Tổng biên tập đối đầu với Facebook vì ‘Em bé napalm’
- Chủ nhật - 11/09/2016 10:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từng khiến cả thế giới rúng động khi được chứng kiến sự tàn bạo kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam, bức ảnh “Em bé napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Ut đã trở thành tâm điểm của báo chí thời điểm đó. Bức ảnh giúp người phóng viên ảnh chiến trường của AP nhận giải thưởng Pulitzer năm 1973. Giờ đây bức ảnh lịch sử này lại một lần nữa làm dậy sóng làng báo thế giới trong một cuộc tranh luận mang tính thời đại.
Ảnh chiến tranh thành khiêu dâm
Mọi rắc rối bắt đầu từ ngày 5-9, nhà báo Tom Egeland, làm việc cho tờ Aftenposten của Na Uy, mở một thảo luận về “7 bức ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh” trên tài khoản Facebook cá nhân. Không quá bất ngờ, trong số đó có bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng phản ánh sự kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam, được chụp lại bởi nhiếp ảnh gia Nick Ut của hãng tin AP. Trước đó hai tuần, Egeland cũng đã đăng tải bức ảnh này. Trong ngày hôm đó, Facebook đã bất ngờ xóa đi đăng tải của Egeland và khóa tài khoản của ông trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nói lý do rằng bức ảnh mà ông đăng tải vi phạm quy chế của trang mạng xã hội này.
Aftenposten, tờ báo lớn nhất tại Na Uy, đã quyết định đưa tin về lệnh khóa tài khoản này của Facebook. Tòa soạn của tờ báo cũng sử dụng lại bức ảnh chụp cô bé chín tuổi Phan Thị Kim Phúc đang gào thét, không mảnh vải che thân vì bị bom napalm của Mỹ làm bỏng toàn thân. Bức ảnh này lại một lần nữa được chia sẻ trên trang Facebook của Aftenposten.
Không lâu sau đó, tờ báo Na Uy nhận được tin nhắn từ trang mạng yêu cầu “hoặc gỡ bỏ hoặc phải làm mờ đi” bức ảnh. Thông báo này giải thích: “Bất kỳ hình ảnh nào chụp người nhưng lại không che bộ phận sinh dục hoặc mông, hoặc ngực phụ nữ đều sẽ bị gỡ bỏ”. Phía tờ báo cho biết khi họ chưa kịp gửi thông tin trả lời về tính lịch sử của bức ảnh thì Facebook đã xóa cả bài viết lẫn hình ảnh gây tranh cãi khỏi trang của Aftenposten. Với quyết định này của nhóm quản lý, sự việc đã nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát của Facebook. Mạng xã hội khổng lồ của Mark Zuckerberg lại tiếp tục vướng vào một cuộc tranh luận nảy lửa về báo chí “thời đại Facebook”.
Tổng biên tập tờ Aftenposten, ông Espen Egil Hansen, viết thư bày tỏ lo ngại Zuckerberg đang “lạm dụng quyền lực”. Ảnh: EPA
Nữ Thủ tướng Na Uy Erna Solberg chỉ trích quyết định gỡ bỏ bức ảnh của Facebook. Ảnh: AFP
Lời thách thức của một tổng biên tập
Ngày 8-9 vừa qua, tổng biên tập kiêm CEO của tờ Aftenposten, ông Espen Egil Hansen đã viết một lá thư gửi Mark Zuckerberg, phản đối cách hành xử của Facebook đối với một bức ảnh báo chí mang tính chất lịch sử như vậy. Bức ảnh “Em bé napalm” cùng lời ngỏ của lá thư chiếm toàn bộ trang nhất của tờ báo lớn nhất Na Uy. Lá thư còn được đăng tải trên trang chủ và trên tài khoản Facebook của tờ báo như một lời thách thức.
Trong lá thư, Hansen đã chỉ trích Mark Zuckerberg không suy nghĩ kỹ lưỡng và đã “lạm dụng quyền lực” của mình trên trang mạng xã hội khổng lồ. “Tôi rất buồn, thất vọng và cả sợ hãi trước cách mà bạn đối xử với một bộ phận vô cùng quan trọng trong xã hội dân chủ của chúng ta” - ông Hansen bày tỏ nỗi lo lắng của ông trước hành động của Facebook. “Tôi lo sợ rằng diễn đàn quan trọng nhất thế giới đang giới hạn sự tự do thay vì mở rộng sự tự do. Và cách hành xử này thường xảy ra theo cách thức rất độc đoán”.
“Mỗi một biên tập viên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những mặt lợi và mặt hại trước khi đồng ý xuất bản một nội dung. Nó là quyền và cũng là nghĩa vụ mà mọi người biên tập viên trên thế giới được có. Chúng không nên bị hạ thấp bởi những thuật toán được viết ra từ văn phòng của anh tại California” - ông viết. “Tôi nghĩ rằng anh đang giới hạn không gian thực hiện nghĩa vụ trong một tòa soạn của tôi” - tổng biên tập của tờ Aftenposten bức xúc chỉ trích. “Tôi nghĩ rằng anh đang lạm dụng quyền lực của mình. Và tôi không tin rằng anh đã thật sự suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định”.
Ông Hansen cũng cho rằng quyết định của Facebook cho thấy họ không đủ khả năng “phân biệt giữa khiêu dâm trẻ em và những bức ảnh chiến tranh nổi tiếng”. Ông cũng nói rằng tỉ phú trẻ tuổi Zuckerberg không có thiện chí “tạo không gian cho những quyết định đúng đắn hơn”. Tổng biên tập của Aftenposten cho rằng các quyết định như thế này của Facebook sẽ không “giúp thế giới mở hơn và kết nối hơn”, mà “sẽ chỉ tạo nên sự ngu dốt và khiến con người ngày một xa cách nhau”.
Facebook phải chịu thua
Bức thư của tổng biên tập tờ Aftenposten được dẫn lại bởi nhiều hãng truyền thông quốc tế. Một số lượng lớn người sử dụng Facebook đã chia sẻ lại bức ảnh để phản đối hành động “kiểm duyệt” của Facebook. Hơn 180.000 người vào trang The Guardian để theo dõi cập nhật toàn cảnh về vụ tranh cãi này. Hơn 4.000 người chia sẻ bài viết về tranh cãi này trên Facebook với bức ảnh không bị che mờ.
Ngay cả nhân vật chính của bức ảnh, bà Phan Thị Kim Phúc (hiện sống tại Canada) cũng lên tiếng: “Tôi rất buồn khi họ chỉ tập trung vào khía cạnh khỏa thân mà không nhìn thấy được thông điệp mạnh mẽ mà bức ảnh lịch sử này truyền tải. Tôi hoàn toàn ủng hộ bức ảnh tư liệu mà chú Nick Ut đã chụp lại. Nó đã ghi lại một khoảnh khắc của sự thật, chụp lại được sự kinh hoàng của chiến tranh và thể hiện sự ngây thơ vô tội của các nạn nhân”.
Ngay cả nữ Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng tham gia cuộc tranh luận này. Viết trên tài khoản Facebook của mình, bà cho rằng bức ảnh đoạt giải Pulitzer của nhiếp ảnh gia Nick Ut đã “định hình lịch sử thế giới”. Bà cũng cho rằng hành động của Facebook là hoàn toàn sai và Facebook đã “tiếp tay hạn chế quyền tự do báo chí”. Không lâu sau đó, Facebook đã xóa luôn cả đăng tải này của bà.
Tuy nhiên, trước nhiều chỉ trích từ những cơ quan báo chí và chuyên gia truyền thông trên toàn cầu, Facebook cuối cùng cũng chịu thua và đảo ngược quyết định của mình. Trang mạng xã hội này cho biết họ sẽ công nhận “tính lịch sử và tầm quan trọng toàn cầu” của bức ảnh. Facebook cho biết đã khôi phục lại những bức ảnh “Em bé napalm” mà họ trước đó gỡ bỏ khỏi các tài khoản. Trang mạng này cũng cho biết sẽ “điều chỉnh lại hệ thống để cho phép chia sẻ bức ảnh này”, khẳng định các điều chỉnh sẽ hoàn thành trong vài ngày tới.
Không thể thay đổi lịch sử
Cuộc tranh luận nảy lửa lần này về đăng tải hay không đăng tải bức ảnh “Em bé napalm” đã dừng lại nhưng cuộc tranh luận về quyền lực của Facebook đối với báo chí thời đại này vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Trong lá thư của mình, tổng biên tập của Aftenposten đã gọi Mark Zuckerberg là “người biên tập lớn nhất của mọi người biên tập”. “Những biên tập viên chúng tôi không thể tồn tại mà không có anh, Mark ạ” - Hansen viết.
Facebook giờ đây gần như là nguồn sống của báo chí. Theo The Guardian, đến 50% người đọc báo tại Mỹ tiếp cận các bài báo qua Facebook. Trang mạng xã hội này đã trở thành “trái tim” cho mọi hoạt động phát hành tin tức và thông tin trên toàn cầu. Tháng 8-2016, Mark Zuckerberg đã từng khẳng định Facebook “chỉ là một công ty công nghệ chứ không phải một công ty truyền thông” và “thế giới vẫn cần có những tờ báo thật sự”. Thế nhưng cách thức mà Facebook quản lý và kiểm duyệt báo chí lại làm cho những người làm báo lo lắng.
Viết trong một bài xã luận đăng trên The Guardian, nữ thủ tướng Na Uy cho rằng bằng cách lấn sân vào quyền biên tập của các tờ báo, những tập đoàn truyền thông và công nghệ khổng lồ đang thay đổi lịch sử và thay đổi sự thật. Facebook và nhiều tập đoàn truyền thông đang áp dụng thuật toán giới hạn các nội dung mà một người có thể đọc dựa trên số lần tương tác và sở thích. Điều này làm hạn chế phạm vi đọc và hạn chế khả năng lan tỏa những sự thật đến toàn xã hội.
Nữ thủ tướng Na Uy cảnh báo: “Sẽ thật bi kịch nếu như lịch sử và sự thật được kể lại dưới phiên bản được dựng nên bởi duy nhất một tập đoàn. Các hãng truyền thông cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của họ bởi họ có sức tác động quá lớn đối với khả năng tiếp cận thông tin của người dùng”.
Theo Pháp luật TP HCM