Con dâu rơi nước mắt vì mẹ chồng bảo đưa 10 triệu để ăn Tết
- Thứ sáu - 26/01/2018 15:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lương và Cao lấy nhau được hai năm, tết này là cái tết thứ hai cô về quê nội. Năm ngoái về ăn tết Lương mang bầu tháng thứ 8 nên nhà chồng cũng không đòi hỏi gì nhiều ở cô. Nhưng năm nay, mới gần Tết mẹ chồng Lương đã gọi điện lên bảo vợ chồng con cái lúc nào về thì mang theo 10 triệu để ăn tết khiến Lương thấy sốc.
Cũng phải thôi, vợ chồng Lương tuy ở Thủ đô thật nhưng sống chỉ dựa vào đồng lương nhà nước, một tháng tổng thu nhập được hơn 10 triệu thì thấm vào đâu. Tuy nhà không phải thuê nhưng tiền ăn uống, gửi con đi học, quan hệ công việc… thì chừng đó lương cũng chỉ vừa đủ cho Lương và Cao chi tiêu. May ra dịp Tết cơ quan còn thưởng thêm một tháng lương nên Lương cũng thấy không bị áp lực lắm.
Thế nhưng, năm nay mẹ chồng bảo đưa về 10 triệu, đúng tròn vèn vẹn thưởng tết của cả hai vợ chồng thì vợ chồng cô lấy gì mà đón Tết nữa. Nghĩ đến đó, Lương nước mắt ngắn dài thi nhau rơi xuống.
Tuy bất mãn với “chỉ thị” của mẹ chồng nhưng Lương cũng không dám từ chối bởi năm ngoái vợ chồng Lương mới cưới, không có nhiều tiền, chỉ biếu ông bà 3 triệu ăn tết, tuy tự tay mua sắm gần hết đồ ăn tết nhưng mẹ chồng cô vẫn có vẻ không ưng ý. Mỗi lần về quê mẹ chồng vẫn hay so sánh nhà cô với mấy nhà hàng xóm có con trên thành phố về tết biếu bố mẹ chồng mấy chục triệu sắm tết khiến Lương rất tủi thân.
Nhưng nghĩ thì nghĩ thế thôi chứ Lương chưa bao giờ dám phật ý với mẹ chồng, cũng nghĩ là bà biết hoàn cảnh của hai vợ chồng rồi chắc cũng sẽ đòi hỏi quá cao. Vậy mà lần này về bà không để cho vợ chồng Lương tự đưa tiền tiêu tết mà chủ động yêu cầu một số tiền thực sự là vượt quá khả năng của vợ chồng cô. Giờ đưa số tiền ấy cho bà thì hai vợ chồng chẳng dám đi chơi, đi chúc tết ai nữa, mà không đưa thì không được.
Trước cú điện thoại của mẹ chồng Lương đã từng dự tính gần tết sẽ mua đồ mới cho con trai sắp một tuổi, rồi mua đôi giày mới cho chồng bởi đôi anh đi đã hai năm chưa đổi. Lương cũng muốn đi làm tóc, thay quần áo mới để hãnh diện một chút khi về quê. Cả năm vất vả làm ăn, vợ chồng cô không dám mua quần áo mới, đồ của con thì hầu hết là đi xin, tích cóp được một ít thì Lương để sổ tiết kiệm lỡ lúc ốm đau, tất cả chỉ trông vào thưởng tết để có thể làm những kế hoạch trên. Vậy mà, dự tính của cô đã tan thành mây khói.
Dẫu biết mẹ chồng khó tính nhưng Lương luôn ăn ở có đầu có cuối. Mỗi lần về quê cô đều tay xách nách mang quà cáp cho ông bà, họ hàng đầy đủ chứ đâu có thiếu sót gì. Vậy mà nhiều lần, trong những câu chuyện gia đình, mẹ chồng cô thể hiện suy nghĩ là nhà cô sống trên thành phố chắc có nhiều tiền của chứ không như dưới quê. Bà không hỏi han đến công việc của các con mà chỉ chăm chăm kể lể chuyện hàng xóm có con trên thành phố làm ăn, kiếm tiền nhiều ra sao rồi nhắn nhủ vợ chồng cô cố gắng được như nhà người ta. Những lúc đó Lương cũng chỉ cười cho qua chuyện.
Lương nói với chồng về cú điện thoại của mẹ, mong anh chia sẻ để mẹ có thể hiểu hoàn cảnh của con cái hơn thế nhưng chồng cô cũng chỉ biết an ủi bảo mình cố gắng chiều theo ý mẹ, mỗi năm chỉ có một cái tết thôi. Lương cũng biết Cao nói thế nhưng cái chính là lòng sĩ diện của anh quá cao. Phận làm vợ, làm con dâu Lương đành ngậm ngùi chấp nhận làm vừa lòng nhà chồng, nuốt nỗi khổ của mình vào trong.
Theo Lily
Gia đình và Xã hội