Ông Bùi Sỹ Lợi: “Không có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm xã hội”
- Thứ tư - 12/10/2016 18:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Nhà nước luôn có chính sách điều chỉnh lương hưu cho người lao động hết tuổi làm việc" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp để quản lý hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm xã hội”. Chương trình do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội.
Nêu ra những nguy cơ về lý thuyết, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Đây chỉ là dự báo nếu chúng ta giữ nguyên chính sách và cơ chế. Theo đó, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên mức đóng - hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của Quỹ khám chữa bệnh, khả năng xảy ra mất cân đối Quỹ BHYT vào năm 2019. Còn về quỹ BHXH, khi xây dựng và tính toán Luật BHXH năm 2014, chúng tôi ước tính sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối Quỹ BHXH vào năm 2037”.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cũng được đại diện Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra, như: Việc đóng ít nhưng hưởng nhiều; dự báo đóng BHXH để người lao động được chế độ trong 14 năm kể từ khi nghỉ hưu, nhưng thực tế người lao động sống trung bình tới 23,5 năm sau khi nghỉ hưu. Nhà nước phải trả thêm khoảng “vênh” 8%.
“Đặc biệt, khi chúng ta tham gia BHXH trong 15 năm thì hưởng tương ứng với mức hưởng 37 % lương trung bình. Nhưng thực tế, chúng ta lại nâng lên tới mức lương 45 % để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Trong khi đó, theo BHXH VN, tổng mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn với tổng mức đóng. Kết dư quỹ BHXH đang có dấu hiệu giảm dần. Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư Quỹ, sẽ bằng mức chi.
Trước thực tế trên, ông Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn chỉ rõ: “Trong thực tế, chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng Quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5 % lương cơ sở. Trong khi đó, mức trần đóng cho phép lên tới 6 %. Như vậy, phần “dư địa” này sẽ giúp chúng ta cân đối. Phần đóng tăng lên là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao để đảm bảo” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh về khả năng an toàn quỹ BHXH và BHYT: "Chúng ta nên yên tâm bởi 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tôi cũng đã nói nhiều lần: Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm".
Được biết, Luật BHXH năm 2014 đã quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Theo nhiều chuyên gia, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối, Nhà nước có thể điều chỉnh việc mức đóng, thời gian đóng, tuổi nghỉ hưu…
Đưa ra giải pháp để chống tình trạng mất cân đối trong dự kiến, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Chúng ta phải điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH hiệu quả và đảm bảo sự công bằng giữa người tham gia BHYT. Đến lúc chúng ta phải tính tới việc người đóng ít sẽ hưởng ít các dịch vụ và ngược lại. Đồng thời, chúng ta cần có thêm các chính sách khác, ví dụ như hưu trí bổ sung để giúp người lao động khi hết tuổi làm việc có thêm 2 khoản lương hưu”.
Không tăng mức đóng BHYT trước năm 2017
Đồng tình với quan điểm của đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN cho rằng: “Không có chuyện vỡ quỹ BHXH và BHYT. Việc đảm bảo và duy trì quỹ là trách nhiệm chính trị của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có BHXH VN”.
Bày tỏ thái độ kiên quyết, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH VN sẽ có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành vi trục lợi BHYT. Về điều chỉnh mức đóng, ông Phạm Lương Sơn khẳng định: BHXH VN sẽ cố gắng để trước năm 2017, mức đóng BHYT sẽ chưa phải thay đổi và hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Hoàng Mạnh