Vụ nước mắm bị “vu oan” chứa asen: Chuẩn bị khởi kiện
- Thứ hai - 24/10/2016 09:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành”
Ngày 24/10, tại TPHCM, Hội Lương thực Thực phẩm thành phố đã phối hợp với Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thông báo chung về vấn đề nước mắm nhiễm asen bị công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng gây rúng động dư luận những ngày qua.
Theo đó, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hội nước mắm Phan Thiết, đại diện các Hội và Hiệp hội (gọi chung là hội ngành nghề truyền thống) đã nêu thông báo chung, lên án việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố thông tin sai sự thật, mập mờ thông tin, đánh tráo khái niệm.
Thông tin nước mắm nhiễm asen đã gây hoang mang cho người tiêu dùng trong và ngoài nước về mặt hàng nước mắm truyền thống, khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mặt hàng “quốc hồn quốc túy” lâm vào cảnh khốn đốn.
Mặt khác, Hội ngành nghề truyền thống cũng đại diện cho 2.800 nhà sản xuất nước mắm truyền thống gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Y tế và các bộ ngành khác liên quan đã nhanh chóng phản ứng, kịp thời chỉ đạo làm rõ sự thật 100% mẫu nước mắm truyền thống đều không nhiễm asen. Đó là cơ sở khẳng định thông tin do Vinastas công bố là hoàn toàn sai sự thật. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã bước đầu ổn định sản xuất, giảm thiểu được thiệt hại do thông tin không chính thống gây ra.
Theo phân tích của PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên thỉnh giảng trường Đại học Y Dược, TPHCM thì asen tồn tại dưới dạng hữu cơ và vô cơ, chỉ có asen dạng vô cơ mới gây độc cho con người. Ở dạng hữu cơ, asen rất phổ biến trong tự nhiên, những sản phẩm hải sản chứa chất này nhưng không có độc, do đó không gây ra bất kỳ tác dụng nguy hại nào cho người dùng.
Thời gian gần đây môi trường biển, có sự ô nhiễm nên đã có những nghiên cứu liên quan tới thủy sản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế nghiên cứu của các nhà khoa học Ba Lan (năm 2008) trên một số loại cá, nhuyễn thể từ vịnh Thái Lan, cho thấy các loại hải sản có mức asen an toàn và còn thấp hơn ở nhiều vùng biển khác.
Asen hữu cơ tồn tại trong thủy sản nên trong nước mắm (làm từ thủy sản) có sự hiện diện của chất này là điều đương nhiên nhưng (như đã nói ở trên) nó an toàn với người sử dụng. Mặt khác, nước mắm là sản phẩm rất bổ dưỡng, được chế biến từ phương pháp ủ chượp bằng cá biển và muối biển để chiết xuất ra dung dịch chứa muối và axit amin, đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng dễ hấp thu, rất tốt cho sức khỏe. Từ trước đến nay chưa có bất kỳ cá nhân nào ăn nước mắm truyền thống bị ngộ độc được ghi nhận. Do đó, thông tin nước mắm truyền thống chứa asen gây nguy hại cho người tiêu dùng là không có cơ sở.
Sẽ khởi kiện làm rõ trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan
Từ thực tế đang diễn ra, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lượng thực, Thực phẩm, TPHCM bức xúc: “Khủng hoảng thông tin về nước mắm chứa asen đã khiến các doanh nghiệp nước mắm lâm vào cảnh điêu đứng, các mặt hàng khi đưa đến chợ, siêu thị đều bị tạm dừng, ngừng bán để chờ thông tin chung về chất lượng nước mắm. Đặc biệt, tại các chợ truyền thống ở vùng sâu vùng xa thông tin chính thống chưa đến một bộ phận người dân đã tẩy chay nước mắm truyền thống, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Nguy hiểm hơn, thông tin nước mắm Việt Nam chứa asen đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt hàng nước mắm truyền thống của Việt Nam trên toàn thế giới”.
Trước mắt, Hội nghề truyền thống sẽ thống kê, tổng kết các thiệt hại, từ đó kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan làm rõ động cơ, mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân đã đưa thông tin sai sự thật. Trên cơ sở đó, Hội ngành nghề truyền thống sẽ chuẩn bị những thủ tục khởi kiện để đòi lại sự trong sạch của nước mắm truyền thống và yêu cầu các tổ chức, cá nhân sai phạm bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng.
TS Nguyễn Thị Hồng Vân, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho hay, nước mắm truyền thống là nước mắm không có hóa chất, chỉ làm bằng cá và muối. Bên cạnh việc kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ những mưu mô đánh tráo khái niệm (không phân biệt asen hữu cơ và vô cơ) bà Hồng Vân cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ khái niệm nước mắm truyền thống là nước mắm như thế nào, nước mắm công nghiệp, là nước chế biến pha chế từ những loại chất gì để có quy chuẩn kỹ thuật, làm cắn cứ cho nhà sản xuất và minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Cũng theo bà Hồng Vân, cùng với ngành sản xuất nước mắm, các nghề truyền thống của nước ta rất nhiều, để bảo vệ sự phát triển bền vững của các ngành nghề trên trong thời buổi kinh tế thị trường có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhà nước cần có chính sách bảo vệ, bảo tồn và hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không có quy định và chế tài rõ ràng thì nhiều ngành nghề truyền thống trên cả nước có nguy cơ bị triệt tiêu.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Quản lý và Kinh tế, TPHCM cho rằng, khủng hoảng thông tin nước mắm chứa asen đang gây tổn thất rất nghiêm trọng về kinh tế, uy tín của thương hiệu nước mắm truyền thống Việt Nam cả trong và ngoài nước. Hiệp định thương mại TTP đã đến gần, các doanh nghiệp trong nước muốn hội nhập và phát triển cần phải liên kết với nhau, tự khẳng định mình bằng cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu, công bố rõ ràng các thông tin chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và cam kết chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng về thông tin do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố; Nhà nước cần phải có quy trình kiểm tra, công bố công khai.
Vân Sơn