Bí kíp của nha sĩ: làm sao để một hàm răng trắng bóng không cần thẩm mỹ
- Thứ hai - 15/08/2016 00:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Răng là một trong những bộ phận khó làm sạch nhất trên cơ thể chúng ta. Hàng ngày, chúng phải chịu đựng sự phá hủy của các loại thực phẩm không tốt, vi khuẩn, và cả các thói quen tồi tệ (như nghiến răng chẳng hạn). Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hàm răng không được chăm sóc tốt không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới ngoại hình, việc ăn uống hàng ngày mà thậm chí còn có thể có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
Vì vậy, hãy cẩn thận hơn trong việc chăm sóc răng miệng với các chú ý từ nha sĩ dưới đây.
Chỉ nha khoa
Dùng chỉ nha khoa có thể loại bỏ các mảng bám trên răng những người sử dụng loại công cụ làm sạch răng này lại rất ít. Theo một điều tra y tế mới đây, chỉ có chưa đến 1/4 số người lớn sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên và 1/3 người chưa bao giờ sử dụng loại chỉ này.
Đánh răng bằng bàn chải chỉ có thể làm sạch ba trong số năm bề mặt của răng - mặt trước, mặt sau và phần đầu răng, nhưng hai bên kẽ răng lại không được chú ý tới. Và vì hàm răng không thẳng, liền thành một khối thống nhất mà chia thành từng chiếc nhỏ nên lông bàn chải không thể xâm nhập vào vào các hố nhỏ hơn và bề mặt lõm trên răng. Đây là lí do chúng ta cần đến chỉ nha khoa, và các nha sĩ kết luận rằng sử dụng cả bàn chải và chỉ nha khoa sẽ tốt hơn là chỉ dùng một thứ duy nhất.
Tránh dùng tăm xỉa răng vì chúng quá lớn và thường làm nới rộng khe răng, làm mất men răng theo thời gian. Sử dụng tăm thường xuyên còn có khả năng dẫn đến các bệnh về lợi.
Thời điểm đánh răng
Ăn thức ăn gây tích tụ của acid trong miệng, làm mềm men răng tạm thời, uống nước trái cây còn làm nồng độ acid trong miệng còn cao hơn.
Nếu bạn chải răng ngay sau khi ăn uống, bạn đang chải đi lớp men mềm trên răng đấy. Vậy nên hãy đánh răng ngay sau khi bạn thức dậy, và thêm một lần nữa khi sắp đi ngủ. Một số người bắt đầu ngày mới với một cốc nước chanh ấm, điều này rất tốt cho cơ thể, nhưng nếu bạn đánh răng thẳng ngay sau đó thì nó sẽ trở thành một thảm họa.
Và hãy chắc chắn là bạn đã rửa sạch bọt kem đánh răng trong miệng, nếu không florua còn sót lại sẽ làm giảm hiệu quả đánh răng. Đó cũng là lý do không nên sử dụng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng. Và tốt nhất là bạn đừng nên ăn hoặc uống gì trong vòng 30 phút sau khi sử dụng kem đánh răng có fluoride. '
Thời gian đánh răng
Các nha sĩ cho rằng hai phút là thời gian "vàng" cho một lần đánh răng. Một sai lầm khác khi đánh răng là xoay bàn chải theo vòng rộng, đánh ngang bề mặt răng vì điều này dễ làm mài mòn men răng và hay bỏ qua các khu vực khác trong miệng.
Cách đánh răng đúng là giữ bàn chải theo góc 45 với lợi và chuyển động bàn chải theo từng vòng tròn nhỏ. Chia hàm răng của bạn thành bốn khu vực và dành 30 giây cho từng khu.
Tuy nhiên, nếu bạn đánh răng quá lâu cũng dễ làm hư hỏng răng. Việc này dễ làm mòn men răng, lộ ngà răng dẫn đến sâu răng, chảy máu nứơu và viêm nướu.
Có nên đánh răng lần thứ ba?
Nếu bạn thực sự muốn đánh răng lần thứ ba trong một ngày, hãy chờ ít nhất một giờ sau khi ăn hoặc uống để đảm bảo rằng men răng đã cứng lại. Nếu không muốn chờ lâu, bạn có thể ăn một chút pho mát - món này có thể làm trung hòa acid trong miệng, tăng sản xuất nước bọt có tính kiềm và tạo ra một hàng rào bảo vệ xung quanh răng.
Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn cũng có tác dụng tương tự do nước bọt sinh ra trong quá trình nhai chứa kiềm và trung hòa axit, giúp tái tạo các loại khoáng chất làm cứng răng. Chú ý là bạn chỉ nên nhai nhiều nhất hai mươi phút nhai, nhiều hơn có thể tạo gánh nặng cho khớp thái dương ở xương hàm, gây đau nhức.
Một điều cần tránh nữa là ăn vặt thường xuyên, điều này khiến răng "tắm acid" liên tục. Mỗi khi bạn ăn, nồng độ acid trong miệng tăng lên và mất khoảng 40 phút để có thể trở lại mức độ bình thường. Nếu bạn ăn vặt liên tục, nồng độ acid trong miệng sẽ luôn ở mức cao, gây tổn hại cho răng.
Thay đổi bàn chải đánh răng
Bạn nên mua bàn chải đánh răng mới (hoặc thay đổi phần đầu nếu bạn dùng bàn chải điện) mỗi ba tháng một lần. Đây là nguyên tắc đứng đầu để đảm bảo không có quá nhiều vi khuẩn tích tụ trong các lông bàn chải từ miệng của bạn. Ngoài ra, bạn nên đặt bàn chải của bạn ở một nơi sạch sẽ, khô ráo. Nếu có thể, bạn nên thường xuyên tiệt trùng đầu bàn chải bằng thuốc xịt khử trùng đặc biệt hoặc hộp đèn tia cực tím.
Bạn nên thay đổi bàn chải sớm hơn nếu lông bàn chải bắt xơ và xòe rộng vì điều này có nghĩa là bàn chải không còn tác dụng làm sạch răng nữa và nó cũng quá cứng đối với lợi.
Một điều quan trọng nữa bạn cần nhớ là luôn sử dụng bàn chải có đầu lông mềm, lông quá cứng có thể gây mài mòn men răng và tụt lợi.
Nước súc miệng
Hầu hết mọi người không sử dụng nước súc miệng nhưng nó có thể giúp làm giảm nguy cơ sâu răng và viêm nướu.
Tốt nhất là bạn nên chọn nước súc miệng không cồn vì cồn có thể làm khô miệng, điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng của vi khuẩn và tăng mảng bám tích tụ, từ đó có thể làm cho hơi thở có mùi tệ hơn.