Cử nhân Ngoại giao bỏ việc ra nước ngoài học thổi bóng bay
- Thứ tư - 14/06/2017 07:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Thư - cô gái ưa thử thách khó nhằn
“Đời tôi là chuỗi ngày chạy theo những điều mới lạ và thiếu ổn định. Việc này thành công tôi lại nhen nhóm suy nghĩ bỏ ngang để tìm đến cái khác khó nhằn hơn”, Anh Thư – cô gái gốc Hà Nội - một cựu sinh viên tài năng của trường Học viện Ngoại giao nói về chính mình.
Thế nhưng, khi tự tay làm được một quả bóng bay lung linh màu sắc, Anh Thư lại xác định đây là sự nghiệp theo đuổi cả đời. Với cô, bóng bay là thứ có sức hút kỳ lạ.
Bỏ công việc 30 triệu đồng/tháng đi học làm bóng bay
Hoàng Anh Thư là một cô gái lạ kỳ. Chính chồng cô cũng phải thừa nhận điều này khi thấy vợ luôn thích thử nghiệm cái mới, trong khi các cô gái khác lại chỉ mong mỏi cuộc sống ổn định.
Hành trình khởi nghiệp của cô thực sự bắt đầu khi nhìn thấy những quả bóng bay quý tộc
Thư học rất giỏi, cô từng tốt nghiệp loại giỏi lớp chuyên Pháp, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam và là nữ sinh nổi bật của trường Học viện Ngoại giao.
Năm 2012, cô ra trường và sớm tìm được một công việc đúng ngành với mức lương cao (15 triệu đồng/tháng). Với nhiều cô gái, một công việc ổn định với mức lương đủ để ăn tiêu và làm đẹp đã là cuộc sống mơ ước nhưng với Thư, đó lại là sự thỏa hiệp nhàm chán.
Anh Thư quyết tâm dứt khỏi “vùng an toàn” theo đuổi công việc kinh doanh, mạo hiểm nhưng thú vị hơn. Một mình cô xoay sở vốn liếng, tìm hiểu thị trường, mở cửa hàng và với sự nhanh nhạy kèm chút may mắn, cô có được thu nhập 30 triệu đồng/tháng, gấp đôi khoản lương trước đó.
“Mình tạm hài lòng với việc kinh doanh ấy và lấy chồng nhưng trong lòng vẫn luôn thấy thiếu, không phải thiếu tiền, thiếu việc mà là thiếu đam mê. Những gì đang có tựa hồ như không phải của mình, không riêng biệt”, Anh Thư nói.
Cô tự tin bỏ công việc với mức lương cao để theo đuổi niềm đam mê với những quả bóng bay
Đến giờ, Anh Thư vẫn thấy mình là kẻ may mắn nhất trên đời khi kịp tìm thấy thứ còn thiếu ấy vào năm 24 tuổi – cái tuổi vẫn dám thử, dám thất bại. Đó là khi cô vô tình đọc được một số bình luận dè bỉu loại “bóng bay quý tộc” có giá 500 nghìn đồng/quả.
“Một quả bóng bay giá nửa triệu, có điên mới mua”. Và chính Anh Thư cũng không nghĩ, lại có người dám kinh doanh mặt hàng phù du mà đắt đỏ thế này.
Cô nàng như đã tìm thấy một thứ đáng để tò mò và điên cuồng tìm hiểu. Cô theo dõi rất nhiều trang nước ngoài từ cách làm bóng, nguồn nhập nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, sẵn sàng dành cả buổi ngắm nhìn những quả bóng bay đầy màu sắc mà rất đắt tiền ấy.
Và Anh Thư đã hiểu ra, đâu mới là thứ làm nên giá trị của chúng. “Đa phần người Việt đều cho rằng bóng bay là một loại rẻ tiền. Cũng đúng thôi, tuổi thơ ai chẳng một lần bỏ ra vài nghìn đồng ra mua cả nắm bóng bay. Nhưng loại bóng này thì khác, chúng không lòe loẹt, ngược lại rất sang chảnh và còn chuyên chở được nhiều thông điệp”, Thư nói.
"Và mình đã không đặt niềm tin sai chỗ. Bóng bay không khiến mình thất vọng"
Như đam mê được lấp đầy khoảng trống, Anh Thư quyết tâm học bằng được cách làm loại bóng bay này. Ở Việt Nam không dạy, Anh Thư lúc ấy đang bầu 5 tháng, tìm sang tận Thái Lan tham gia khóa học thổi bóng bay mà trước đó mất cả tháng trời tìm hiểu.
“Chồng mình bảo: “Em hết việc rồi à mà còn bày ra nữa, em không thương bản thân nhưng anh thương vợ con anh”. Mình chỉ nói với anh một câu: “Em trước giờ vẫn thế, không thích đứng yên một chỗ” và thế là bỏ tất cả lại mà đi”, Anh Thư nhớ lại.
“Muốn thắng lớn thì phải dám chơi lớn”
Cô gái Hà thành mất 1 tuần liền học cách bơm bóng, phun nhũ, làm chữ, lồng quả nhỏ vào quả to… Nghe thì rất đơn giản nhưng đó lại là cả quá trình rèn tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và học cách yêu từng quả bóng.
"Thành công chỉ đến với những người dám thử, dám thất bại nhưng lại không thử một cách mù quáng"
Thời điểm khó khăn nhất với Anh Thư là khi đưa mặt hàng phù du mà đắt đỏ này về Việt Nam kinh doanh. “Nó quá mới mẻ, trong khi mọi người còn xem bóng bay là loại rẻ tiền thì ai dám bỏ ra nửa triệu để mua một quả bóng chơi 3, 4 ngày thì bẹp dúm? Mình lo lắng lắm”, Thư kể lại.
Lần đầu biết đến loại bóng này, cô cũng từng đặt ra câu hỏi y như thế nhưng vì sao vẫn quyết tâm học nó? Cô tự lục tìm lại lý do và một lần nữa tin tưởng vào con đường của mình và đi tiếp.
Một mặt tuyển người, truyền đạt lại cách làm bóng, mặt khác thể hiện tất cả suy nghĩ, tình yêu dành cho loại bóng này trên Facebook, Anh Thư đã bắt đầu có những khách hàng đầu tiên.
Cô còn nhớ rõ những ngày ôm bụng bầu vượt mặt, lăn lê trên sàn nhà làm bóng theo yêu cầu của khách, rồi tự mình đi ship hàng, nâng niu từng trái bóng.
Không chỉ cố gắng làm ra sản phẩm thật tốt, Anh Thư còn để ý đến cả thái độ giao thiệp với khách hàng. Cô bất chấp khuya sớm, luôn sẵn sàng trả lời tin nhắn và đáp ứng mọi yêu cầu của khách bởi, giờ đây, những quả bóng này và sự ủng hộ của khách hàng là niềm tin duy nhất của cô.
Trước khi bắt tay vào bất cứ công việc nào, Anh Thư đều tìm hiểu kỹ càng
“Thật may là thị trường tại Việt Nam rất lớn vì mình gần như là những người đi đầu làm ra loại bóng này. Đúng là muốn thắng lớn thì phải dám chơi lớn”, Thư chia sẻ.
Khách hàng của cô thường mua bóng để tặng sinh nhật, làm quà cưới, trang trí phòng tân hôn… Mỗi khi khách hàng đặt mua, cô lại tỉ mỉ hỏi thêm, lý do vì sao chọn món quà này và hầu như đều nhận được chung một đáp án: Vì có thể viết những điều mình nghĩ lên quả bóng.
Đó cũng chính là giá trị Anh Thư tìm thấy ở món hàng xa xỉ này ngay từ lần đầu tìm hiểu. Người ta có thể ngại trực tiếp nói lời yêu thương hay một tin nhắn cũng không truyền tải hết thông điệp, thế nên, gửi gắm chúng qua một quả bóng bay lớn là cách khéo léo hơn cả.
“Điều mình muốn nói ở đây là, trước khi khởi nghiệp phải tìm ra giá trị của thứ mình đang theo đuổi và tin vào nó, không ngại hy sinh cho nó. Đi đúng đường thì cuối đường hầm sẽ là ánh sáng” , “nữ hoàng bóng bay” tự tin nói.
Chủ nhân của vấn đề "gây bão" lên tiếng sau hàng loạt ý kiến trái chiều.