Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Xôn xao chuyện những hộ “nghèo rớt” bỗng dưng sở hữu “đất vàng”

Xôn xao chuyện những hộ “nghèo rớt” bỗng dưng sở hữu “đất vàng”
Nhiều hộ nghèo ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) - có hộ con cái bệnh tật triền miên, có hộ độc thân cơ cực, có gia đình cái ăn hàng ngày còn không đủ... - bỗng dưng sở hữu những lô đất "từ trên trời rơi xuống".

Sững sờ vì “đất vàng”

Suốt hơn một tháng qua, đi tới thôn xóm nào, người dân xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng bàn tán xôn xao chuyện những gia đình khốn khó, vốn nghèo "có số má", cơm chẳng đủ ăn, bỗng dưng sở hữu những lô đất trị giá hàng trăm triệu đồng.

Khu vực đồng Bớt, thôn Đông Châu, xã Phù Lưu nằm trên tuyến đường liên xã, cách trung tâm huyện chừng vài km, được xã quy hoạch khu đất giãn dân mà chủ nhân của các lô đất ở đây chủ yếu là các hộ nghèo.

Ông Hồ Xuân Hạnh (thôn Mỹ Hòa) nói với chúng tôi: “Đất đó của ai chứ người nghèo tiền đâu ra mà mua những miếng đất như thế? Những người có tiền nộp đơn xin mua xã còn không bán cho chứ nói gì hộ nghèo”.

Trước câu chuyện lạ, chúng tôi tìm đến những hộ dân nghèo đứng tên các lô đất trên để tìm hiểu thực hư. Theo chỉ dẫn của một người dân thôn Mỹ Hòa, chúng tôi có mặt tại nhà vợ chồng anh Phạm Văn Nghị (SN 1979), một hộ nghèo được UBND huyện Lộc Hà cấp lô đất 198 m2, thửa 377, ngày cấp 21/12/2015, với giá 44,4 triệu đồng tại thôn Đông Châu.

Trong ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 12 m2 tồi tàn, xiêu vẹo, anh Nghị gầy gò ốm yếu đang hì hục chẻ củi; chị Mến (vợ anh Nghị) đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho 3 đứa trẻ nheo nhóc.

Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh Nghị

Anh Nghị cho biết, mấy năm nay gia đình anh nằm trong diện hộ nghèo của xã, cuộc sống của cả gia đình chỉ bám lấy 1 sào ruộng được cấp. Năm 2015, khi chị Mến sinh thêm hai cháu (sinh đôi), kinh tế gia đình càng khó khăn vì vợ con hay ốm đau bệnh tật.

“Ôi cha. Khổ hết cực các anh ạ. Nhà tất cả có 5 miệng ăn, chỉ trông chờ vào đồng tiền phụ hồ của bố các cháu. Hôm nào bố các cháu đi làm được còn có cái ăn, còn mưa gió bù khú ở nhà chỉ còn nước cơm rau lót bụng qua ngày” – chị Mến vừa bế con nhỏ vừa nói hóng ra.

Chị Mến ngồi bệt bên 3 đứa con nhỏ nghe chúng tôi hỏi về việc gia đình có tiền mua đất ở mặt đường.

Sao gia đình nghèo khổ như vậy mà có tiền mua đất mặt đường ở thôn Đông Châu? Anh Nghị nói nhanh, nhà nghèo muốn có chỗ ở tử tế nên khi được hỗ trợ giảm 50% tiền đất liền liều đi vay mượn được 81 triệu đồng để mua lô đất đất đó.

“Em cố vay nợ, mua để sau này có điều kiện thì làm nhà cho các cháu có chỗ chui ra chui vào, chứ ở như này khổ quá các anh ạ”- anh Nghị nói.

Hỏi anh Nghị có biết lô đất được cấp khi nào, vị trí nằm ở đâu không, anh Nghị lắc đầu không rõ. Anh Nghị cũng cho biết, chưa bao giờ được nhìn thấy cái bìa đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) dẫu mảnh đất đó đứng tên vợ chồng mình.

Nhưng đấy chỉ là câu trả lời dè chừng của anh Nghị trước chúng tôi vì sợ những lời nói thật của anh sẽ đến tai chính quyền xã, rất bất tiện. Sau khi được động viên, anh Nghị mới giãi bày sự thật: “Khoảng đầu năm 2015, lúc đó 2 vợ chồng em vừa đưa con đi viện về thì người bác trong họ là ông Phạm Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã (HĐND) có đến mượn chứng minh và sổ hộ khẩu của 2 vợ chồng nói để mua đất. Sau khi mượn khoảng 1 tuần thì thấy ông mang đến trả và dặn nếu có ai hỏi thì nói là đất của chú chứ đừng nói đất của bác”.

Bẵng đi thời gian, vợ chồng anh Nghị, chị Mến nghiễm nhiên có suất đất mặt tiền giá hàng trăm triệu đồng.

“Bây giờ người ta cứ nói đất vợ chồng em mua được ở mặt đường. Bọn em cũng chỉ nghe là ở thôn Đông Châu chứ cũng không biết cụ thể ở vị trí nào. Đất đó là bác Thạch mượn giấy tờ của vợ chồng em để mua chứ bọn em làm gì có tiền” – chị Mến tiếp lời.

Bị cắt hộ nghèo vì lô đất mặt tiền

Hộ anh Bùi Viết Dương (SN 1973), chị Phan Thị Thông, thôn Thanh Hòa cũng là một hộ dân "mua đất". Nhà anh Dương, chị Thông nằm lọt thỏm trong góc nhỏ của thôn, ngõ vào nhà chỉ 1 người đi lọt. Thời điểm chúng tôi vào đúng lúc chị Phan Thị Thông (vợ anh Dương) đi gom đồng nát về.

Hoàn cảnh gia đình anh Dương và chị Thông hết sức khó khăn. Anh Dương mắc bệnh tiểu đường không làm lụng được gì nhiều. Đứa con trai thứ hai của anh, cháu Bùi Viết Thái (SN 2007) bị mắc bệnh tim đi viện mổ vẫn chưa lành hẳn. Bố con bị bệnh, kinh tế gia đình kiệt quệ, nên cuộc sống chỉ trông vào công việc buôn bán đồng nát của người vợ ốm yếu.

Chị Thông kể về việc có một cán bộ xã đến mượn giấy tờ, sổ hộ khẩu nói là đi làm chế độ cho con chị.

Nghe nhắc đến lô đất mặt tiền ở thôn Đông Châu mà UBND huyện vợ chồng đứng tên, chị Thông ấm ức nói: “Tôi vừa mới biết có lô đất xã cấp bán đứng tên vợ chồng chúng tôi. Tôi ức lắm chứ. Vì lô đất này mà vợ chồng tôi chịu bao điều tiếng”.

Chị Thông kể, đầu năm 2015, lúc trời rét căm căm, có một cán bộ ở xã phi xe đến nhà. Nhà đang thiếu ăn, con cái lại đang quằn quại chịu bệnh, nên khi thấy ông cán bộ xã nọ mượn sổ hộ khẩu, chứng minh thư của 2 vợ chồng nói là đi làm chế độ cho con trai, anh Dương, chị Thông mừng như người sắp đuối nước vớ được cọc.

“Sau đó khoảng 6 ngày thì thấy họ mang giấy tờ đến trả. Từ đó tới chờ đợi mãi vợ chồng không thấy chế độ nào của con. Hỏi thì nói phải chờ. Chờ dài cổ không thấy, vợ chồng tôi cũng nỏ buồn hỏi nữa”- chị Thông buồn bực kể.

Nhưng chế độ không thấy đâu mà sau đó một thời gian, gia đình anh chị lại bị xã cắt mất hộ nghèo với lý do "có tiền mua đất mặt đường".

“Khi bị cắt khỏi hộ nghèo họ hứa sẽ cho con chúng tôi cái xe đạp nhưng vợ chồng tôi không nhận. Tôi nói với họ, đất đó không phải của vợ chồng tôi nên tôi không nhận”- chị Thông cay cay đôi mắt kể tiếp.

Hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình anh Bùi Viết Dương tại Phòng TN&MT huyện Lộc Hà đã được cấp gần 1 năm nay. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt, anh Dương cho biết, gia đình không biết giấy tờ, bìa đất ở đâu và vị trí đất ở chỗ nào.

Bức xúc là vậy nhưng vợ chồng anh Dương, chị Thông kiên quyết không hé lộ tên người cán bộ đã mượn giấy tờ của anh chị. Theo chị Thông, vị cán bộ nọ cấm không cho anh chị hé lộ tên. Nếu khai ra không chỉ ảnh hưởng đến vị cán bộ nọ, mà gia đình chị cũng không yên thân.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài những hộ nêu trên còn nhiều lô đất giá trị khác đứng tên các hộ nghèo. Nhiều hồ sơ cấp đất cho các hộ dân nói trên lưu tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lộc Hà mà PV tiếp cận có dấu hiệu giả mạo chữ ký của chủ hộ được cấp đất.

Đơn xin giao đất

... và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình anh Nghị tại Phòng TN&MT huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, chữ ký của anh Nghị trong đơn và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhìn khác nhau hoàn toàn.

Làm việc với ông Phan Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, về thực trạng trên, ông Châu xác nhận có thực trạng cán bộ xã lấy tên hộ nghèo để mua đất, nhưng danh tính cụ thể như thế nào, bao nhiêu hộ nghèo bị lợi dụng, thì phải xác minh mới trả lời được.

Theo nhiều người dân xã Phù Lưu, những ngày qua do bị bại lộ chuyện mượn tên hộ nghèo để mua đất, một số cán bộ xã Phù Lưu đã âm thầm tìm đến nhà những hộ dân nói trên để thương lượng cũng như tìm cách đối phó với cơ quan chức năng. Thông tin này của người dân được anh Phạm Văn Nghị xác nhận.

Theo anh Nghị, mới đây ông cán bộ hội đồng Phạm Văn Thạch đã mang bìa đất tới nhà trả cho gia đình anh. “Ông ấy nói, trước muốn mua lại lô đất này, nhưng giờ không mua nữa, trả lại cho gia đình tôi” – anh Nghị nói.

Cũng theo anh Nghị, nhờ có bìa đất này mà hiện anh đã biết thửa đất, vị trí lô đất mà UBND huyện cấp cho gia đình anh.

PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hiệp Dũng

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây