Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tin tức 24h nổi bật: Đặt thi thể hài nhi lên bàn giám đốc bệnh viện

Tin tức 24h nổi bật: Đặt thi thể hài nhi lên bàn giám đốc bệnh viện
Cho rằng con tử vong do sự chậm trễ chuyển viện của Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai, Hà Nội, người nhà đã mang thi thể bé đặt lên bàn giám đốc viện yêu cầu làm rõ.

Người nhà đặt thi thể bé sơ sinh lên bàn giám đốc bệnh viện

Hôm nay, Bộ Y tế có công văn khẩn số 6718/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu báo cáo trường hợp trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương xác minh thông tin nêu trên. Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, cần sớm họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với trẻ sơ sinh trên tại BV Quốc Oai để có kết luận và hướng giải quyết cũng như trả lời gia đình trẻ và công luận. Kết quả giải quyết báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 15/9/2016.

Tối 8/9 trên mạng xã hội xuất hiện video được cho là quay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai, ghi lại hình ảnh người nhà đưa thi thể bé đến yêu cầu giám đốc viện làm rõ nguyên nhân con mất. 

 

 

Hình ảnh cắt từ clip chia sẻ trên mạng xã hội thấy rõ thi hài cháu bé đặt ở bàn và nhang cắm ở vòi ấm nước.

Sản phụ Ngô Thị Kim Cương sinh tại bệnh viện vào viện lúc 7h45 phút ngày 5/9 có biểu hiện đau bụng, 17h30 phút sản phụ đẻ thường, được một bé trai nặng 3800gram, trẻ bú ngay, kích thích hút đờm.

18 giờ cùng ngày trẻ tím tái, hút mũi, SpO2 95%, trẻ đã được thở oxy, theo dõi tiếp. 1h ngày 6/9, trẻ tím nhẹ SpO2 86%, kích thích thở ô xy, chuyển bệnh viện Xanh Pôn. Có 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng nhi hộ tống chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, đặt NKQ (nội khí quản). Bé tử vong khoảng 13h ngày 7/9/2016.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội xác nhận, có trường hợp bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Ngày 8/9, Sở Y tế Hà Nội đã cử cán bộ đến bệnh viện để tìm hiểu sự việc. Sở cũng sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong.

Bé trai 4 tháng tuổi bị bại não do bệnh viện Sa Pa tắc trách khi đỡ đẻ

Trong những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền rầm rộ câu chuyện của một bà mẹ trẻ (Céline Khuyen) có con bị bại não từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh khiến dư luận không khỏi xót thương. Người mẹ này cho biết chị có một thai kỳ khỏe mạnh tuy nhiên khi đi đẻ do sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ mà con chị đã bị bại não do di chứng của đẻ ngạt.

Bà mẹ đó là chị Nguyễn Thị Khuyến (27 tuổi, ở bản Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai). Theo những gì chị Khuyến chia sẻ, cả thời kỳ mang thai chị khỏe mạnh, đến tối ngày 14/4/2016 chị có dấu hiệu chuyển dạ nên vội đến Bệnh viện đa khoa huyện Sapa để khám.

 

Dòng chia sẻ của chị Khuyến trên Facebook cá nhân

“Tại đây, bác sỹ khám cho tôi và cho biết tử cung đã mở 2 phân. Tôi liền nhập viện chờ sinh luôn thay vì đi viện Sản nhi Lào Cai như đã dự kiến vì tôi sợ sẽ sinh con trên đường đi. Nhưng phải đến 3 giờ sáng mới bắt đầu lâm râm đau bụng và đến tận 6h sáng tôi mới có cơn đau. Lúc này bác sỹ sản khám lại và nói tôi mới bắt đầu mở 2 phân, còn đêm trước là chuẩn đoán sai….

Chưa dừng lại ở đó, theo chị Khuyến, phải hơn 9 giờ bác sỹ mổ mới đến bệnh viện và nói quá muộn để mổ và tiến hành đỡ đẻ cho tôi.

Sau khi sinh, con chị Khuyến được chuyển xuống phòng cấp cứu, sau đó là chuyển thẳng ra BV Sản Nhi để tiếp tục cấp cứu. Tại đây gia đình chị Khuyến mới biết cháu bị ngạt nặng, thậm chí khi bác sỹ đỡ đẻ cho chị bằng forceps vẫn còn để lại các vòng tím trên má bé và chấn thương hộp sọ, mặt biến dạng, cong vòm họng, bé bị suy hô hấp và ngưng thở.

