ba để cho người đàn bà khác thay thế mẹ. Cơn giận điên cuồng, khi ấy có lẽ đã khiến ba Nhi tổn thương một lần nữa. Từ đó mà ông sống khép kín hơn, lặng lẽ hơn, thâm trầm hơn. Hai cha con như hai chiếc gương soi vào là thấy nhau nhưng cả hai nhất định không ai chịu nhìn.
Giờ đây, khi mái tóc ba đã bạc, những cơn đau do vết thương cũ tái phát hành hạ ông mỗi đêm cô đơn, ăn những bữa cơm khó nuốt do mình nấu, một mình một bóng trong căn nhà lạnh lẽo… trái tim Nhi bỗng dưng òa lên nức nở, xót xa. Vậy mà, ngày nào Nhi cũng cười, cũng đùa cợt, ngày nào cũng có người nấu cơm ngon cho Nhi ăn, ngày nào cũng là ngày bình yên, và nụ cười cứ tự nhiên đến và nở trên môi.
Nhi đâu biết, ba hàng ngày vẫn một mình lầm lũi trong căn nhà mà Nhi cố gắng trốn đi thật xa để tim mình vui lại. Nhi đã có lúc vùi mình trong nỗi đau của bản thân mà không biết ba còn đau đớn hơn mình gấp bội. Là Nhi sai rồi. Là Nhi đã sai thật rồi.
Trong cuộc đời này, có những nỗi đau mà chỉ khi mình bị tổn thương mới hiểu. Có những thiếu thốn mà chỉ khi mình đủ đầy mới hiểu. Có những thương yêu mà chỉ khi mất đi, con người ta mới thấm thía. Và có những hận thù chỉ khi đã chất đầy mới biết mình thật ngu ngốc!
***
Buổi chiều, ngồi ngắm con sông Luộc cuồn cuộn trôi, dưới Gốc đa Căm thù. Bao nhiêu năm rồi, ở bãi sông này, con đò này, người ta vẫn gọi nó với cái tên như thế. Nhưng rồi, có lẽ, theo thời gian, cái Gốc đa Căm thù này cũng trở nên gần gũi, thân thiết và yêu thương. Nó giống như người ta gọi gốc chuối, gốc mít, gốc nhãn nhà mình mà thôi. Chẳng có thời gian nào nuôi dưỡng cho lòng căm thù, cho nỗi đau nguyên vẹn được như ngày đầu.
Mọi thứ chỉ có thể pha phôi đi thì con người cũng mới có thể nhẹ nhõm mà sống, nhẹ nhõm mà nhìn lại quá khứ, và nhẹ nhõm để đón nhận tương lai. Tất cả những gì đã qua, cho dù có bâm sâu gốc rễ bền chặt vào lòng đất như cây đa cổ thụ kia, thì đấy, rồi lá vẫn xanh, lộc vẫn nảy và cây vẫn hát theo những cơn gió vi vút bên sông. Không ai cấm được thứ tình yêu nảy nở bất chấp trên tất cả những nỗi đau và tổn thương trong quá khứ.
Sau bao nhiêu năm sống trong cảm giác mất mát và hờn tủi. Hôm nay, tại sao lại chính là hôm nay, Nhi mới hiểu thấu được những điều này. Chẳng phải, tất cả cũng là nhờ thời gian, nhờ tình yêu thương mạnh mẽ bền bỉ và bao dung của ba. Và vì một ai đó khiến cho Nhi cảm thấy cuộc đời này, nếu mất đi một vòng tay thì tất sẽ còn có những vòng ôm khác. Chỉ cần lòng mình đủ ấm áp mà đón nhận mà thôi. Hạnh phúc là thứ mà không ai có quyền được cấm khi con người ta mưu cầu.
***
Người lái đò đã cập bờ bên này mấy chuyến. Vẫn thấy cô gái nhỏ ngồi bên bờ không đi. Lần này, ông gọi lớn:
- Ê, có sang sông không cháu?
Nhi mỉm cười nói lớn:
- Không, cháu không sang đâu.
Bác lái phà lại hét lên:
- Thế cậu đẹp trai có sang không?
- Có ạ!! Bác chờ cháu chút!
Nhi giật mình quay lại. Hình ảnh thân thuộc ấy khiến Nhi chỉ biết ngây ngốc đứng nhìn!
***
Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 9/6/2017
Ngay cả cô giáo, nhân viên ngân hàng xinh đẹp vẫn tìm đến chương trình mai mối. Vì sao?