Thu Phương: “Cuộc đời tôi gặp nhiều chuyện khủng khiếp”
- Thứ tư - 14/09/2016 08:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Các con tôi thiệt thòi”
Tuổi thơ, Tết Trung Thu đối với ai cũng rất đẹp, nhiều kỷ niệm. Chị có thể chia sẻ những ký ức về Tết tuổi thơ từ ngày sống ở Hải Phòng?
Trong những ngày này, tôi nhớ rất nhiều về những điều ấy. Gia đình tôi khó khăn, bố mẹ đi làm suốt. Tôi là người nhạy cảm, mau nước mắt. Từ bé tôi đã chứng kiến cảnh mẹ cứ ăn cơm chiều xong, 8 giờ đạp xe đi làm đến 7 giờ sáng mới về. Tuổi thơ tôi nhạy cảm, nhiều nỗi buồn đeo đẳng mình như thế, đến giờ này tôi vẫn nghĩ nhiều đến ngày Tết Trung thu vì chỉ những ngày đó mình mới thực sự được vui. Tôi nhớ một đĩa lạc luộc với mấy chục hạt, đĩa vải 3 anh em ngồi chia nhau.
Tết Trung thu, trẻ con hàng xóm có đèn lồng, đồ chơi Trung thu rất đẹp còn tôi được anh trai- anh Quang Minh lấy những bìa vở cũ cắt, vẽ hình mặt nạ, rồi cắt, buộc sợi dây chun để đeo. Tuổi thơ của tôi có mặt nạ cũng từ những bìa vở do anh mình vẽ. Anh còn nghĩ cách vẽ, cắt nhiều mặt nạ để tôi và Oanh đi bán cho những đứa trẻ nghèo, ít tiền. Những ký ức kéo dài 10 năm, khi tôi 12 tuổi gia đình mới có điều kiện một chút. Tôi vẫn nhớ cả xóm xem chung cái tivi, cái gì cũng sinh hoạt tập thể. Ngày Trung thu được ùa ra đường, được đeo mặt nạ anh trai làm, được ăn bánh kẹo, đó là những ký ức đẹp đẽ nhất không bao giờ tôi quên.
Còn những Tết Trung thu khi chị rời Hải Phòng lên Hà Nội?
Khi là sinh viên của Nhà hát Tuổi trẻ, tôi được gửi đi học Khóa Thanh nhạc tại trường Âm nhạc Quốc gia, cứ 1/6, Tết Trung thu tôi vô cùng hạnh phúc vì được mặc quần áo đẹp, hát trên sân khấu, hóa thân thành công chúa hoặc thành các con vật. Những ngày đó, tôi hát những bài rất đáng yêu như “Chỉ có một trên đời”…
Chị đã có ký ức tuổi thơ về Ngày Tết Trung thu đẹp như thế, vậy chị cố gắng như thế nào để các con bên Mỹ có được, dù chỉ là một phần được hưởng cái không khí Tết Trung thu cổ truyền đẹp đẽ như vậy?
Đấy chính là sự thiệt thòi của các con. Tôi thu xếp sớm về với các con nhưng cũng chỉ bay một mình thôi, anh Dũng chồng tôi phải ở lại để giải quyết nốt những vấn đề hậu kỳ. Tôi cũng hi vọng làm được cho các con phần nào được hưởng cái không khí Tết Trung thu nhưng không bao giờ giống được. Nếu muốn cho con thấy không khí ngày hội trăng rằm, tôi chỉ còn cách lên mạng tìm mở ra cho con xem.
Còn bên Mỹ, các trung tâm cộng đồng người Việt có tổ chức Trung thu cho các cháu, có hát các bài hát Trung thu thì ký ức của các cháu chỉ có vậy thôi. Mình có nói bao nhiêu, các con cũng không hiểu thật hay, thật cũ, thật đúng về một cái Tết trẻ thơ như thế nào. Thôi mình phải chấp nhận, chỉ bồi đắp thêm vào cho các con, để sau này các con lớn lên vẫn nhớ có ngày Trung thu như thế. Hai con lớn thì đã được đón những cái Tết Trung thu ngày bé tại Việt Nam còn hai đứa nhỏ, thương quá mà không biết làm thế nào. Vợ chồng tôi cũng mua trống, đầu lân, rồng bày biện khắp nhà cho cậu nhóc 7 tuổi đánh trống, nghịch ngợm. Miễn sao con thấy vui!
“Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình trọn vẹn”
Có cảm giác, chị ngồi đây nhưng vẫn bị phân tâm, dằn vặt, lo lắng?
Bởi tôi đang ngồi đây nhưng mình vẫn có những nỗi lo, bận tâm khác như đang nghĩ tới mẹ và con cái đang sống xa nửa vòng trái đất.
19 ngày vừa qua trọn vẹn ở Việt Nam tôi chỉ hát. Tôi cũng lo lắng không biết những đứa trẻ của mình thế nào. Anh Dũng cũng bay về Việt Nam ủng hộ vợ ngày ra mắt album “Hội Trăng”, sản phẩm âm nhạc tôi kết hợp với Dương Trường Giang muốn tri ân tới khán giả.
Bên cạnh niềm vui gặp chồng thì cũng lo lắng vì trước các con còn có bố ở bên, giờ bố cũng bay về Việt Nam nên sự lo lắng càng nhân đôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình trọn vẹn bởi điều gì, chưa bao giờ mình có niềm vui tuyệt đối. Có mỗi CD “Hội Trăng” này an ủi mình nhất, vì có niềm tin, có được lời hứa là ra mắt trước ngày Rằm Trung thu hai ngày.
Đã là nghệ sĩ, chuyện lưu diễn xa nhà là thường xuyên đối với bất kỳ ai, tưởng các con chị, người thân đã quen với điều đó? Sao chị còn quá bận tâm?
Tôi không yên tâm về những gì không phải tự tay mình làm. Nhất là đối với gia đình, con cái; đến nỗi có tất cả mọi người xung quanh mà tôi vẫn phải tự cho con ăn cơm, tự tắm cho con. Nói chung đã không làm thì thôi, đã làm thì cái gì tôi cũng muốn làm cho trọn vẹn. Nhiều khi mình cũng rối ren lắm.
“Tôi bị nói xấu này nọ đã ăn thua gì”
Thời gian vừa rồi về Việt Nam, bản thân chị cũng mang bao nhớ mong ngày trở về, bên cạnh những sẻ chia, đồng cảm cũng có những chuyện xảy ra không như mong muốn, bị xoáy vào những điều tiếng thị phi như bị học trò nói xấu, tranh cãi với đồng nghiệp…, có khiến chị suy nghĩ?
Suy nghĩ thì có nhưng bận tâm thì không. Tôi không còn là ca sĩ trẻ, non nớt mới bước vào đời. Cuộc đời tôi đã gặp nhiều chuyện khủng khiếp hơn nhiều, những chuyện này cũng bình thường. Có thể mọi người gọi đó là những scandal, tôi chỉ có thể nói đó là những tai bay vạ gió đến với mình. Tất nhiên, những chuyện đó có ảnh hưởng đến hình ảnh, cuộc sống của mình. Nhưng sau tất cả, tôi còn sống, còn về, còn làm việc nhiều hơn và những gì là sự thật mọi người sớm muộn sẽ nhìn ra.
Tôi yên tâm vì có những người quý mến, khán giả yêu thương mình. Điều ấy vẫn nhiều hơn những chuyện không hay nên dù có buồn thì mọi chuyện cũng qua nhanh thôi.
Người ta làm việc tốt, cứu bao mạng người còn bị mổ xẻ cơ mà. Còn tôi bị nói xấu này nọ cũng đã ăn thua gì. Quan trọng là mình không làm. Nhiều người nói với tôi, sao không giải thích chuyện này chuyện kia. Ví dụ, ngày xưa có người bảo tôi có clip sex, có chuyện nói xấu người này người kia trên mạng, nhiều người bảo tôi sao không giải thích? Tôi không làm và người đó không phải mình, sao tôi phải giải thích? Nếu tôi có can thiệp, tôi liên quan thì mới giải thích. Đấy là quan điểm của tôi!
Tôi nghĩ, hãy cứ thể hiện bản thân bằng cách mình cư xử với người ta, bằng cách mình hát, bằng tác phẩm. Khi mình hát trên sân khấu, khán giả sẽ thấy con người mình qua tác phẩm. Cá tính mỗi người sẽ bộc lộ. Muốn tìm hiểu một con người hãy nghe họ hát trên sân khấu.
Không nói đến những “tai bay vạ gió” bên ngoài, nhưng khi mà, không chỉ một mà đến mấy học trò của chị tại The Voice đều nói lời không tốt đẹp về chị sau cuộc thi, điều này chị có nghĩ cần phải nhìn nhận lại mình?
Có chứ. Tôi phải rút kinh nghiệm chứ. Chỉ đơn giản là sau khi hát thôi, tôi nghĩ lẽ ra câu này mình không nên hát; sau buổi phỏng vấn tôi cũng nghĩ câu này mình không nên nói, nói chi cả sự kiện dài ngồi ghế nóng The Voice 2015.
Tôi đã tự đặt câu hỏi với bản thân, điều gì khiến những chuyện đó xảy ra? Thực sự, mình có sai? Nhưng tôi không sai, vấn đề nằm ở các em, cái nhìn của các em. Tự bản thân các em cũng có vấn đề với nhau. Ai cũng có mục đích, tính toán của mình.
Tôi cũng hỏi, tại sự kiện ấy tại sao không xảy ra với người khác, mà lại xảy ra với mình? Do mình. Có thể mình dành quá nhiều thời gian cho học trò, họ biết quá nhiều về mình, song vì một điều cá nhân nào đấy, bản thân họ chưa được như họ muốn, lập tức câu chuyện thành khác đi. Tôi đã thoải mái chia sẻ hơn những người khác, để cho mọi người tiếp cận mình nhiều hơn, vô tình những cái tốt xấu đều được nhìn thấy…
Nếu tiếp tục được mời ngồi ghế nóng chương trình truyền hình thực tế, chị có nhận lời nữa không?
Nếu được mời, tôi sẵn sàng, vì sẽ lại có những kinh nghiệm khác. Cuộc đời, cả một hành trình dài ấy, biết bao nhiêu gập ghềnh và có những chuyện vẫn lặp đi lặp lại, nhưng sẽ có một kết thúc khác. Tôi vẫn sẽ làm với nhiệt huyết của mình, vẫn khát khao làm những điều tốt đẹp. Còn người ta muốn nghĩ khác, không muốn nhìn nhận thì đó là việc của họ.
Xin cám ơn chị!
Nguyễn Hằng