Một huyện ở Thanh Hóa bị chia cắt, nhiều địa bàn ở Quảng Ninh bị cô lập
- Thứ bảy - 20/08/2016 01:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo thông tin từ UBND huyện Mường Lát cho biết, từ đêm 18 đến sáng 19/8, trên địa bàn huyện này có mưa lớn, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại 4 điểm trên quốc lộ 15C và 16, khiến huyện Mường Lát tiếp tục bị chia cắt.
Những điểm sạt lở tại km 54, đoạn qua bản Khằm 1, xã Trung Lý và km 73 đoạn qua bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, thuộc quốc lộ 15C; đoạn thuộc bản Táo, xã Trung Lý và đầu cầu Mường Lát đoạn thuộc xã Tam Chung, thuộc quốc lộ 16.
Sạt lở đã khiến một khối lượng đất đá lớn tràn xuống đường khiến giao thông trên các tuyến quốc lộ 15C và 16, mới thông sau đợt mưa lũ vừa qua tiếp tục bị ngưng trệ hoàn toàn.
Ngoài ra, trên hai tuyến đường trên còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở khác tại địa bàn các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Mường Lý và Tam Chung, khiến ô tô không thể lưu thông. Tình trạng trên đã khiến huyện Mường Lát tiếp tục bị chia cắt.
Sạt lở khiến một huyện miền núi bị chia cắt về giao thông.
Trước tình hình trên, huyện Mường Lát đã huy động máy múc tới khu vực sạt lở để giải tỏa. Đến 14h giờ chiều 19/8, điểm ách tắc tại bản Táo, xã Trung Lý đã cơ bản được giải tỏa.
Tuy nhiên, giao thông vẫn còn ách tắc do xuất hiện điểm sạt lở mới ngay đầu cầu Mường Lát, đoạn qua xã Tam Chung. Huyện Mường Lát đã huy động máy móc, phương tiện đến hiện trường để giải tỏa ách tắc, tuy vậy, khu vực này tiếp tục có mưa lớn từ đầu giờ chiều 19/8, công tác giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn do đất đá tiếp tục sạt lở thêm.
Đối với hai điểm sạt lở còn lại trên quốc lộ 15C đoạn qua bản Khằm 1, xã Trung Lý và bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn đang được huyện Mường Lát phối hợp với các đơn vị thi công tuyến đường, huy động máy móc, phương tiện tới giải tỏa ách tắc.
Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, huyện Mường Lát đã triển khai công tác di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tới nơi an toàn, cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường giao thông.
Đồng thời, chỉ đạo các xã cử cán bộ trực 24/24, liên tục cập nhật, báo cáo tình hình mưa bão để có phương án xử lý kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí lúc tối nay (19/8), ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại địa bàn tỉnh gió mưa đã giảm nhưng lũ các sông, suối tại các khu vực miền Đông đang lên.
Cụ thể, tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh, nước sông dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập lụt cục bộ, các con đường dẫn vào huyện đều ngập nước khiến người và phương tiện không thể qua được. Tại TP Móng Cái cũng đang xuất hiện lũ từ thượng nguồn sông Ka Long từ xã Hải Sơn đổ về TP, mực nước lên tới 1,2 m. Tại huyện Hải Hà, mưa to đã gây ra lũ trên các sông Hà Cối, Tài Chi khiến một số thôn bản ở xã Quảng Sơn, Quảng Đức... bị chia cắt.
Lũ tại Ba Chẽ đã cô lập khiến người và phương tiện không di chuyển được
Lũ dâng cao tại sông Hà Cối, Hải Hà (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
"Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành, các đơn vị tiếp tục kiểm tra thực tế để chống ngập úng, lũ quét, sạt lở...", ông Hậu nói. Theo báo cáo của UBND tỉnh, bão số 3 không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản gồm: 11 nhà dân bị sập, 6 nhà dân bị tốc mái, một trạm biến áp bị đổ, 22 cột điện và cột viễn thông bị đổ, sạt lở 197 m kênh mương, 7 nhà dân sạt kè, tường, ngập lụt 50ha lúa và hoa màu. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 3,5 tỉ đồng.
Duy Tuyên - Hải Sâm