Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


"Lập facebook" cho vua Quang Trung: Các "tác giả" trẻ nói gì?

"Lập facebook" cho vua Quang Trung: Các "tác giả" trẻ nói gì?
Chỉ trong vòng một tiết Ngữ Văn, nhóm học sinh lớp 9G (trường liên cấp Olympia, Hà Nội) đã "thiết kế facebook" cho vua Quang Trung, với đầy đủ các hình thức như dòng trạng thái, timeline...

Sản phẩm của một tiết học Văn

Timeline facebook vua Quang Trung là sản phẩm nằm trong hoạt động đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái) trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, được giáo viên tổ chức học tập theo trạm.

Theo đó, ba nhóm học sinh trong lớp 9G được giao hoàn thành 3 sản phẩm gồm: Dòng thời gian tóm tắt sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long (hình thức học sinh tự chọn, cô giáo chỉ gợi ý về timeline facebook); Tìm hiểu về hình tượng vua Quang Trung (sơ đồ tư duy); Tìm hiểu về lời phù dụ của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Ba sản phẩm này được ba nhóm thuyết trình trên lớp để đảm bảo cả lớp đều nắm được đầy đủ nội dung bài học. Cô Ngô Thu Giang, giáo viên Ngữ Văn trực tiếp hướng dẫn học sinh cho biết, cô đánh giá rất cao tính sáng tạo, khả năng biểu đạt, đọc hiểu của học sinh.

"Facebook" Vua Quang Trung

Cô cũng cho biết thêm, đây không phải lần đầu tiên các học sinh trong môn Ngữ Văn của cô có sản phẩm sáng tạo như thế này. Các em đã được phát huy về tư duy phản biện, sáng tạo trong học tập môn Ngữ Văn qua những bài thuyết trình, những vở kịch, bộ phim ngắn, những buổi talk show về thân phận con người trong chiến tranh, thuyết minh về phong cách sống, lồng tiếng cho phim (khi học đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió)...

Trao đổi về câu hỏi, vì sao nhóm học sinh trình bày dưới dạng một facebook mà không phải thông qua hình thức thể hiện khác? Cô Thu Giang cho biết, gợi ý về timeline do nó có sự tương đồng khá lớn giữa cách trần thuật sự việc, miêu tả tâm trạng, cảm xúc... của tác giả với những đặc tính biểu hiện trên timeline của một trang facebook.

Những kiến thức do học sinh thể hiện trên đây do cô giáo giao nhiệm vụ phải nghiên cứu SGK và tự tìm tòi các thông tin trên mạng. Các thông tin nào không có trong SGK, học sinh phải trích dẫn nguồn đầy đủ.

Nhóm học sinh lớp 9G đã thể hiện trong một tiết học Văn

Bài tập chưa có điểm

Sau khi hình ảnh đầu tiên của bài tập này được đăng lên fanpage của nhà trường, nhóm học sinh đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.

“Thực sự, chúng em rất ngạc nhiên khi biết sản phẩm này lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy, bởi vì có thể nói rằng đây là một hoạt động học tập cũng không quá xa lạ với các học sinh ở trường chúng em, và ý tưởng này cũng đã được một số lớp khác sử dụng để thể hiện kiến thức trong các bài tập, dự án của mình”, đại diện nhóm học sinh cho biết.

Được biết, bài tập này chưa có điểm cụ thể vì điểm này cần phải xét thêm một bài viết khác nữa. Tuy nhiên, cô Thu Giang khá thích thú và hài lòng với sản phẩm này.

Việc học Văn được thể hiện rất sáng tạo

Học sinh Doãn Hoàng Nhi, đại diện nhóm tác giả "facebook" cho vua Quang Trung chia sẻ, “cho dù được mấy điểm, nhóm cũng rất hài lòng bởi đây là cách học thú vị, dễ ghi nhớ và hệ thống kiến thức dễ dàng. So với đọc văn bản đơn thuần, cách học này trực quan, ngắn gọn và tạo hứng thú hơn nhiều”.

Em cho biết thêm, lúc đầu chúng em bàn nhau có nên thêm các hashtag tiếng Anh như #victory and #slay vào trong bài làm không. Để đưa ra quyết định này, chúng em đã ngồi lại với nhau và cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao khiến cho sản phẩm của mình có yếu tố sáng tạo, hài hước và mang dấu ấn của thời đại công nghệ thông tin nhưng không lố bịch hay xuyên tạc lịch sử.

Ngoài ra, phần quê quán của vua Quang Trung được giới thiệu trong phần tiểu sử cũng là một chi tiết mà chúng em đã tìm hiểu rất kỹ trước khi thêm vào bài, bởi mọi người thường nhầm lẫn giữa nguyên quán và nơi sinh của ông. Vua Quang Trung chính xác là có gốc tích họ Hồ và nguyên quán ở Nghệ An tuy ông sinh ra và lớn lên ở Bình Định nên chúng em dùng từ “From” để chỉ quê gốc của ông thay vì “Born in” tức nơi sinh).

Nhóm học sinh lớp 9G và "facebook" vua Quang Trung

Chị Hồng Nhung, phụ huynh học sinh Nguyễn Tú Linh Đan - một trong các tác giả của facebook Quang Trung, bày tỏ: “Tôi tin rằng học sinh trường nào cũng đều có tiềm năng để nghiên cứu kiến thức và tự mình thể hiện kiến thức thông qua các cách sáng tạo khác nhau nếu được đánh thức và khơi gợi".

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng trường THPT Olympia cho hay, khác với cách học ở nhiều trường phổ thông hiện nay, các em học sinh ở đây được khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo thông qua các hình thức thể hiện khác nhau, đảm bảo tiêu chí đánh giá đa dạng dựa trên năng lực học sinh. Đây cũng không phải là năm đầu tiên học sinh Olympia sử dụng hình thức này để thể hiện kiến thức.

Trong năm học 2015-2016, nhóm học sinh này cũng đã được trải nghiệm học tập theo một cách khác thông qua dự án liên môn Văn - Sử - Truyền thông với tên gọi: “Thân phận con người trong chiến tranh thông qua các bức ảnh lịch sử”. Dự án này cũng đạt giải nhất cuộc thi “Dạy học tích hợp liên môn toàn quốc năm học 2015-2016”.

* Còn bạn, bạn nghĩ sao về cách học môn Ngữ Văn như thế này? Hãy cùng chia sẻ quan điểm của mình vào ô bình luận bên dưới. Xin cảm ơn.

Mỹ Hà

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây