Lời dặn của thiên tài vật lý với con gái nuôi người Việt
- Thứ ba - 20/03/2018 21:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sự tình cờ hạnh phúc
Ngày 14/3, nhà vật lý thiên tài, một bộ óc vĩ đại của nhân loại, Stephen Hawking , qua đời ở tuổi 76. Cuộc đời ông có thể được coi là một cuốn sách về nghị lực sống, về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, say mê với công việc…
Ít ai biết trí tuệ kiệt xuất của nhân loại có một cô con gái nuôi người Việt. Ông cũng từng sang Việt Nam để được tận tay ôm cô con gái nhỏ vào lòng. Đặc biệt hơn, hai cha con đã có khoảng thời gian sinh sống trong chính căn nhà của ông trong vòng 2 tháng. Con gái nuôi của ông là chị Nguyễn Thị Thu Nhàn, 37 tuổi, ở Hà Nội.
Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi người bố vô cùng kính yêu mãi mãi ra đi, trò chuyện với chúng tôi, giọng chị Nhàn vẫn không giấu nổi sự buồn rầu. Với chị, ông vừa là người cha, vừa là nghị lực để chị cố gắng mỗi khi gặp những khó khăn trong cuộc sống.
Chị Nhàn kể, năm 1989, nỗi đau đến với gia đình ruột thịt của chị. Bố mẹ đẻ của chị mất cùng một ngày trong vụ đắm đò khiến 4 đứa con thơ không nơi nương tựa. Một năm sau đó, anh trai chị Nhàn được đưa vào làng trẻ Birla. Còn 3 chị em gái thì được vào làng trẻ SOS ở Hà Nội sinh sống và học tập.
Tại đây, mỗi đứa trẻ ở làng đều có cha, mẹ đỡ đầu. Không thể ngờ rằng, chị trở thành con nuôi của Stephen Hawking khi ông ngỏ ý muốn nhận con đỡ đầu người Việt Nam.
Theo quy định của tổ chức S.O.S quốc tế, mọi hồ sơ của những trẻ em được nhận vào làng sẽ phải gửi đến trụ sở chính ở thủ đô Vienna, nước Áo. Sau đó, hồ sơ của trẻ sẽ được gửi ngẫu nhiên đến các gia đình có mong muốn nhận con nuôi ở khắp nơi trên thế giới.
Bằng một sự tình cờ, tập hồ sơ của Thu Nhàn được gửi đến gia đình của Stephen Hawking và Elaine Mason. Thu Nhàn trở thành con nuôi của nhà vật lý thiên tài theo cách đó.
Ngày ấy, dù biết mình là con gái nuôi của ông nhưng vì còn quá nhỏ tuổi, chị Nhàn chưa cảm nhận được điều đặc biệt. Chị bảo, mọi thư từ giữa chị và bố nuôi đều qua người phiên dịch. Cuộc sống của chị cứ thế trôi qua. Chị biết mình sẽ được nuôi và hỗ trợ đến năm 18 tuổi. Với chị điều đó là điều hạnh phúc nhất.
Thời gian chị Nhàn sống cùng cha ở Anh (ảnh nhân vật cung cấp)
Vào năm 1997, hai vợ chồng Stephen Hawking bí mật đến Việt Nam để gặp mặt cô con gái nuôi. Chị Nhàn nhớ lại: “Lúc đó tôi 16 tuổi, bố đi Nhật Bản rồi ghé qua Việt Nam và không muốn nhiều người biết đến chuyến đi đó. Bố ở lại chơi với tôi 3 ngày, còn vào với các trẻ trong làng nữa. Buổi tối thì về khách sạn ngủ”.
Chị kể, mặc dù cả 2 bố con chưa gặp nhau bao giờ nhưng khi vừa nhìn thấy ông, chị cảm thấy vô cùng thân thuộc. Có lẽ cũng bởi vì ông luôn mỉm cười với cô con gái của mình.
Bệnh tật khiến ông Hawking không điều khiển cơ thể và phải sống dựa vào xe lăn nhưng ông vẫn có gắng thể hiện tình yêu với con gái mình. Ông chủ động nắm tay, ôm con gái vào lòng đầy trìu mến.
Không riêng chị Nhàn, bọn trẻ ở làng SOS khi được gặp nhà khoa học lỗi lạc đều rất thích thú. Đáng yêu hơn, ông còn chủ động biểu diễn điều khiển xe lăn chỉ bằng một nút bấm khiến lũ trẻ reo hò thích thú.
Luôn ghi nhớ lời bố dặn
Trong chuyến thăm của ông Hawking, chị Nhàn đã đưa bố nuôi đi thăm quan Hà Nội. Bản thân chị cũng tự tay làm một món đồ lưu niệm tặng bố.
Hai năm sau, vì ông Hawking là trường hợp đặc biệt, chị Nhàn được đưa tới Anh trong gần 2 tháng ở cùng cha mẹ đỡ đầu. Ngày đó, trước khi đi, chị Nhàn chuẩn bị nấm hương, mộc nhĩ và nuôi ý định sẽ làm món nem rán đãi gia đình bố nuôi.
Thế nhưng, ông Hawking không ăn uống được như người bình thường mà ăn bằng ống xông nên không thể nếm thử món ăn của con gái.
“Từ việc ăn uống rồi vệ sinh thân thể, ông đều có y tá riêng phục vụ. Bản thân tôi ngày đó rất muốn được chăm sóc bố nhưng là điều không thể. Bố tôi ăn uống, chăm sóc theo một chế độ chuẩn y tế”, chị Nhàn cho hay.
Một trong những lá thư ông Hawking viết cho chị Nguyễn Thị Thu Nhàn (ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Hawking là người rất chăm chỉ. Hằng ngày, ông đều đi sớm đến chỗ làm và tối muộn mới về. Còn chị Nhàn thì theo học lớp Tiếng Anh tại Đại học Cambridge, nơi ông Hawking giảng dạy.
Mỗi buổi sáng trước khi đi, con gái còn đang ngủ trên tầng, ông Hawking đều điều khiển xe lăn đến cầu thang và cất tiếng chào bằng giọng giả cỗ máy thông minh: "Thu Nhàn, Thu Nhàn. Bố đi làm".
Khi trở lại Việt Nam, chị Nhàn vẫn thường xuyên gửi thư từ và ảnh của mình cho bố. Bức thư gần nhất chị gửi cho ông là khi mình đã có gia đình. Chị gửi thư và kèm theo ảnh cưới. Trả lời chị, ông Hawking bày tỏ sự hạnh phúc vì thấy con gái mình đã trưởng thành và chúc chị ấm êm bên gia đình nhỏ.
Sau này, tất bật với cuộc sống, gánh nặng kinh tế và chăm sóc chồng con, chị mất liên lạc với bố mình. Tuy nhiên, chưa bao giờ bản thân chị quên lời cha dặn.
“Bố luôn nói với tôi rằng, con phải cố gắng học thật tốt, muốn thành công thì chỉ có con đường duy nhất là học. Con nên ý thức rằng, bản thân không được dựa dẫm vào điều gì. Con thấy đấy, bố mặc dù cơ thể không lành lặn nhưng chưa bao giờ bố ngừng cố gắng, ngừng học hỏi. Ông cũng dặn tôi đừng bao giờ quên chăm sóc, yêu thương chính mình”, chị Nhàn cho hay.
Những lúc khó khăn, chị Nhàn luôn nghĩ về tình yêu mà bố nuôi dành cho mình, nghĩ về con người ông, những lời ông căn dặn để có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
“Cuộc đời người ta mơ ước dừng mãi ở tuổi trẻ để yêu đương, ca hát… Còn mẹ chỉ muốn ở gần con”, Thanh Tâm...