Vụ khiêng quan tài cha lên trụ sở UBND xã xin đất chôn: Đã rõ trắng đen!
- Chủ nhật - 14/08/2016 15:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ghi nhận của PV, cuộc họp có đầy đủ các thành viên của UBND xã cùng bà Đoàn Thị Bế (nguyên đơn, con gái cụ Đoàn Vĩnh Thuận) và ông Dương Minh Trắng (bị đơn) với mục đích làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp.
Tại buổi làm việc, bà Đoàn Thị Bế trình bày nguồn gốc, diễn biến sử dụng đất của gia đình (như báo Dân trí đã phản ánh). Trong khi đó, ông Dương Minh Trắng cho rằng, đất này gia đình ông sử dụng từ năm 1969.
Thế nhưng, qua báo cáo của công chức địa chính xã Mỹ Quới về kết quả xác minh nguồn gốc, diện tích đo đạc, Hội đồng hòa giải của xã khẳng định: Nguồn gốc đất (tranh chấp) là của ông Đoàn Vĩnh Thuận (7 Thuận). Trước đây, ông 7 Thuận có sang nhượng cho ông Lê Văn Son (8 Son) một phần, nay còn lại một phần. Qua đo đạc, diện tích còn lại là 967 m2, trong đó 224 m2 là đất công của Nhà nước (là bờ kênh), còn lại diện tích thực là 743 m2.
Từ đó, các thành viên của UBND xã đã đề nghị ông Dương Minh Trắng vì tình nghĩa xóm làng, hơn nữa hoàn cảnh gia đình ông khá giả, còn phía con cháu cụ Thuận quá nghèo, không còn đất đai, nên động viên ông giao diện tích đất nói trên cho phía con cháu cụ Thuận quản lý, sử dụng.
Cũng tại buổi làm việc này, ban đầu ông Dương Minh Trắng cho rằng, đất của gia đình ông sử dụng từ năm 1969, nhưng cuối buổi họp, ông lại thừa nhận: “Phần đất chú 7 Thuận còn lại cái chéo (một phần do đào kênh xẻ qua) chứ không phải hết toàn bộ diện tích tranh chấp. Phần còn lại bên chú 7 Thuận không canh tác bỏ hoang cho nên tôi sử dụng luôn”.
Kết thúc buổi họp, qua kết quả xác minh và ý kiến thống nhất của tập thể Hội đồng hòa giải xã Mỹ Quới, ông Võ Hoàng Kiếm - Phó Chủ tịch UBND xã đã động viên ông Dương Minh Trắng để lại phần đất ruộng diện tích 743 m2 cho bà Đoàn Thị Bế sử dụng và tách quyền sử dụng đất cho bà Bế. Còn phần bờ kênh thủy lợi diện tích 224 m2 thuộc đất thủy lợi nhà nước quản lý, nhưng ông Trắng không đồng ý.
Biên bản hòa giải giữa các bên. Trong đó, phía bị đơn thừa nhận phần đất của nguyên đơn.
Như Dân trí đã phản ánh, năm 1976, ông Đoàn Vĩnh Thuận (SN 1926) khai phá, quản lý, sử dụng phần đất có diện tích khoảng 3.900 m2 tọa lạc tại ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Quới). Đến năm 1983, ông Thuận hiến cho xã một phần làm kênh thủy lợi.
Năm 1989, ông nhượng lại cho ông Lê Văn Son (ngụ cùng địa phương) phần đất một bên kênh thủy lợi; phần còn lại ông Thuận quản lý, sử dụng. Đến năm 2004 và 2010 xảy ra tranh chấp với ông Dương Minh Trắng (ngụ cùng địa phương) nhưng hòa giải không thành cho đến nay.
Ngày 27/7/2016, cụ Thuận qua đời, gia đình chuẩn bị chỗ an nghỉ cho ông ngay trên mảnh đất nói trên nhưng bị phía ông Trắng ngăn cản, đập phá huyệt mộ khiến cho con cháu cụ Thuận đau khổ, dư luận bất bình, dẫn tới sự kiện hàng ngàn người dân ở xã Mỹ Quới đã cùng gia đình ông Thuận đưa quan tài ông lên thẳng trụ sở UBND xã để xin chỗ chôn cất. Chỉ đến khi có sự can thiệp của UBND tỉnh Sóc Trăng, cụ Thuận được chấp nhận cho an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ngã Năm.
Phần huyệt mộ của ông Thuận bị phía ông Trắng đập tan tành.
Trong ngày 1/8, trình bày với PV, ông Dương Minh Trắng có nói: “Đất này là của mẹ ruột tôi quản lý, sử dụng từ trước năm 1975 cho đến nay, được nhà nước cấp sổ đỏ năm 1994. Năm 2003, mẹ tôi chuyển nhượng một phần cho đứa cháu ngoại. Đến năm 2008, mẹ tôi chuyển quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất còn lại cho tôi chứ không phải đất ông Thuận khai phá, sử dụng năm 1976 như gia đình ông trình bày”. Như vậy, lời khai của ông Trắng về nguồn gốc đất có rất nhiều mâu thuẫn.
Khi PV hỏi, tại sao đất của bà Phạm Thị Ba (mẹ ruột ông Trắng- PV) nhưng năm 1983 xã đề nghị ông Thuận hiến đất để xã đào kênh thủy lợi mà không hỏi bà Ba ? thì ông Trắng nói: “Cái đó thì tôi không thể biết vì sao cả, tôi chỉ biết trong hồ sơ kê khai khi tách sổ đỏ cho đất đứa cháu ngoại, mẹ tôi khai nguồn gốc đất là của mẹ tôi có từ trước 1975 cho đến sau này, được chính quyền địa phương xác nhận”.
Bạch Dương