Cách chăm con mùa lạnh khiến trẻ ốm thêm
- Thứ năm - 25/01/2018 07:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, lạnh đột ngột kèm mưa phùn gió bấc là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển gây nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ bị suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Lê Bá Tuấn, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi đến khám chủ yếu mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh tiêu chảy, cúm, chân tay miệng... Trẻ từ một tháng tuổi đến 12 tháng tuổi nhập viện chiếm 80%. Trẻ từ một tháng tuổi đến 6 tháng tuổi nhập viện chủ yếu do mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng như suy hô hấp, bác sĩ phải can thiệp truyền dịch, thở máy...
Sức đề kháng của trẻ nhỏ kém, thời tiết thay đổi bé rất dễ mắc bệnh. Rất nhiều trẻ nhập viện do chính cách chăm sóc sai của cha mẹ. Vì quá lo lắng, bảo vệ con trong những ngày lạnh đôi khi lại là nguyên nhân khiến con nhiễm bệnh.
Cho mặc bỉm 24/24 giờ
Con mặc bỉm suốt ngày sẽ tiện nhiều bề cho mẹ và giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, việc làm này không tốt vì bỉm để lâu có thể gây tổn hại đến sức khỏe và làn da của bé. Trẻ đóng bỉm suốt ngày bị dính nước tiểu dễ bị lở loét, ảnh hưởng xấu tới da. Do đó, trẻ bị hăm là một điều khó tránh khỏi khi phải đóng bỉm thường xuyên. Hơn nữa, khi trẻ đi tiểu nhiều mà chưa kịp thay bỉm, nước tiểu trong bỉm sẽ ngấm ngược gây lạnh cho trẻ.
Đặc biệt, việc dùng bỉm thường xuyên kéo dài ở bé trai còn gây hại cho tinh hoàn. Đeo bỉm thường bị kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ tăng lên, trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho tinh hoàn bé trai là khoảng 34oC. Khi nhiệt độ tăng lên tới 37oC và nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn trong việc sản xuất tinh trùng sau này.
Sử dụng thiết bị sưởi sai cách
Nhiều gia đình có điều kiện sử dụng các loại thiết bị sưởi ấm vào mùa đông như điều hòa, máy sưởi. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lạm dụng vào các thiết bị này, chỉ sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Bởi nếu dùng quá nhiều sẽ khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da, nhất là máy sưởi sẽ khiến khô mũi dẫn đến ảnh hưởng hệ hô hấp gây ra khó thở ở trẻ em. Cha mẹ nên để phòng tránh gió lùa nhưng vẫn cần có sự trao đổi không khí, tránh bí bức.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ là khoảng 25-28oC. Ngoài ra, có thể dùng máy sưởi, quạt sưởi, song không dùng quá lâu.
Không tắm vì lạnh
Vào đông, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh giá, rất nhiều ông bố bà mẹ không dám cho con tắm vì sợ bé bị cảm lạnh, dễ ốm mà chỉ thay quần áo cho bé. Tuy nhiên cha mẹ lại không biết rằng nếu không được tắm rửa sạch sẽ thì bé sẽ rất khó chịu, quấy khóc và chậm lớn. Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo rằng ngay cả những ngày đông, các bé cũng cần được tắm rửa sạch sẽ mới khỏe khoắn. Nhưng khi tắm cho bé phải thật cẩn thận kẻo dễ cảm lạnh hoặc nước nóng quá sẽ khiến bé tổn thương da.
Tránh tắm cho bé sớm quá hoặc muộn quá trong ngày, cũng kiêng không tắm cho bé từ 11h đến 13h. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h đến 10h30 hoặc từ sau 13h đến trước 16h. Mùa đông, không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm nhưng vẫn phải vệ sinh hàng ngày cho trẻ. Chỉ cần lau sạch cơ thể với nước ấm và đặc biệt chú ý vệ sinh, lau khô phần cơ thể từ dưới rốn tới chân. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C, tắm ở phòng kín gió, có thể 3 ngày tắm một lần.
Không cho trẻ ra ngoài trời
Trong ngày lạnh, phần lớn trẻ ở trong phòng kín. Có bé vài ngày không ra ngoài trời. Việc ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ ốm yếu và dễ mắc bệnh hơn. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày để hấp thụ vitamin D, rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lí tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8-9h30 và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều từ 15-17h. Trẻ cũng cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thay áo cho trẻ.
Ðể bụng bé bị nhiễm lạnh
Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng... Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa... Tuy nhiên, không ông bố, bà mẹ nào có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con... Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi (loại chăn riêng có phéc-mơ-tuya để bảo vệ bụng không bị nhiễm lạnh) và đi bít tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Một đứa con khôn lớn, mạnh khỏe là mong ước của cha mẹ. Vì vậy, mọi người cần biết các phương pháp bảo vệ sức khỏe khoa học cho con mình. Đó là tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin cần thiết. Cần cho trẻ uống đủ nước, nên uống nước ấm.
Giữ ấm cơ thể cho trẻ đúng mức, không nên mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ đổ mồ hôi và bị nhiễm lạnh trở lại. Nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng như tay nắm cửa, vòi nước, bàn ghế... Vệ sinh môi trường sống cho trẻ sạch sẽ. Hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá... Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh.
Theo Nhi Nguyễn
Tiền Phong