Sau khi nhận được tin trên, chị Khuyến có liên hệ lại với bệnh viện Sapa, phía bệnh viện nhận trách nhiệm có thiếu sót dẫn đến con chị bị ngạt, đồng thời hỗ trợ 50 triệu đồng tiền mặt và một số khoản chi phí đi lại, điều trị khác. Đổi lại gia đình chị Khuyến không được khiếu kiện về sau.

Lê Văn Công giành HCV lịch sử cho thể thao Việt Nam ở Paralympic

Là niềm hi vọng Vàng của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic 2016 trên đất Brazil, lực sỹ Lê Văn Công đã không phụ lòng những mong đợi.

Với tâm lý thoải mái cùng quá trình chuẩn bị, khổ luyện suốt thời gian qua, Lê Văn Công đã chinh phục thành công con số 183 kg, qua đó giành tấm HCV Paralympic nội dung cử tạ hạng 49 kg nam, đồng thời chạm thêm một dấu mốc mới ở kỷ lục thế giới. Đây cũng là tấm huy chương đầu tiên của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic ngay trong ngày thi đấu đầu tiên.

 

Lực sỹ Lê Văn Công

Bị chứng teo tóp chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai nhưng Lê Văn Công đã sớm thể hiện nghị lực vươn lên, chiến thắng số phận.

Hai năm sau ngày luyện tập cử tạ, Lê Văn Công giành HCV hạng cân 48kg tại ASEAN Para Games 2007 với thành tích 152,2kg. Trở lại sau chấn thương năm 2013, Văn Công giành HCV châu Á hạng cân 49kg.

Xuất hiện hình ảnh con gái lớn Tổng thống Obama bên cạnh bình hút cần sa

Trang Radio Online vừa đăng tải bức ảnh chụp nhóm học sinh của trường Đại học Pennsylvania vào ngày Chủ nhật (4/9).

Trong bức ảnh, Malia Obama, cô con gái đầu lòng của Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle, mặc chiếc áo phông có in chữ "Smoking Kills" (Tạm dịch: Hút thuốc lá sẽ giết bạn). Dù không hút nhưng Malia bị bắt gặp đứng gần một bình thủy tinh lớn có nhiều tầng lọc để hút cần sa.

 

Bức ảnh Milia đứng gần một bình thủy tinh lớn có nhiều tầng lọc để hút cần sa đang gây tranh cãi

Malia Obama cũng đã từng mặc chiếc áo này khi xuất hiện tại lễ hội âm nhạc ở Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 4/9. Lúc đó, Malia diện một chiếc mũ bóng chày màu đỏ thẫm có một chữ H.

Alan Barry, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng và cũng là một chuyên gia photoshop khẳng định đây không phải là một bức ảnh chỉnh sửa. "Tôi đã xem rất kỹ các chi tiết trong bức ảnh này. Hình ảnh của Malia Obama không bị thêm vào hay có sự chỉnh sửa. Nói cách khác thì người trong ảnh chính là Malia Obama”, Alan Barry cho biết. 

Facebook bị cáo buộc lạm quyền liên quan đến 'Em bé napalm'

Ông Espen Egil Hansen - Tổng biên tập và CEO của tờ Aftenposten (tờ báo lớn nhất của Na Uy) gửi bức thư ngỏ cáo buộc ông Mark Zuckerberg "lạm dụng quyền lực và hạn chế tự do ngôn luận", kêu gọi Mark sớm nhận ra sự việc.

Vụ việc gây tranh cãi này xảy ra cách đây vài tuần liên quan đến bức ảnh 'Em bé Napalm' trong chiến tranh Việt Nam của nhiếp ảnh gia Nick Út đã từng đạt giải Pulitzer. 

Bức ảnh này nằm trong loạt “7 hình ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh” được nhà báo Na Uy Tom Egeland đăng tải lên Facebook.

 

Bức ảnh “Em bé Napalm”.

Tuy nhiên, sau khi đăng tải, Facebook đã gửi tin nhắn yêu cầu xóa ảnh hoặc làm mờ. Theo lý giải của Facebook, tấm ảnh có chứa hình ảnh khỏa thân nên người dùng không được phép đăng tải lên mạng xã hội này. "Bất kỳ bức ảnh nào phô bày hết bộ phận sinh dục, hay mông, hay ngực của phụ nữ, sẽ bị gỡ bỏ”, thông tin từ Facebook gửi lại cho Tom Egeland.

Nhà báo Tom Egeland cho biết khi ông chưa kịp phản ứng thì Facebook đã xóa bài viết và hình ảnh trên trang cá nhân. Anh bị cấm truy cập Facebook trong vòng 24h vì vi phạm "các nguyên tắc cộng đồng" của mạng xã hội này. 

Facebook từ chối trả lời các cơ quan truyền thông Na Uy về sự việc này nhưng vẫn  chặn bức này vì cho là không phù hợp. 

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây