Những thói quen nấu nướng quá đỗi quen thuộc này đang có thể hủy hoại sức khỏe gia đình bạn
- Thứ ba - 30/08/2016 00:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đun dầu ăn ở nhiệt độ cao
Một trong những thói quen nấu nướng "chết người" mà chúng ta hay mắc phải là cho dầu ăn vào nồi rồi chờ tới khi dầu nóng già, sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào. Trên thực tế, khi đun dầu ở nhiệt độ quá cao không những phá hủy dinh dưỡng trong dầu ăn mà còn tạo ra các amin sinh vật dẫn đến nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, …
Để an toàn, bạn nên để chảo lên trên bếp và làm nóng chảo trước rồi mới đổ dầu vào chế biến. Trong quá trình chiên rán, cần lưu ý để lửa vừa phải để thực phẩm chín hẳn và dầu không bị cháy.
Chỉ dùng duy nhất một loại dầu ăn
Không phải loại dầu ăn nào cũng đáp ứng đầy đủ những chất mà cơ thể cần. Việc thay đổi các loại dầu ăn khác nhau sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn. Tốt nhất, chúng ta nên có 2 loại dầu ăn trong bếp. Một loại phù hợp cho chiên rán như các loại dầu cooking vì chúng có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng. Một loại dầu chỉ dùng cho những món ăn xào, ướp thực phẩm, ăn sống, làm salad,… như dầu hạt cải, dầu oliu,… Như vậy cơ thể sẽ hấp thụ đầy đủ các loại vitamin có trong thực phẩm, cũng là cách để tăng vị ngon cho thức ăn.
Không sử dụng các chất béo động vật
Việc nấu nướng bằng cả dầu thực vật lẫn mỡ động vật sẽ giúp bạn cân bằng cơ thể và có sức khỏe tốt. Trong khi mỡ động vật cung cấp lipid để cấu tạo nên các bộ phận trong cơ thể thì dầu thực vật cung cấp các axit béo không no. Nếu không có vấn đề gì về sức khỏe tim mạch, mỡ máu, bạn nên kết hợp dùng cả 2 loại sản phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.
Chà xát gạo quá kĩ
Một thói quen phổ biến của người Việt khi nấu cơm là vo gạo. Thực chất, đây là cách làm sai lầm, thiếu khoa học và làm gạo mất đi một lượng lớn vitamin và chất khoáng ở lớp vỏ bên ngoài. Vo gạo kĩ khiến gạo chỉ còn lại phần lõi là tinh bột, còn lại toàn bộ lượng glucid, protein, lipid, chất khoáng, vitamin B1, B2, B6,… đều bị hòa tan theo nước. Vì vậy, bạn cần lưu ý, chỉ nên làm sạch gạo bằng cách cho vào xoong, khoắng nhẹ và gạn nước để loại trừ trấu, sạn.
Rửa rau sau khi thái
Việc rửa rau sau khi thái có thể khiến bạn cảm thấy an tâm hơn, đặc biệt là với những món ăn dùng kèm rau sống. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu bạn làm điều này, các chất dinh dưỡng và khoáng chất trong rau sẽ bị mất đi đáng kể, làm thiếu hụt vitamin và dưỡng chất cần thiết. Chính vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên rửa rau kĩ càng, để ráo nước rối mới tiến hành việc cắt thái.
Chần thịt qua nước sôi để làm sạch
Việc chưa rửa sạch thịt mà đã chần qua nước sôi để làm sạch hóa chất, chất bẩn là một việc làm sai lầm khiến miếng thịt biến tính, co lại, càng làm cho thịt ngậm hóa chất và chất bẩn nhiều hơn. Cách luộc thịt chuẩn nhất là rửa sạch thịt với nước muối pha loãng. Nước muối sẽ giúp loại bỏ các chất bẩn từ thịt, đồng thời làm thịt ngon hơn khi chín. Khi đó, chúng ta chỉ cần đem thịt đi chế biến luôn chứ không cần chần qua nữa.