Lý do "lạ lùng" khiến cô gái 18 tuổi bỏ nhà ra đi
- Thứ tư - 01/03/2017 14:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bỏ nhà đi vì mẹ bắt làm việc nhà
Từ trước đến nay, chị Trần Phương Hoa (Cầu Giấy – Hà Nội) vẫn rất tự hào bởi có hai cô con gái không chỉ học giỏi mà còn đàn, hát rất hay. Trong các câu chuyện “tám” với bạn bè, hai đứa con cũng là chủ đề mà chị nói không bao giờ hết chuyện: nào là con lớn được giải Nhì toán quốc gia, con bé thi Ielts được 7.0; đứa lớn vừa được giải thưởng âm nhạc cấp thành phố, đứa bé được được quán quân hội thi cờ vua cấp quận…
Giúp cha mẹ làm việc nhà tạo hứng khởi, niềm tự hào cho trẻ (ảnh minh họa)
Để dành thời gian cho con học suốt mười mấy năm qua, chị Hoa chưa bao giờ yêu cầu con cái phải động đến cái chổi quét nhà hay nhặt một cọng rau. Vợ chồng chị đã dành hết thời gian để con có thể đầu tư vào việc học hành, tham gia các khóa học thêm để nâng cao trình độ và bồi dưỡng năng khiếu.
Chị cũng nghĩ đơn giản, hồi con còn nhỏ, chị bận quá nên phải thuê giúp việc, đã có giúp việc làm việc nhà. Lúc con lớn rồi thì chị rảnh rang hơn, cố một tý cũng còn hơn phải mỏi mồm nhắc con.
Hơn nữa, chị Hoa cho rằng, các con học ngày học đêm như thế cũng mệt lả rồi, còn hơi sức đâu mà làm việc nhà nữa. Thời gian rảnh, cứ để chúng nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng. Sau này, con đỗ ĐH rồi hãy tính!
Cứ thế, cho đến khi cô con gái lớn vào một trường ĐH có tiếng tại Hà Nội, chị Hoa mới nhận ra, mình sai lầm. Con có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn chị bắt đầu bảo con làm việc nhà. Những việc đơn giản nhất như gom quần áo của 2 chị em bỏ vào máy giặt hay cắm cho mẹ nồi cơm, nhặt cho mẹ mớ rau…
Tuy vậy, cô con gái 18 tuổi mỗi khi được mẹ nhắc làm là ngúng nguẩy, xị mặt tỏ vẻ không hài lòng. Có lúc, mẹ nói mà con cứ vờ như không nghe thấy, rồi chúi mặt vào điện thoại, máy tính. Cả ngày, cô bé đóng chặt cửa phòng, chỉ giờ ăn mới mò xuống bếp.
Cả ngày đi làm về hết sức mệt mỏi nhưng về đến nhà chị lại phải lao đầu vào bếp nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, tưới cây… trong khi con gái ở nhà cả ngày nhưng kiên quyết không động tay vào việc gì cả. Thậm chí, đến khi chị ốm mệt, con cũng thờ ơ, không quan tâm.
Nói nhẹ không nghe chị bắt đầu quát mắng, gắt gỏng và tỏ ý thất vọng với con. Hậu quả là, cô con gái giận mẹ vác balo sang phòng trọ của bạn ở, mặc kệ bố mẹ cuống cuồng tìm kiếm khắp nơi. Mãi 2 ngày sau, chị Hoa liên hệ lên phòng đào tạo trường thì được biết con gái chị vẫn đi học bình thường. Chị phải lên tận lớp tìm con nói chuyện phải trái con mới theo mẹ về nhà.
Dạy con làm việc nhà từ 3 tuổi
Theo các chuyên gia tâm lý, câu truyện của gia đình chị Hoa, đáng tiếc không phải là cá biệt. Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng– chuyên gia tâm lý học đường chia sẻ: Xu hướng coi trọng việc học tập của con cái mà bỏ quên cách dạy các kỹ năng cơ bản mà điển hình là giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà đang phổ biến trong rất nhiều gia đình tại các thành phố lớn.
“Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng bắt con làm việc nhà là làm khổ con hay mình chỉ làm nhoáng vài phút là xong, để cho con học. Như thế là sai lầm” – bà Hồng nhấn mạnh.
Nên cho con bắt đầu làm việc nhà từ 3 tuổi (ảnh minh họa)
Theo chuyên gia này, việc để trẻ tham gia làm việc nhà từ nhỏ sẽ dạy cho trẻ biết lao động là vất vả như thế nào và hình thành được ý thức coi trọng thành quả lao động của mình như: biết giữ nhà cửa sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi.
Ngoài ra, giúp cha mẹ làm việc nhà tạo hứng khởi, niềm tự hào cho trẻ vì thấy mình là người có ích, cũng là cách dạy cho trẻ biết yêu thương bố mẹ, biết chia sẻ với người thân trong gia đình.
Phụ nữ 'ngồi lê đôi mách' có khả năng ngoại tình cao
Đi mời cưới, vẫn tranh thủ trăng hoa
Yêu tôi, anh làm "chuyện ấy" với ai kia?
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là, nên cho con bắt đầu làm việc nhà từ 3 tuổi. Đầu tiên là biết tự thu dọn đồ chơi, giường ngủ. Từ 6 – 8 tuổi có thể lau dọn nhà, bàn ghế, phơi quần áo. Từ 9 – 12 tuổi có thể giao cho trẻ việc rửa bát, hút bụi, dọn vườn, trông em. Từ 13 tuổi trở lên trẻ phải biết nấu nướng, cọ rửa phòng tắm, nhà vệ sinh, dọn kho…
“Nếu được nuông chiều từ bé, ý thức về việc cần phải lao động sẽ không được hình thành và bồi đắp. Hoặc là trẻ sẽ ỉ lại người khác hoặc là sẽ có lối sống rất cẩu thả, lười biếng và vô tâm” – bà Hồng nói.