Tạm ngừng phiên tòa vụ tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
- Thứ hai - 17/10/2016 13:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tọa phiên tòa cho biết, do cần làm rõ một số nội dung, củng cố các chứng cứ, do đó áp dụng Điều 187 Luật Tố tụng hành chính, tạm ngừng phiên tòa.
Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Trong chiều ngày 17/10, Hội đồng xét xử đã đặt câu hỏi cho phía Bộ GD-ĐT về một số nội dung như: Tính pháp lý của văn bản báo cáo bộ trưởng về kết quả xác minh luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành kinh tế học?; về các quy định về trích dẫn nguồn để xác định tỉ lệ phần trăm trích dẫn bao nhiêu là trùng lặp?; Căn cứ pháp lý để Bộ trưởng Giáo dục ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế…
Theo đó, quan điểm của tòa là cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ vì nếu thiếu những thông tin này thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa nên cần thiết phải tạm ngừng phiên toà.
Trước đó, vào ngày 7 và chiều 10/10, TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án ông Hoàng Xuân Quế (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì ra quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 (khi đó là ông Phạm Vũ Luận).
Quyết định số 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế vì cho rằng có sao chép một phần nội dung trong luận án của Tiến sĩ Mai Thanh Quế (Giảng viên Học viện Ngân hàng).
Tuy nhiên, phía ông Hoàng Xuân Quế cũng như Luật sư Trần Hồng Phúc – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên khởi kiện đã đưa ra nhiều luận chứng khẳng định việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định 4674 là không khách quan, không công bằng, không minh bạch.
Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ việc, ông Hoàng Xuân Quế nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT đưa ra cuốn luận án tiến sĩ gốc mà ông đã nộp về Bộ GD&ĐT trước và sau khi bảo vệ luận án, để xem xét. Đó là luận án mà ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ và được cấp bằng Tiến sĩ loại xuất sắc.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không đưa ra được cuốn luận án này. Đồng thời, trong quá trình thu thập tài liệu, Bộ Giáo dục căn cứ vào quyển luận án được cho là của ông Quế nộp tại Thư viện Quốc gia và quyển luận án lưu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đánh giá.
Ông Quế không chấp nhận các cuốn luận án này, do không có chữ ký cam đoan của mình trên phần cam đoan (là yêu cầu bắt buộc), và các tài liệu kèm theo phải nộp cho Thư viện Quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Về cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp tại Bộ GD&ĐT thì cơ quan này cho biết đã chuyển vào Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh?!
Cuốn luận án này cũng không có chữ ký cam đoan của ông Quế. Trong khi đó, theo quy định thì cuốn luận án bắt buộc phải được lưu tại hồ sơ nghiên cứu sinh của ông Quế tại Bộ GD&ĐT.
Kết thúc phiên xét xử chiều 10/10, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu ý kiến: Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa “Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 điều 193 Luật Tố Tụng hành chính năm 2015, chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của đương sự (ông Hoàng Xuân Quế) đối với yêu cầu hủy quyết định số 4674 ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (do tại phiên toà ông Quế không yêu cầu bồi thường như trong đơn khởi kiện, mà chỉ yêu cầu hủy quyết định 4674, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp).
Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phản biện về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tp Hà Nội.
Trong nội dung công văn, Bộ GD&ĐT khẳng định lại không còn vấn đề nào cần làm rõ như đề nghị của đại diện VKSND Thành phố Hà Nội tại phiên toà; Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 là có đủ căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tế khách quan.
Quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế của Bộ GDĐT không đơn thuần là kết quả giải quyết tố cáo của Bộ GDĐT theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương, tạo niềm tin của xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo. Một bản án không đúng bản chất vụ việc sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng đối với lòng tin của xã hội, đặc biệt là của giới trí thức vào công tác xét xử nói riêng và nền tư pháp nói chung, cản trở quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng.
Bộ GDĐT rất mong các đồng chí quan tâm chỉ đạo xem xét đúng bản chất vụ việc, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, giữ nguyên các quyết định đúng pháp luật của Bộ GDĐT".
Nhật Hồng