Sống chung với mẹ chồng: Nàng dâu mới là kẻ đáng ghét
- Thứ hai - 08/05/2017 00:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Sống chung với mẹ chồng” đang khiến các bà mẹ bỉm sữa phát cuồng và hả hê. Họ “ném đá” bà mẹ chồng “tai quái nhất điện ảnh Việt” một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ra một chút sẽ thấy cô con dâu cũng quái thai và đáng ghét không kém.
Thái độ của nàng dâu với gia đình nhà chồng vô cùng quan trọng để có được một mối quan hệ gia đình thực sự. Tuy nhiên, nếu lúc nào con dâu cũng “mẹ anh” với “mẹ tôi” thì có lẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một thành viên đúng nghĩa trong gia đình chồng.
Hãy ngừng “ném đá”, kể tội mẹ chồng và tự nhìn nhận lại bản thân mình (Ảnh minh họa)
Thực ra, cách xưng hô như vậy không có gì sai nhưng nó cho thấy một khía cạnh khác. Rõ ràng, cô con dâu kia cũng chưa coi “mẹ anh” là “mẹ tôi”; chưa coi gia đình chồng là gia đình thực sự của mình. Đương nhiên, quan niệm ấy tự thân nó tạo ra một khoảng cách khó có thể khỏa lấp giữa nàng dâu và gia đình chồng.
Một người đàn ông thực sự có trách nhiệm với gia đình sẽ vô cùng thất vọng và chán nản nếu vợ lúc nào cũng phân biệt “mẹ anh”. Bản thân người chồng cũng thấy một khoảng cách khá xa với vợ.
Như vậy, chỉ bằng một cách gọi, vô tình người con dâu đã tự tạo ra một hố sâu ngăn cách mình với gia đình nhà chồng, với mẹ chồng và với chính người đầu gối tay kề với mình.
Xem bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng có thể nhìn thấy cái định kiến tồn tại trong đầu của hầu hết phụ nữ là: mẹ chồng luôn ở bên kia chiến tuyến với mình. Đã là mẹ chồng là “xấu”, là phải tìm cách “đối phó”. Và đương nhiên, khi nàng dâu giơ nanh khoe vuốt thì mẹ chồng cũng không thể vì thế mà lép vế.
Nói cách khác, chính các nàng dâu với định kiến có sẵn trong đầu mình đã tự khơi mào cho cuộc chiến không khoan nhượng với mẹ chồng. Đương nhiên, phần thua thiệt sẽ luôn thuộc về kẻ hậu bối.
Tình cảm cũng cần có sự “qua lại”. Một số bà mẹ chồng muốn bày trò “quái thai” nào đó để trừng phạt con dâu cũng chỉ là cách các bà khẳng định uy quyền và vị thế của mình trong gia đình. Nếu các nàng dâu biết tôn trọng và chấp nhận vị thế của mẹ chồng trong lòng mình một cách vô tư và chân thành sẽ “cảm hóa” một cách dễ dàng ngay cả với mẹ chồng khó tính nhất.
Ngược lại, sống trong gia đình vẫn cứ phải “diễn” trò thân thiết, vẫn dùng “âm mưu” để đối xử với nhau thì chắc chắn cuộc sống chỉ có thể đem đến bi kịch mà thôi. Sự chân thành, cởi mở và hết lòng vì nhau là yếu tố sống còn tạo nên một gia đình thực sự.
Nếu nàng dâu hết lòng với gia đình chồng, luôn kính trọng và đối xử với mẹ chồng như chính người sinh thành ra mình thì chắc chắn chẳng có cuộc chiến nào xảy ra cả. Sự chân thành sẽ được đáp đền bằng sự cảm thông và chia sẻ.
Vì vậy, các bà mẹ bỉm sửa hãy ngừng “ném đá”, kể tội mẹ chồng và tự nhìn nhận lại bản thân mình. Đừng tự tạo ra cuộc chiến không cân sức để rồi ngồi khóc lóc, than vãn vì bị thương tích đầy người nữa.
Cảnh mẹ chồng xông vào phòng tân hôn, cấm con dâu ngồi lên người con trai không ngờ lại có ngoài đời thực.