Số phận các con nghiện trong chiến dịch diệt ma túy của ông Duterte
- Thứ bảy - 17/09/2016 18:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đường lối cứng rắn của Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống ma túy đang tạo ra một cuộc khủng hoảng ở Philippines, giáng một đòn mạnh vào các trung tâm cai nghiện và nhà tù ở đây khi họ phải nỗ lực tiếp nhận và hỗ trợ số lượng lớn người đi cai nghiện.
Hàng ngàn người nghiện đang tự nộp mình cho cảnh sát ở Philippines. Theo con số mới nhất, có 712.000 người làm như vậy.
Những người nghiện ma túy và những kẻ cung cấp ma túy trên khắp lãnh thổ Philippines đang lo sốt vó trước việc họ có thể bị bắn chết bất cứ lúc nào. Số người chết trong cuộc chiến đẫm máu do Tổng thống Duterte phát động nhằm vào tệ nạn ma túy đã lên tới con số hơn 3.400 người.
Danh sách trừ khử
Báo chí Philippines đăng danh sách những người bị giết. Tuần này, tờ Inquirer viết về một số người mới được đưa sang thế giới bên kia: “Một thiếu nữ 17 tuổi ở bên một nghi phạm bán ma túy cùng một phụ nữ có thai 7 tháng và người tình chung nhà của cô này, cả hai bị cho là đã thiệt mạng trong một vụ đấu súng với cảnh sát nhưng sau đó người ta phát hiện họ nằm khỏa thân trên giường”.
Các trưởng thôn, trưởng khu (được bầu) ở Philippines đã hợp tác với cảnh sát để quét sạch các đối tượng nghiện và buôn bán ma túy.
Cảnh sát áp dụng “nòng súng kép”: Các đối tượng cộm cán buôn ma túy số lượng lớn thì bị bố ráp và đôi khi bắn hạ, còn các kẻ bán ma túy ở cấp khu phố và những người tiêu thụ ma túy được khuyến khích ra đầu thú. Tuy nhiên các đối tượng cấp 2 này đôi khi cũng bị bắn hạ nốt và các vụ bắn hạ do các đội tự quản tiến hành nhiều khi diễn ra một cách tùy tiện, không phân biệt.
Các trung tâm cai nghiện và nhà tù quá tải
Cả nước Philippines chỉ có 44 trung tâm cai nghiện. Và do vậy, với chiến dịch chống ma túy ồ ạt đang diễn ra, giới chức Philippines ở vào trạng thái chưa được chuẩn bị kỹ càng. Các nhà tù cũng vậy, chỉ chực vỡ tung ra mà thôi.
Thành phố Quezon với 3 triệu dân ở miền bắc Manila là một trong những tâm chấn của cuộc chiến chống ma túy.
Hàng chục người đã bị triệt hạ và quản đốc thành phố này, Aldrin Cuna, cho biết 7.000 người nghiện đã đầu hàng.
Ông Cuna nói: “Chúng tôi phải đương đầu với số lượng người nghiện [đến trung tâm] tăng vọt này và tìm cách bố trí chỗ ở cho họ”.
Ông Cuna nói tiếp: “Không ngờ có nhiều người ra trình diện đến vậy”.
Thành phố Quezon thiếu cảnh sát, thiếu y bác sĩ và thiếu cả trang thiết bị.
Vị quản đốc chia sẻ: “Chúng tôi có tiền để xây dựng các trung tâm mới, nhưng anh thấy đấy, chúng ta không thể chỉ bảo xây là xong... Chúng tôi hy vọng sẽ mở thêm 6 trung tâm mới trong vòng 6 tháng tới một năm”.
Cầu xin giúp đỡ
Giới chức Philippines tự hào về thành công của Trung tâm Cai nghiện Tahanan. Đài ABC đã nói chuyện với Alan, một người đang cai nghiện thành công ở đây. Ông này tự thấy mình vô cùng may mắn.
Alan nói: “Tôi cảm thấy an toàn ở đây, tôi thấy yêu thích nơi này. Có sẵn mọi thứ hỗ trợ cho tôi. Còn bên ngoài kia nguy hiểm lắm, giết chóc khắp nơi”.
Mặc dù quan ngại về số lượng lớn người đang lần lượt chết dưới chính sách trấn áp ma túy, Alan vẫn ủng hộ đường lối cứng rắn của Tổng thống Duterte. Ông này đồng thời cho rằng Chính phủ cần tập trung vào vấn đề cai nghiện.
Giống như đa số người khác trong số 3,7 triệu con nghiện của Philippines, các vấn đề của Alan là “shabu” – mộit dạng methamphetamine phổ biến và rẻ tiền.
Từ chiếc giường trong khu ở nội trú, Alan nói: “Tình trạng nghiện của tôi trở nên tệ hại khi tôi gặp trục trặc với gia đình và cãi cọ với các chị em gái. Họ đổ lỗi cho tôi đã khiến mẹ mất, dù rằng tôi đã gắng hết sức”.
Alan kể tiếp: “Ban đầu tôi chơi ma túy vừa vừa thôi, sau thì dùng tới 1.000 peso (tương đương 30 USD) để làm 2 đến 3 “bi” một ngày. Sau đó thì tôi không làm chủ được nữa và phải cầu đến sự giúp đỡ [để cai nghiện].”
Hình ảnh điển hình về con nghiện ở Philippines là những nam thanh niên nghèo túng sống trong khu ổ chuột, dính vào hoạt động tội phạm. Nhưng bức tranh thực tế rộng hơn nhiều.
Hơn 20% con nghiện Philippines là phụ nữ. Một số giàu có, số khác, như Alan là một y tá 51 tuổi, đang đi làm, thuộc nhóm trung lưu.
Alan nói: “Tahanan là nơi bạn có thể thay đổi cuộc đời, miễn là bạn tuân thủ các nội quy. Tôi chỉ mong sao người đời không phán xét chuyện quá khứ của tôi khi tôi ra khỏi đây”.
Chẳng giúp được mấy cho con nghiện
Bác sĩ Alvin Vergara, một trong các bác sĩ chủ chốt của Trung tâm này cho hay, lịch hoạt động hàng ngày của các “học viên” gồm tập thể dục, nghe nhạc và nghe tư vấn.
Nhưng các trung tâm có chất lượng như Tahanan chỉ xử lý được khoảng 150 bệnh nhân trong nửa năm.
Năng lực điều trị trên toàn nước Philippines chỉ đủ cho 5.000 người tại mỗi thời điểm.
Ít có sự giúp đỡ dành cho đa phần các con nghiện bỗng nhiên giơ tay “quy hàng”.
Quản đốc của Quezon, ông Cuna nói: “Ở thành phố Quezon, họ đã được cảnh sát đăng ký, gửi về nhà và sẽ được giám sát để kiểm tra xem họ còn tiếp tục sử dụng ma túy hay không”.
Các trường hợp nặng và những ai bị cảnh sát bắt mà chưa chịu bỏ nghiện thì bị tống vào các nhà tù đông đúc.
Ông Cuna nói: “Chúng tôi có một nhà tù, được xây dựng đủ chỗ cho 800 phạm nhân. Nhưng giờ nhà tù này đã hết sức quá tải khi có tới hơn 4.000 phạm nhân”.
Nhà tù quá đông, đến nỗi một số tù nhân phải luân phiên nhau để có chỗ ngủ.
Trợ giúp cho các con nghiện tái hòa nhập
Ông Cuna hy vọng chính quyền Duterte sẽ chi thêm tiền để xây một nhà tù mới. Ông cũng đang làm việc với bên tư pháp để hối thúc họ đẩy nhanh tiến trình xét xử.
Liên Hợp Quốc đã chỉ trích cuộc chiến chống ma túy do ông Duterte phát động và cái mà tổ chức này nhìn nhận như là sự coi thường quyền con người.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein nói: “Nhân dân Philippines có quyền được có một lực lượng cảnh sát phục tùng công lý”.
Nhưng cho đến nay Tổng thống Duterte chỉ phản ứng lại với thái độ khinh thường.
Trong lúc đó quản đốc Cuna đang phải chật vật đương đầu với cuộc khủng hoảng người nghiện. Nhưng ông không từ bỏ hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề ma túy.
“Tổng thống của chúng tôi cam kết xóa bỏ việc cung ứng ma túy. Nhưng chúng tôi cũng cần có một chương trình cai nghiện có tính nhân đạo. Chúng tôi cần giúp đỡ những người từng nghiện trở thành những công dân hữu ích sau cai nghiện”./.
(Đón xem Kỳ 2: Bên trong chính sách tàn khốc của Tổng thống Philippines về chống ma túy).
Theo Trung Hiếu/VOV.VN/ABC.net.au