Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thêm một doanh nghiệp nước ngoài coi môi trường là “trò đùa” tại Bắc Giang!

Thêm một doanh nghiệp nước ngoài coi môi trường là “trò đùa” tại Bắc Giang!
Với việc có phê duyệt Báo cáo đánh giác tác động môi trường là “bùa hộ mệnh”, dù chưa hề có hệ thống xử nước thải, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam vẫn dùng thủ đoạn đấu nối nhờ hệ thống của công ty khác để sản xuất. Hành vi này là sự cố tình bất chấp pháp luật Việt Nam.

Gửi công văn xin được hoạt động trái quy định pháp luật

Với công suất 3000m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Châu, nơi cây lúa canh tác sát cạnh từng bị biến dạng, chết bất thường, khiến người dân và dư luận hết sức lo lắng về nguy cơ quá tải khi những dự án “khủng” tiếp tục vào đầu tư. Mới đây nhất, dự án thành lập Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam (Công ty Lens) đã bị “tuýt còi”. Cụ thể, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có công văn cho biết Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề trong hồ sơ trình duyệt ĐTM của dự án này.

Sau một thời gian xem xét, tỉnh Bắc Giang đã quyết định phê duyệt ĐTM cho dự án “Thành lập Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam” tại Lô R (R2), khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Yêu cầu bắt buộc của dự án này là phải thực hiện theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Thế nhưng, ngày 19/9/2017, Công ty Lens đã có công văn số 1909/Lens gửi UBND tỉnh Bắc Giang về việc đề nghị xin đấu nối tạm thời xử lý nước thải từ khu R(R2) sang khu S xử lý.

Công văn lạ kỳ Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam gửi UBND tỉnh Bắc Giang.

Công văn biện bạch rằng: “Hiện nay Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam đã nhận chuyển nhượng xong nhà xưởng khu R (R2) của Công ty TNHH Wintek Việt Nam.

Do nhu cầu đào tạo nhân viên mới để chuẩn bị cho quá trình sản xuất thử nên công ty có tuyển công nhân để chuẩn bị cho quá trình sản xuất sau này. Trong thời gian đào tạo nhân viên mới có phát sinh nước thải sinh hoạt, nhưng hiện tại trạm xử lý nước thải khu R(R2) vẫn chưa hoàn thành nên tạm thời không thể xử lý được nước thải sinh hoạt. Để đảm bảo môi trường công ty có đề đạt: Xin đấu nối nước thải sinh hoạt tạm thời sang khu S Công ty Wintek Việt Nam; Công ty Wintek đã chấp thuận cho Công ty Lens đấu nối khu xử lý nước thải sinh hoạt tạm thời.

…Nếu để xảy ra bất kỳ ảnh hưởng gì tới môi trường, Công ty Lens sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Nhận được đề nghị lạ kỳ của Công ty Lens Việt Nam, ngày 21/9, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản số 3254/UBND-MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh về việc xem xét đề nghị xin đấu nối tạm thời xử lý nước thải của Công ty TNHH Lens Việt Nam.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đã giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty Lens để xem xét nội dung đề nghị xin đấu nối tạm thời xử lý nước thải từ khu R(R2) sang khu S xử lý. Kết quả báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang xem xét trả lời đề nghị của Công ty Lens theo quy định.

Sở TN&MT kiên quyết bác bỏ, doanh nghiệp bất chấp

Ngày 29/9/2017, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, Phòng TN&MT huyện Việt Yên đã tiến hành làm việc với Công ty Lens để xem xét đề nghị đấu nối tạm thời xử lý nước thải.

Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang kiên quyết bác bỏ đề nghị trái pháp luật của Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam.

Ngày 05/10, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có văn bản số 2118/TNMT-BVMT gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để báo cáo nội dung đề nghị xin đấu nối tạm thời xử lý nước thải của Công ty Lens với nội dung:

“Qua kết quả nghiên cứu hồ sơ, kết quả làm việc với các bên có liên quan, Sở TN&MT xin báo cáo như sau: Về đề nghị của Công ty Lens, Công ty Lens dự kiến ban đầu sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đưa dự án đi vào hoạt động chính thức (dự kiến vào tháng 1/2018).

Tuy nhiên, do đặc thù công nghệ luôn có sự thay đổi, Công ty Lens đã ký hợp đồng và các khách hàng đôn đốc giao sản phẩm nên Công ty Lens đề nghị đấu nối tạm thời nước thải sang trạm xử lý nước thải của Công ty TNHH Wintek Việt Nam (Công ty Wintek). Công ty Lens cung cấp văn bản thỏa thuận với Công ty Wintek về việc mượn hệ thống xử lý nước thải, thời gian dự kiện mượn đấu nối tạm thời là 3 tháng.

Theo tính toán của Công ty Lens, lượng nước thải sản xuất phát sinh từ công đoạn rửa sản phẩm khoảng 200m3/ngày. Theo thiết kế, hệ thống xử lý nước thải của Công ty Wintek có công suất là 350m3/ngày, hiện nay lượng nước thải phát sinh của Công ty Wintek đưa vào hệ thống xử lý này là 50m3/ngày; loại hình sản xuất của Công ty Lens và Công ty Wintek có sự tương đồng nên hệ thống xử lý nước thải của Công ty Wintek có thể đáp ứng được”.

Về kết quả làm việc, báo cáo cho biết: “Dự án thành lập Công ty TNHH Công nghẹ Lens Việt Nam của Công ty Lens đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 01/9/2017, theo đó Công ty Lens đã cam kết chỉ đi vào hoạt động sản xuất sau khi Công ty Lens đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung (tháng 01/2018).

Tại thời điểm làm việc ngày 29/9/2017, Công ty Lens đã tiến hành xây dựng phần móng của hệ thống xử lý nước thải tập trung, dự kiến đến tháng 01/2018 sẽ hoàn thành, như vậy Công ty Lens chưa đủ điều kiện để đi vào vận hành hoạt động sản xuất theo quy định.

Mặt khác, theo đánh giá tác động môi trường của Công ty Wintek đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 và hồ sơ liên quan, Công ty Wintek không có chức năng xử lý nước thải của đơn vị khác, vì vậy, nếu Công ty Wintek thực hiện xử lý nước thải cho đơn vị khác sẽ vi phạm điểm e, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường).

Hiện trạng tại Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam theo ghi nhận của PV Dân trí.

Từ thực tế trên, Sở TNMT đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xem xét trả lời Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam: Không đồng ý với đề nghị đấu nối tạm thời xử lý nước thải của Công ty Lens sang trạm xử lý nước thải của Công ty Wintek để xử lý; Đồng thời đề nghị Công ty Lens chấp hành đúng quy định pháp luật và thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 01/9/2017;

Công ty Lens phải hoàn thành các công trình Bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Chủ dự án báo cáo bằng văn bản và chỉ được thực hiện những thay đổi liên quan đến phạm vi, quy mô, công suất, công nghẹ, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Chính Phủ.

Mặc dù Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang có văn bản trả lời kiên quyết như vậy nhưng thực tế, theo thông tin của PV Dân trí thu thập, Công ty Lens vẫn bất chấp pháp luật, hoạt động khi chưa hề có hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 29/12, ông Nguyễn Anh Quyền - Trưởng BQL các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho rằng công ty này đang thực hiện lắp đặt máy móc và vận hành thử. Vấn đề kiểm tra xử lý về mặt môi trường thuộc về trách nhiệm của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang.

Trong khi đó, trao đổi “nóng” với PV Dân trí, ông Lưu Xuân Vượng - Giám đốc Sở TN&MT Môi trường tỉnh Bắc Giang sốt sắng cho biết đã nắm được thông tin sự việc và đang chỉ đạo quyết liệt xử lý sai phạm.

Ông Vượng cung cấp thêm thông tin ông đã được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Môi trường (C49) Bộ Công an trao đổi trực tiếp về sai phạm tại công ty Lens.

Theo ông Vượng, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang sẽ khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm cả Công an tỉnh Bắc Giang, BQL các khu công nghiệp và chính quyền địa phương để làm rõ sai phạm, với tinh thần xử nghiêm theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây