Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Ninh Bình: Trường mới bỏ hoang, cô trò phải học nhờ công sở cũ của xã

Ninh Bình: Trường mới bỏ hoang, cô trò phải học nhờ công sở cũ của xã
Đó là tình cảnh cô và trò trường mầm non Xuân Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) đang gặp phải trong 6 năm qua. Trường mới thì xây dựng rồi… bỏ hoang, làm nơi người dân nhốt trâu bò; giáo viên và học sinh nhà trường phải học nhờ công sở cũ trật trội, xuống cấp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Kim Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện cho biết, dự án công trình trường mầm non Xuân Thiện do UBND xã làm chủ đầu tư, nhà thầu là một công ty có địa chỉ tại huyện Gia Viễn (Ninh Bình) thi công. Tổng số vốn đầu tư ban đầu là 3,5 tỷ đồng từ nguồn “Chống xuống cấp trường lớp học” của ngân sách tỉnh.

Trường mầm non Xuân Thiện khởi công xây dựng năm 2010, bỏ hoang 6 năm qua.

Công trình gồm có dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học kiên cố, sân trường… được khởi công xây dựng tháng 7/2010. Tuy nhiên, sau 4 tháng thi công, mới được phần thô của tầng 1 thì dự án dừng triển khai do thiếu vốn.

“Công trình trường mầm non của xã nằm trong danh sách được tỉnh cấp vốn xây dựng. Xã làm chủ đầu tư nhưng thực chất không có đồng vốn nào. Nhà thầu thi công được thời gian, không nhận được vốn nên họ dừng lại từ đó”, ông Long cho hay.

Số tiền nhà thầu bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng phần thô tầng 1 của tòa nhà cũng bị bỏ hoang từ đó cho đến nay. Hiện toàn bộ công trình do không được bảo vệ đang có dấu hiệu xuống cấp.

Ghi nhận của PV, công trình trường mầm non Xuân Thiện đang xây dở này nằm trên diện tích đất hơn 1.000m2. Các phòng học được xây kiên cố, rộng hơn 50m2, có nhà vệ sinh khép kín. Hiện cả công trình vẫn chưa được chát tường, thời gian bỏ hoang khiến rêu mốc phủ kín.

Bên trong các phòng học gạch đá, cát sỏi vương vãi khắp nơi. Đặc biệt, các phòng học này bị biến thành nơi nhốt trâu bò nên chất thải do gia súc phóng uế bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thời gian bỏ hoang quá lâu nên cũng không có ai nhòm ngó đến công trình này.

Cầu thang, tường bị rêu mốc, cỏ dại bám đầy
Bên trong phòng học như nhà hoang, người dân còn dùng nơi đây để nhốt trâu bò.

Trước tình cảnh trên, hơn 160 học sinh cũng như giáo viên nhà trường phải học nhờ ở nhà kho, công sở cũ của UBND xã 6 năm qua. Cô Đinh Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các phòng học cũ của trường bị xuống cấp sau đó phải phá bỏ để xây trường mới. “Khi bắt đầu khởi công, cô trò, phụ huynh nhà trường vui lắm, được thời gian ngắn đơn vị thi công ngừng xây dựng rồi bỏ hoang đến nay, bao nhiêu hi vọng về ngôi trường mới cũng tan biến”.

Cũng theo cô Thu, ban đầu khi mới phá bỏ các lớp học cũ, nhà trường phải sang khu dãy nhà cấp 4 là nhà kho cũ của xã học nhờ. “Các phòng nhà kho làm thành phòng học nên trật trội, các cháu học sinh phải chen chúc bên trong. Ban giám hiệu cũng như giáo viên nhà trường không có nơi sinh hoạt, rất khổ cực”, cô Thu nói.

Bên cạnh đó, việc học ở nhà kho cũ ngay bên công sở làm việc của xã cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của nhà trường. Các cháu học sinh không được nô đùa, vui chơi, hát múa thoải mái vì phải giữ im lặng cho cán bộ xã làm việc. Không có sân chơi, không gian bên ngoài cũng bị thu hẹp…

Đến năm 2014, UBND xã chuyển đến trụ sở mới làm việc, từ đó công sở cũ của ủy ban (nằm kề với dãy nhà kho trường đang sử dụng) được bàn giao lại cho nhà trường. Ban giám hiệu, giáo viên từ đó mới có nơi sinh hoạt, bếp ăn bán trú phục vụ các cháu cũng mới được sửa chữa, đảm bảo phần nào.

Dãy nhà cấp 4 là nhà kho cũ của UBND xã đang được trường mầm non Xuân Thiện làm các phòng học.
Lớp trật trội, 25 - 30 học sinh phải chen chúc trong phòng học rộng hơn 10 m2

Hiện trường mầm non Xuân Thiện có 162 trẻ được chia thành 7 nhóm lớp khác nhau. Vì không đủ phòng học nên các trẻ cũng phải chia đi học ở 2 khu khác nhau. Tại khu trung tâm (học nhờ công sở cũ của xã) hiện có 5 phòng học chỉ rộng từ 10 - 15m2. “Có lớp 25 – 30 cháu phải chen chúc nhau, mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì rất nóng bức”, cô Thu nói.

Cô Thu chia sẻ thêm, lớp học trật trội ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của nhà trường. “Lứa tuổi mầm non các cháu vừa học vừa chơi, nhưng do lớp trật quá nên giáo viên có muốn tổ chức lớp học theo đúng quy định cũng rất khó, nhà trường dù cố gắng, nỗ lực nhưng cũng chỉ được phần nào vì thiếu thốn cơ sở vật chất. Không có trường mới, chưa biết đến bao giờ mới đạt chuẩn”, vị Hiệu trưởng bùi ngùi.

Chủ tịch xã Xuân Thiện thở dài: “Là chủ đầu tư nhưng chúng tôi cũng chưa biết bao giờ công trình mới khởi động lại được. Xã là địa phương khó khăn nhất của huyện Kim Sơn. Nguồn thu ngân sách hàng năm không có, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mỗi năm trông chờ vào bán đất để xã hội hóa nhưng giờ quỹ đất cũng không còn mà giá lại quá “bèo”.

Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh nhưng chưa biết đến bao giờ mới có được vốn để xây dựng lại trường. Nhìn các cháu là thế hệ tương lai của địa phương phải học tập trong môi trường trật trội, chúng tôi cũng rất trăn trở”.

Công tác dạy và học của nhà trường không được đảm bảo do thiếu thốn cơ sở vật chất. "Chưa biết đến bao giờ mới có trường mới", cô Thu nói.

Thái Bá

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây