Vụ mất 4 tỷ đồng: Khách hàng khởi kiện ngân hàng SCB
- Thứ tư - 14/09/2016 19:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với phóng viên Dân trí vào trưa nay 14/9, bà Trần Thị Thanh Phúc (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) cho hay: Sau hơn 8 tháng chờ đợi, mệt mỏi vì phải đi khiếu kiện nhiều nơi, khách hàng này quyết định khởi kiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra tòa để đòi lại tiền và quyền lợi của mình.
Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã bố trí cuộc họp ba bên (ngân hàng, bà Phúc và cơ quan điều tra) để làm rõ bản chất sự việc. Tuy nhiên, theo bà Phúc, cuộc gặp trên chưa giải quyết được vấn đề, câu trả lời mà bà nhận được vẫn là tiếp tục phải chờ kết luận điều tra.
"Đã hơn 8 tháng gia đình tôi bị mất số tiền đang gửi tại Ngân hàng SCB, chúng tôi đã kiệt quệ về tài chính, tổn thương về tinh thần, hoang mang không biết tin vào đâu. Trong lúc chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra, tôi đã nhờ luật sư làm thủ tục để khởi kiện Ngân hàng SCB ra tòa. Tôi yêu cầu ngân hàng phải có trách nhiệm với số tiền mà tôi gửi tại ngân hàng này", bà Phúc chia sẻ.
Hình ảnh nam thanh niên đến thực hiện uỷ nhiệm chi 4 tỷ đồng do camera của ngân hàng lưu lại.
Trong quá trình đi tìm lại số tiền 4 tỷ của mình, bà Phúc cũng đã gửi đơn khiếu nại gửi tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc Ngân hàng SCB - chi nhánh/phòng giao dịch số 529 Kim Ngưu, Hà Nội đã thực hiện giao dịch chuyển tiền không đúng quy định làm thất thoát số tiền 4 tỷ của bà tại chi nhánh 102 Nguyễn Khuyến, Hà Nội.
"Tôi nhận thấy tôi đã bị mất tiền mà không được SCB đưa ra được lý do hợp lý. Tôi đã có nhiều khiếu nại đến SCB và cũng được làm việc trực tiếp với ngân hàng. Tại biên bản làm việc với SCB cũng đã xác nhận sự việc xảy ra với tôi là ngoài ý muốn của SCB và là do sự yếu kém của nhân viên, SCB cũng là nạn nhân", đơn thư của bà Phúc gửi NHNN nêu rõ.
Ngoài ra, cũng theo đơn thư khiếu nại gửi tới NHNN, bà Phúc yêu cầu NHNN, thanh tra giám sát ngân hàng kiểm tra, xác minh và có kết luận cụ thể về việc Ngân hàng SCB có vi phạm hay không các quy định về quy trình thanh toán qua tài khoản của khách hàng đối với sự việc của bà (tức ngày 5/10/2015, Ngân hàng SCB đã cho một đối tượng lạ mặt không được ủy quyền của bà Phúc thực hiện ủy nhiệm chi đến 4 tỷ đồng từ tài khoản của bà Phúc cho một người khác và đã bị chiếm đoạt mất).
Theo ý kiến của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng do ông Phạm Huyền Anh ký trả lời bà Phúc, vụ việc phát sinh giữa bà và SCB là tranh chấp về dân sự. Hiện cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã chuyển đơn của bà Phúc tới SCB để kiểm tra và trả lời.
"Nếu không đồng ý với trả lời của SCB, bà có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân quận Đống đa để được xem xét, xử lý theo quy định", nội dung đơn thư trả lời do ông Phạm Huyền Anh cho hay.
Như Dân trí đã đưa tin, trước đó, bà Trần Thị Thanh Phúc có mở tài khoản tại Ngân hàng SCB 102 Nguyễn Khuyến - Hà Nội. Trong tài khoản của bà Phúc có 4,2 tỷ đồng. Đến ngày 19/11/2015, khi đến ngân hàng rút tiền, bà Phúc mới tá hỏa khi nhận được thông tin: 4 tỷ đồng trong tài khoản của bà đã biến mất. Số tiền này đã được thực hiện lệnh ủy nhiệm chi tại SCB 529 phố Kim Ngưu vào ngày 5/10/2015.
Vào thời điểm đó, bà Phúc đã đặt cọc 500 triệu đồng để mua 1 căn nhà tại Trần Quý Cáp với giá 4,5 tỷ đồng. Mất 4 tỷ đồng trong tài khoản cũng khiến bà có nguy cơ mất trắng luôn 500 triệu đồng đã đặt cọc mua nhà.
"Khi ra rút tiền để thanh toán số tiền còn lại cho chủ nhà, tôi mới phát hiện mình mất 4 tỷ đồng. Thời điểm đó, cả gia đình phải bằng mọi cách để vay mượn, rồi phải xin chủ bán nhà lùi lại một tuần mới đủ tiền, lúc đó còn phải chịu tiền phạt của chủ nhà do chậm một tuần… Còn hiện nay, gia đình chúng tôi có lẽ phải bán nhà để trả nợ số tiền đã đi vay mượn trước đó", bà Trần Thị Thanh Phúc, khách hàng mất 4 tỷ đồng tại SCB chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, thừa nhận trong quá trình tác nghiệp nhân viên ngân hàng có sai sót khi không có giấy ủy quyền của chủ tài khoản mà vẫn thực hiện giao dịch. Nhưng theo ông Tấn, về bản chất là giao dịch thực hiện theo yêu cầu của bà Phúc, cụ thể là ủy nhiệm chi có chữ ký, xác nhận qua điện thoại, chứ không có chuyện bỗng dưng mất tiền tại ngân hàng.
Đại diện SCB khẳng định hiện nay ngân hàng vẫn còn lưu lại ủy nhiệm chi, đoạn hội thoại xác nhận với bà Phúc và SMS banking sau khi thực hiện giao dịch.
Còn theo các luật sư, với các vụ việc liên quan đến khiếu nại, tòa án sẽ tiến hành hòa giải, xét xử sơ thẩm, có thể phúc thẩm, sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm để có được kết luận cuối cùng. Và trong thời gian đó, gia đình chị Phúc chắc hẳn sẽ phải tự trang trải số tiền 4 tỷ đồng vay mượn từ năm 2015.
Nguyễn Hiền