Chuyện những nàng dâu được mẹ chồng chiều như “bà hoàng”
- Chủ nhật - 09/04/2017 10:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khai thác mối quan hệ muốn thuở: mẹ chồng nàng dâu, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” mới chiếu được 2 tập đã gây sốt từ mạng xã hội ra ngoài đời thực. Chị em công sở đua nhau bàn tán về những tình huống oái ăm của mẹ chồng - nàng dâu mà bộ phim đề cập đến. Liệu hình ảnh mẹ chồng ngoài đời thực, có thật sự cay nghiệt như trong phim? |
“Mẹ chồng là cô Tấm”
Câu trả lời sẽ là không với những nàng dâu “chuột sa chĩnh gạo”, mà chĩnh gạo ở đây không phải của cải, vật chất mà là tình yêu thương của mẹ chồng.
Chị Nguyễn Ly Ly (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) tự nhận mình là “hạt mưa sa” may mắn rơi vào đài các. Những mẩu chuyện nhỏ về lòng tốt của mẹ chồng được chị chia sẻ trên Facebook khiến ai nấy đều xuýt xoa.
Chị Ly Ly hạnh phúc vì được mẹ chồng cưng chiều
Khi được hỏi việc làm nào của mẹ chồng khiến chị cảm động nhất, chị suy nghĩ hồi lâu rồi mới trả lời: “Chẳng có việc nào cả vì ngày nào mẹ chồng tôi cũng tốt. Bà không phải kiểu người, năm bữa nửa tháng mới làm một việc bất ngờ khiến con dâu cảm động”.
Sống chung với mẹ chồng, chị Ly được cưng chiều hơn ở nhà đẻ. Ngày nghỉ nào cũng vậy, chị được ngủ đến trưa, chờ mẹ chồng gọi dậy ăn cơm. Biết nước vối tốt cho bà bầu, sáng nào mẹ chồng chị cũng dậy sớm mua lá về nấu, cho nước vào bình giữ nhiệt để chị mang đi làm.
Mỗi sáng, chị đều nhận được câu hỏi: “Nay con thích ăn gì?” và chỉ cần trả lời là buổi tối nhất định có món đó trên bàn ăn. Quần áo của chị được mẹ chồng giặt giũ, phơi phóng thơm tho rồi gấp gọn gàng để trong phòng. Phòng của hai vợ chồng chị lúc nào cũng như có cô Tấm, sáng đi bề bộn, tối về lại gọn gàng.
“Tôi vẫn nhớ mãi một câu của mẹ đẻ: “Mẹ cũng không chiều con được như thế, liệu mà ăn ở với ông bà bên nhà”, chị kể.
Chị càng biết ơn mẹ chồng gấp bội khi bà đặc biệt quan tâm đến thông gia. Mẹ đẻ chị bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ chỉ định mổ gấp nhưng vẫn không dám mổ vì lo con gái sinh nở, không có người chăm. Thấy vậy, mẹ chồng chị sang tận nơi động viên: “Bà cứ lo chữa bệnh đi, cái Ly bầu bí, chửa đẻ đã có vợ chồng tôi chăm”. Giây phút ấy, chị xác định, với mình không còn khái niệm mẹ chồng – mẹ đẻ.
Cảnh mẹ chồng xông vào phòng tân hôn, cấm con dâu ngồi lên người con trai không ngờ lại có ngoài đời thực.
Vì sự cay nghiệt của mẹ chồng mà chị Nhung (Hòa Bình) chỉ làm dâu đúng 5 tháng rồi phải bỏ về ngoại. Chị là giáo viên mầm non, ngày mới về làm dâu lương ba cọc, ba đồng nhưng vẫn phải giao nộp toàn bộ cho mẹ chồng. Thậm chí, có những ngày xe hết xăng giữa đường chị cũng không có tiền mua, phải dắt bộ hai cây số về nhà mẹ đẻ xin tiền.
Ban ngày đi dạy, không thể làm việc đồng áng cùng mẹ chồng thì tối về chị phải làm bù. Có những hôm, chị ngồi bóc râu ngô đến 10 giờ khuya mới được ngồi vào bàn soạn giáo án, xong xuôi quay ra giặt quần áo cho cả bố mẹ chồng lẫn vợ chồng em út.
Bầu bí, chị thèm đồng quà, tấm bánh cũng không có tiền mua, phải chạy về nhà đẻ "ăn ké". Biết thế, mẹ chồng chị nói xỏ xiên: "Ăn cho lắm vào rồi khó đẻ".
Cam chịu sống đời địa ngục bên mẹ chồng suốt 5 tháng liền, giữa lúc bầu bí phải ôm về nhà ngoại, ấy thế mà chị Nhung chưa bao giờ mất niềm tin vào mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Chị bảo, đời chị khổ nhưng vẫn thấy không ít nàng dâu sung sướng, được mẹ chồng chiều như bà hoàng.
"Nói đâu xa, chính chị gái chồng mình may mắn như thế. Chị ấy khá cục mịch, nóng tính, không bao giờ biết khéo léo với mẹ chồng, vậy mà chưa từng bị bà nói nặng một câu. Đi làm về có người giặt giũ quần áo, nấu cơm, con cho người trông nom, tắm rửa, đưa đón đi học. Tóm lại chỉ cần làm xong việc của mình là được nghỉ... Đời làm dâu, thế là sướng quá rồi còn gì", chị chia sẻ.
Thế nên, một nàng dâu từng khổ trăm bề như chị vẫn chưa từng có suy nghĩ sợ lấy chồng. Bởi chị hiểu, trên đời còn rất nhiều bà mẹ tốt, sẵn sàng yêu thương và thấu hiểu con dâu.
Nàng dâu ôm con về ngoại, mẹ chồng dắt xe đạp đi tìm
Trong tất thảy những câu chuyện nàng dâu “số hưởng”, tôi ấn tượng hơn cả với chuyện của chị T.D (sinh năm 1986, Phú Thọ)- người từng ôm con bỏ đi và được mẹ chồng dắt xe đạp lóc cóc đi tìm.
Mỗi khi xích mích với chồng, chị D. luôn được mẹ chồng bảo vệ (ảnh minh họa)
Khoảnh khắc ôm con lẽo đẽo đi sau chiếc xe đạp của mẹ về nhà, chị vừa ân hận, vừa thương mẹ chồng đến thắt lòng. Hôm ấy, vợ chồng chị cãi nhau, chồng chị giận đến mức đập hết bát, đĩa. Ấm ức chị ôm con bỏ về nhà ngoại nhưng đến nửa đường lại sang nhà đồng nghiệp… trú tạm.
Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, “cơn mưa điện thoại” từ mẹ chồng, mẹ đẻ… ập đến khiến chị giật mình. Đến khi biết mẹ chồng đang dắt xe đi tìm thì bủn rủn chân tay, không phải vì sợ mà vì thương mẹ quá.
Đó là lần đầu tiên chị thấy mẹ chồng khóc thành tiếng. Bà nói với chị: “Con hâm! Đi đâu để mẹ lo. Nó ngu, nó láo thì có mẹ bên cạnh, mẹ bênh, có gì mà phải đi”. Về đến nhà, bố chồng chị đã thu xếp mọi chuyện ổn thỏa, cả nhà lại có bữa cơm vui vẻ như ngày thường.
Một lần khác khiến chị nhớ mãi là ngày hai mẹ chồng – con dâu đưa nhau đi đẻ. Khi nghe bác sĩ nói phải mổ, chị sợ đến run người, cả đêm mẹ chồng ngồi hành lang xoa bụng, kể chuyện cho con dâu bớt đau, bớt sợ.
Khi vào thang máy lên phòng mổ, mẹ chồng chị bị bảo vệ chặn lại. Bà làm ra vẻ mặt mếu máo, xin xỏ: “Chú cho tôi lên với, nhà tôi chỉ có hai mẹ con đi với nhau” khiến chị vừa, thương vừa buồn cười. Sau này chị nghe mọi người kể lại, lúc ngồi ở ngoài chờ, nghe hộ lý nói con dâu ngất trên bàn mổ, mẹ chồng chị khóc hu hu, khiến ai nấy đều nghĩ bà là mẹ đẻ.
Họ được gọi là những nàng dâu số hưởng khi nhận được tình yêu vô hạn của mẹ chồng. Trong đó, dù có người từng xem mẹ chồng là nỗi ám ảnh cũng phải đánh giá lại, không phải mẹ chồng nào cũng cay nghiệt.
...
Nhưng nếu chẳng may, gặp phải mẹ chồng khó tính, chị em phải làm sao để cải thiện mối quan hệ này.
Đón đọc bài tiếp theo: “Bí kíp thu phục mẹ chồng về phe mình” vào 11:00 ngày 10/4.