Cô gái từ chối hai học bổng tiến sĩ để học thạc sĩ
- Thứ năm - 15/06/2017 17:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyễn Phương Anh - cô gái có nhiều quyết định "ngược đời"
Nguyễn Phương Anh - cựu sinh viên tài năng của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn có những quyết định “ngược đời”, khiến ngay cả người hiểu cô nhất cũng phải giật nảy.
Cô nàng xuất sắc giành được hai học bổng tiến sĩ toàn phần với giá trị lớn, đúng ngành mình thích nhưng lại chọn theo học thạc sĩ, dù tương lai một lần nữa phải xoay sở xin lại học bổng này.
Cô từng xác định học ngành Kinh tế - một ngành kỳ vọng sẽ cho lắm tiền nhiều của nhưng rồi lại đột ngột rẽ hướng sang Văn học, chỉ vì nó cho cảm giác “sướng run người”. Và cho đến giờ, Phương Anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình, trở thành sinh viên quốc tế duy nhất theo ngành Văn học Anh của trường ĐH Franklin & Marshall Collge (Mỹ).
Phương Anh chia sẻ trải nghiệm du học tại Hội thảo du học VietAbroader
“Có những thứ nhất định phải trải nghiệm”
Tốt nghiệp ngành Văn học, trường ĐH Franklin & Marshall Collge, Phương Anh tự tin nộp hồ sơ xin học bổng thẳng lên tiến sĩ. Kết quả, cô nàng được hai trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ chào mời gồm: ĐH California ở San Diego và ĐH Massachusetts ở Amherst với giá trị 40 đến 50.000 USD/năm.
Đây là kết quả của bảng thành tích “khủng” và những đóng góp cho nhà trường trong 4 năm đại học, cùng bài thi chuẩn hóa, bài luận ấn tượng của Phương Anh. Với học bổng này, Phương Anh sẽ có 5 năm học tập, 2 năm đầu nhận bằng thạc sĩ và thêm 3 năm nữa sẽ nhận bằng tiến sĩ.
Thế nhưng, hai suất học bổng tiến sĩ này lại không khiến cô gái Hà thành vui sướng bằng một học bổng thạc sĩ ngành Văn học Anh của trường ĐH Georgetown ở Washington (Mỹ), dù rõ ràng cấp bậc thấp hơn, sẽ phải đi một quãng đường xa hơn để đến với học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư Văn học luôn ao ước.
Phương Anh được nhiều giáo sư trong trường trọng dụng
Hơn nữa, trong tương lai cô sẽ phải nỗ lực để xin lại loại học bổng này.
Vậy lý do là gì? Phương Anh cười: “Chính mình cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc quyết định và cuối cùng, đã lựa chọn theo sở thích".
Phương Anh cho biết, các trường ĐH Mỹ hiếm khi cấp học bổng thạc sĩ, đặc biệt là ngành Văn học Anh. Suất học bổng thạc sĩ cô có trong tay là một món quà cực kỳ hiếm hoi và quý giá. Cô muốn dùng nó để xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc về lĩnh vực Văn học trong hai năm tới, sau đó sẽ tự tin vươn đến học bổng tiến sĩ.
Cô nàng còn đưa ra rất nhiều lý do khác như ngôi trường sắp đến ở gần với ngôi trường hiện tại, không phải xa bạn bè, thầy cô… nhưng cho đến cùng, lý do quan trọng nhất vẫn là “có những thứ nhất định phải lần lượt trải nghiệm”.
Phương Anh nhận được một công việc tại ngôi trường sắp đến. Đó là vị trí tại phòng chuyên xử lý các trường hợp đạo văn, gian lận thi cử
Học Văn vì cảm giác “sướng run người”
Phương Anh là sinh viên quốc tế sáng giá ở trường Đại học Mỹ và chính niềm đam mê đã giúp cô có được vị trí đó.
Hai năm đại học đầu tiên, Phương Anh chọn ngành chính là Kinh tế và học thêm ngành phụ Văn học bởi, từ nhỏ đã mê viết lách. Nào ngờ càng học càng mê, cô bị cuốn hút bởi những con chữ, những tác phẩm văn học lớn và mê mẩn phê bình chúng.
Văn học đem đến cho Phương Anh cảm giác thỏa mãn và có những giây phút “sướng run người”. Nếu như ban đầu, con chữ chỉ là trải nghiệm lạ thì sau đó 1 năm, đối với Phương Anh đó đã là sức hút không thể chối bỏ.
Cuối cùng, cô lựa chọn theo đuổi ngành Văn học Anh- ngành được cho là không có tiền đồ về chuyện kiếm tiền.
Phương Anh xem mỗi bước đi trong cuộc đời mình là một trải nghiệm quý giá
Cô nhắc đến Văn học với sự hào hứng: “Con chữ có sức mạnh lớn lao ngoài sức tưởng tượng. Khi thực tập tại chuyên trang của BBC, có người nói với mình: “Mày không tin nổi đâu, rất nhiều người còn không thể viết một bài luận thể hiện quan điểm của mình, trớ trêu nhỉ?”. Mình lại thấy thứ mình theo đuổi không hề sai lầm”, Phương Anh nói.
“Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” – câu này rất đúng với Phương Anh khi từ một sinh viên xuất phát điểm thấp, cô vươn lên dẫn đầu khoa về thành tích học tập.
Cô là chủ tịch hội sinh viên quốc tế của trường, tích cực giúp tân sinh viên hòa nhập với môi trường mới. Cô còn là sinh viên quốc tế hiếm hoi trong đội ngũ gia sư 20 người, giúp đỡ hơn 2000 sinh viên và các giáo sư trong trường các vấn đề về bài luận.
Phương Anh phát biểu trong lễ khai giảng của trường
Trong 4 năm học, Phương Anh nhiều lần giành giải cây bút tiềm năng do Trung tâm viết của trường trao tặng, với những bài luận tốt. Cô còn giành được vinh dự hiếm, là 1 trong 3 sinh viên phát biểu trong lễ khai giảng của trường.
Đến giờ, mỗi khi đối mặt với những sinh viên còn bỡ ngỡ, Phương Anh vẫn nhắc lại những lựa chọn “ngược đời” và trải nghiệm quý báu có được từ nó.
Khi được hỏi, học ngành “tẻ nhạt” như Văn học thì bao giờ mới có đủ tiền trả ơn bố mẹ, Phương Anh chỉ lặng lẽ cười. Cô thừa nhận, đây là ngành “khó thu hồi vốn” một cách chớp nhoáng nhưng lại không hề tẻ nhạt và mù mịt như mọi người nghĩ.
Ngược lại, cô tự tin khẳng định: “Mình là sinh viên quốc tế duy nhất theo học ngành Văn học ở đây, gặt hái được không ít thành tích và được các giáo sư trọng dụng. Vì thế, tương lai của mình chẳng mù mịt lắm đâu”.
Diệu Liên đã “tay không“ xuất sắc chinh phục ngôi trường đại học hàng đầu thế giới này.