Kỳ 3: Cuộc truy tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung hơn nửa thế kỷ
- Thứ năm - 13/10/2016 12:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế thì: “Vương triều Tây Sơn chưa biên soạn được bộ chính sử của vương triều mình thì bị sụp đổ. Tiếp đó, nguồn tài liệu về Tây Sơn bị các vua triều Nguyễn cho truy tầm và hủy diệt. Số tư liệu về Tây Sơn còn lại được Quốc sử quán triều Nguyễn tóm lược trong Quyển 30 của Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ hơn 50 trang nên không thể đầy đủ, chính xác và khách quan.
Các nguồn tư liệu đương thời ở trong nước chủ yếu là thơ văn, nước ngoài chủ yếu là bút ký thì rất sơ sài và phiến diện, nguồn tài liệu dân gian bị nhiễu nặng nên đã gây khó khăn và ngộ nhận cho giới nghiên cứu. Một trong những vấn đề được giới nghiên cứu và xã hội đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề Kinh đô Phú Xuân dưới thời Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung tại Huế. Trong tình hình khó khăn về tư liệu và bị khúc xạ qua thời gian dài với các quan điểm nhìn nhận khác nhau nên mỗi người tìm cho mình một hướng tiếp cận riêng để nhận diện quá khứ”.
Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều giả thiết về địa điểm lăng mộ vua Quang Trung tại Huế, Bình Định, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Nội... Riêng tại Huế có đến 6 điểm được quan tâm là Lăng Ba Vành; Khu vực gò Dương Xuân (khu vực chùa Thuyền Lâm – chùa Vạn Phước); Núi Ngọc Trản (điện Hòn Chén); Núi Kim Phụng; Khu vực xã Bình Điền (thị xã Hương Trà) và Núi Chóp Vung (gần đường tránh TP Huế). Trong đó, giả thiết Lăng Ba Vành cùng với giả thiết khu vực gò Dương Xuân là 2 giả thiết được tranh cãi nhiều nhất.
Theo nhà sử học Nguyễn Quang Ân, cán bộ phụ trách tư liệu sử học của Viện Sử học Việt Nam, vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 1/9/1792). Do chính sách trả thù của nhà Nguyễn, lăng mộ ông không chỉ bị phá mà mọi dấu tích cũng không còn. Lăng mộ vua Quang trung ở đâu: Huế, Hà Nội, Nghệ An hay Nghĩa Bình? Những câu hỏi ấy không phải đến bây giờ mới được quan tâm mà từ lâu giới nghiên cứu đã đề cập đến. Người đầu tiên khơi dậy vấn đề đi tìm lăng mộ vua Quang Trung là nhà Huế học, linh mục Léopold Cadière, rồi Nguyễn Thiệu Lâu (công bố vào năm 1961), Bửu Kế (1961), Lê Văn Hoàng (1974), Phan Huy Lê, Đỗ Bang (1982), Phan Thuận An (1985), Nguyễn Đắc Xuân (1985), Nguyễn Hữu Đính (1986), Trần Viết Điền (1988), Trần Đại Vinh (1988), Lê Nguyễn Lưu (1991), Hồ Tấn Phan (1991)… cuộc truy tìm ấy có lúc rầm rộ có lúc lặng lẽ kéo dài đến nửa thế kỷ nay.
Mộ cổ Linh Đường (Hà Nội)?
Sử cũ ghi rằng khi Quang Trung mất, triều Tây Sơn cử Ngô Thì Nhậm dẫn đầu một đoàn ngoại giao sang nước Thanh báo tang. Trong tờ biểu có nói: “Vâng lời dặn của vua Quang trung, sau khi chết táng ở Tây hồ Bắc thành để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết”. Vua nước Thanh tin lời, ban tên thụy là Trung Thuần và làm một bài thơ để viếng, lại cho thêm một pho tượng Phật, 3.000 lạng bạc để lo việc tang ma và phái án sát Quảng Tây là Thành Lâm sang làm tế lễ tại mộ ở Linh Đường (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Dẫu rằng sử cũ cũng ghi đó là mộ giả, nhưng nhìn lăng đá uy nghiêm đứng sừng sững cách đình làng Linh Đường chừng 700 mét về phía bắc, cách quốc lộ 1A chừng 1km về phía đông, cửa lăng lại ngoảnh trông về phía nam, bao người đã đặt niềm hy vọng trong cuộc truy tìm lăng mộ vua Quang Trung?
Phải nói ngay rằng đó cũng là kỳ vọng lớn của cuộc khai quật mộ cổ Linh Đường do Viện Khảo cổ học và UBND huyện Thanh Trì phối hợp tổ chức sau khi ngôi mộ bị kẻ gian đào trộm vào mùa đông năm Kỷ Tỵ (1989). Nhưng kết quả cuộc khai quật đã xác định chủ nhân của nó không phải là vua Quang Trung, mà theo các số đo nhân học của tử thi, có thể đoán định đó là một người… đàn bà xinh đẹp, cao khoảng 1,5 mét, khuôn mặt cân đối, dáng đẫy đà, tuổi ngoài 60.
Lăng Ba Vành tại Huế?
Hướng tìm kiếm ban đầu tại Huế đều định vị ở phường Thủy Xuân, TP Huế xung quanh một di tích có tên là lăng Ba Vành. Khởi đầu bằng một bài khảo cứu của Nguyễn Thiệu Lâu công bố cách đây đã 5 thập kỷ (1961) và ngày càng thu hút được đông đảo những người nhiệt tâm tham gia.
Theo nhà nghiên cứu Hán - Nôm - Trần Đại Vinh (Huế), tháng 2/1961 ở Sài Gòn, tạp chí Bách Khoa số 99 đã công bố bài Lăng hoàng đế Quang Trung của Nguyễn Thiệu Lâu, mở đầu cho việc thảo luận công khai vấn đề này. Đó là một bài viết dưới dạng hồi ký kể lại chuyến đi tìm lăng vua Quang Trung vào năm 1941 của tác giả, do lời gợi ý của linh mục, nhà Huế học Léopold Cadière: “Lăng Nguyễn Huệ ở miền núi phía Tây Huế. Anh hãy tìm đi và tiến hành khảo cứu” (dịch từ câu “La tombeau de Nguyên Huê est dans la région montagneuse à l’ouest de Hué. Cherchez le et vous enferez une étude”). Linh mục dùng chữ phía tây Huế (à l’ouest de Hué), Nguyễn Thiệu Lâu cho là nhầm, mà là phải phía nam Huế.
Sau đó ông đi điền dã và tìm thấy một ngôi lăng hoang phế, có 3 vòng thành khá lớn hình tròn, nấm mộ xây bằng vôi mật, có một lỗ hổng nhỏ, có bia đá mà chữ bị búa đập đi, nằm tại phía nam Tu viện Thiên An. Qua cảm nhận của mình ông đã đinh ninh đó là lăng vua Quang Trung.
Sau khi đọc bài này, nhà nghiên cứu Bửu Kế đã lên Thiên An khảo sát và công bố bài “Từ lăng Sọ đến lăng Ba Vành” (Bách Khoa số 102 ngày 1/4/1961).Ông đã đưa ra một tài liệu lưu trữ ở Thư viện dòng Thiên An, nơi linh mục Léopold Cadière đã tặng biếu sách vở, di cảo của mình. Tài liệu gồm một bức thư của linh mục gửi cho R.Orband đang giữ chức Hội lý Hộ và trợ bút tập san B.A.V.H. Nội dung bức thư, Cadière hỏi Orband “Ai chôn trong lăng gọi là lăng Ba Thành? Tại sao người chôn trong lăng ấy lại bị đào và đốt đi? Ngôi mộ chôn tại sao cũng trong đó là của người nào? Và vì sao bia lại bị búa đập?”
Orband đã phúc đáp bằng một văn bản của bộ Lễ triều đình Huế, nội dung “… chỉ biết mộ ấy là mộ xưa, nguyên đắp ba lớp thành, tục xưng Ba Vành, bỏ phế đã lâu, chỉ lưu lại một tòa bia đá, tự tích bị phá hủy. Năm Thành Thái thứ 13 (1901), Lý trưởng lúc bấy giờ là Nguyễn Bút (nay đã chết) cho Cơ Mật Viện Thừa biện Võ Bá Khương đem thân nhân vào chôn trong lăng ấy…”. Hỏi Võ Bá Khương thì nói đã xin và đem thân nhân của mình chôn vào trong khuôn thành lăng đó. Từ tài liệu trích dẫn này, Bửu Kế kết luận lăng Ba Vành không phải là lăng vua Quang Trung.
Đến năm 1974 trên tạp chí Đại Chúng số 1 ở Huế, Hồng Hoài Lê Văn Hoàng đăng bài Nói về lăng ba Vành trình bày phát hiện tập hồ sơ trong dịp sưu tầm, phân loại sách thủ ở Viện Văn hóa năm 1940 mà ông làm thư ký hội đồng. Hồ sơ có nội dung Võ Bá Khương đem chôn thân nhân là Chính dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ chỉ khác năm là 1905. Từ đó ông kết luận ngôi mộ Ba Vành chắc chắn trăm phần trăm không phải là ngôi mộ của Quang Trung.
Sau giải phóng, năm 1982 có các bài viết của các tác giả Đỗ Bang, Phan Thuận An và Mai Khắc Ứng tiếp tục xác nhận lăng Ba Vành là lăng Lê Quang Đại. Nhưng năm 1983, Nguyễn Hữu Đính qua tập khảo luận “Lăng” vua Quang Trung ở đâu gửi cho Tỉnh ủy Bình Trị Thiên và Viện Sử học Hà Nội chứng minh lăng Ba Vành thực chất là lăng vua Quang Trung được triều Quang Toản ngụy trang dưới tấm bia của Lê Quang Đại.
Đến năm 1988, Trần Viết Điền đã công bố một phần công trình của mình trên tạp chí Sông Hương số 30, luận giải lăng Ba Vành là lăng Quang Trung. Cách lập luận của anh khác cụ Đính, ở chỗ anh xác định lăng ấy không phải là ngụy trang dưới tên Lê Quang Đại mà ngôi bia vốn đề danh hiệu Quang Trung, nhưng bị người sau hủy phá. Chính ý kiến anh Điền đã thu hút một số người nghiên cứu trở lại tìm hiểu lăng Ba Vành.
lăng Ba Vành tại Huế (ảnh: Trần Viết Điền)
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã chứng minh lăng này là của Lê Quang Đại qua đọc được các vết khắc chạm dòng chữ nguyên thủy là vết sâu nhất (mặt ngoài các nét chữ bị vết búa rập băm phá nhưng không xóa hết đáy sâu của chữ). Ông đã đối chiếu lời khai của Võ Bá Khương cùng dòng chữ trên bia và hương phổ ngôi làng Đồng Di và khẳng định lăng Ba Vành là lăng mộ cũ của Lê Quang Đại của làng Đồng Di, huyện Phú Vang cũ. Ông Đại là Hộ bộ kiêm Binh bộ tại Chính dinh Phú Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, mất mùa đông năm 1745, được dựng bia ngày 8 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ bày 1746.
Ông Đỗ Bang, thời đó là giáo viên giảng dạy Lịch sử ở trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học Huế, nay PGS.TS. Đỗ bang là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế) – chuyên gia về triều Tây Sơn cùng quan điểm với ông Trần Đại Vinh, cả hai đã tranh luận nảy lửa với Trần Viết Điền. Ở hội thảo “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” do UBND TP Huế chủ trì vào ngày 22/9/1988 đã kết luận lăng Ba Vành chưa rõ chủ nhân, đề nghị tiếp tục nghiên cứu.
Lăng mộ vua Quang Trung ở Khuân Sơn?
Đi trở lại thời điểm gần đây, tại tọa đàm “Hướng đi tìm lăng mộ hoàng đế Quang Trung” tại cơ quan Nhà xuất bản Thuận Hóa (TP Huế) do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 8/2/2006 với 2 thành viên chủ chốt là NNC Hồng Phi và Nương Nao đến từ Thanh Hóa. Hai NNC cho rằng đã phát hiện được một thông tin lịch sử mới liên quan lăng mộ vua Quang Trung ở Huế qua chữ “Khuân Sơn” trong một bài thơ chữ Hán của một nhà Nho xứ Thanh tên là Lê Triệu (1771-1846) người làng Lệ Trung, xã Đại Trung, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Tác phẩm ông để lại có tập Liên Kê Nam hành tạp vịnh gồm 200 bài thơ. Hai NNC Hồng Phi và Nương Nao tiếp cận được bản gốc tập thơ này, trong tập thơ quý này có bài Kiến Quang Trung linh cửu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung): “Trấp niên sất sá tẩu phong vân/ Như thử anh hùng cổ hãn văn/ Hàm Dã đọc lưu thiên vạn cốt/ Khuân Sơn họa tại bách niên phần/ Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận/ Cô phụ đường đường bách xích thân/ Quang cảnh nhất ban thành phần mị/ Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần”.
Dịch nghĩa “Hai mươi năm tiếng thét át cả gió mây/ Chỉ chừng ấy cũng đủ thấy là bậc anh hùng hiếm có/ Trên chiến trường Hàm Đan hận vùi muôn xác vạn thù? Núi Khuân không ngờ lại để mối họa liên lụy đến phần mộ nơi yên giấc ngàn năm/ Bỗng phải chịu sự chỉ trích của mối hận muôn đời/ Nỡ phụ đến tấm thân tám thước của bậc anh hùng/ Quang cảnh nói chung tất cả đã trở thành cát bụi/ Khiến cho người đời muôn thuở cười Tần Doanh bạo chúa”.
Hai NNC trên cho rằng Khuân Sơn ở câu thơ thứ tư là vị trí lăng mộ vua Quang Trung, ngọn núi này nghi là Thương Sơn tức núi Kim Phụng ở phía tây TP Huế ngày nay. Qua cuộc tọa đàm, các nhà Hán Nôm đã khẳng định ở Huế không có một núi nào mang tên Khuân Sơn cả.
Thành Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An có lăng mộ vua Quang Trung?
Mới đây, Hội thảo khoa học "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô” diễn ra ngày 31/5/2012 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An với sự tham gia nhà nghiên cứu đã có phần “Lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung hiện nay ở đâu?”. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy TP Vinh, Trưởng nhóm tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung tại Nghệ An cho rằng sau khi đánh thắng quân Trịnh năm 1786, vua Lê Hiển Tông đã ban thưởng cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ công chúa Ngọc Hân và vùng đất Nghệ An. Ngày 1/10/1788 Quang Trung quyết định cho xây thành Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Quyết. Với tài mưu lược, dũng trí của mình và có nhiều kẻ thù (Lê, Trịnh, Thanh, Xiêm, Nguyễn Ánh) vua không thể chỉ duy nhất cho xây 1 mộ tại Huế, mà đã cho xây trước lăng mộ của mình ngay tại thành Phượng Hoàng Trung Đô. Nhưng vào năm 1792 khi việc xây thành Phượng Hoàng Trung Đô còn dang dở và dự định dời đô về Nghệ An chưa thực hiện được thì vua Quang Trung đột ngột qua đời.
Trong hơn 2 tháng "bế quan toả cảng", làm chậm thời gian thông báo tin vua mất ở thành Phú Xuân Huế thì chính là thời điểm các cận vệ thân tín của Hoàng đế chuẩn bị thực hiện lễ an táng Quang Trung giả vào lăng mộ giả. Còn thi thể Hoàng đế Quang Trung được đưa theo đường biển, sau đó vòng theo đường sông an táng tại lăng mộ đã có sẵn ở Phượng Hoàng Trung Đô. Hơn nữa, chính sử đã ghi rất rõ vua Quang Trung cho gọi Trấn sở Nghệ An Trần Quang Diệu vào và dặn rằng: "Những việc còn lại ở Vĩnh Đô (Phượng Hoàng Trung Đô), các ngươi phải lo làm xong sớm. Nếu để chậm sẽ không có đất mà chôn". Tuy nhiên, sau khi vua Quang Trung mất, việc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô đã bị gác lại.
Nhóm tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung tại Nghệ An do ông Bản chủ trì đã mời Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cùng một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nhà ngoại cảm, nhà tâm linh, và cả thiết bị thăm dò địa vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội về tại thành Phượng Hoàng Trung Đô để xem xét. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị lên Trung ương xúc tiến việc tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại tỉnh đây. Hiện chuyện tìm mộ Quang Trung tại Nghệ An chưa có thêm thông tin gì mới.
Gò Dương Xuân nơi có Phủ Dương Xuân, Cung điện Đan Dương và lăng mộ Quang Trung?
Trong các cuộc truy tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung thì NNC Nguyễn Đắc Xuân (Huế) với hơn 30 năm tìm kiếm từ sử sách đến thực địa đã nhận được nhiều sự ủng hộ giới nghiên cứu, sử học. “Điểm chốt” cho giả thiết của ông Xuân là thời Tây Sơn ở Huế, vua Quang Trung có một Cung điện riêng nằm ở phía nam sông Hương để tránh lụt bão và thủy quân địch. Đây là cung điện thứ hai của vua Quang Trung ở Phú Xuân. Cung điện đó phát triển từ Phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn trên vùng gò Dương Xuân (vùng chùa Thuyền Lâm và chùa Vạn Phước ngày nay) và có tên Đan Dương. Sau khi vua mất thì được triều đình Tây Sơn bí mật chôn ngay tại dưới cung điện Đan Dương. Tuy nhiên khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã cho quật mộ Quang Trung và “xóa sổ” toàn bộ dấu vết Cung điện Đan Dương cũng như thi hài của Quang Trung và các cứ liệu khác.
Ở cuộc Hội thảo khoa học mới đây nhất có tên “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tháng 10/2015 tại TP Huế cho thấy nhiều quan điểm ủng hộ, nghiêng về phía NNC Nguyễn Đắc Xuân. Kết luận hội thảo này, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ủng hộ lập luận của ông Xuân.
Chính thành công này đã đưa đến đợt điều tra thám sát khảo cổ học do Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn hiện đang tiến hành đào thám sát khảo cổ ở 5 hố có tổng diện tích 22m2 tại vùng gò Dương Xuân, phường Trường An, TP Huế những ngày đầu tháng 10/2016. Mục đích là tìm kiếm các chứng cứ, dấu tích liên quan đến triều Tây Sơn/ Quang Trung. Đây là lần đầu tiên một giả thiết của 1 nhà nghiên cứu ở Huế được xem là có cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu thành công cấp trên có thể đề xuất khai quật khảo cổ học ở diện tích lớn hơn nhằm xem xét việc có 1 Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và dấu vết lăng mộ của vua nằm tại đó?
Cũng theo như PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có nhiều người đã dày công khảo tìm trong thơ văn, sách sử, địa chí, phong thủy kết hợp với thực địa với mong muốn tìm ra những tín hiệu của thời kỳ lịch sử vàng son này; một trong những nhà nghiên cứu kiên trì đó là Nguyễn Đắc Xuân – người đầu tiên phát ra tín hiệu cung điện Đan Dương hơn 30 năm trước. Trong khi các cung điện thời Tây Sơn tại nội thành Phú Xuân chưa tìm ra địa chỉ và dấu tích thì việc xác định địa chỉ và di vật về cung điện Đan Dương ở bờ Nam sông Hương có một ý nghĩa nhất định trong bước tiến về khoa học lịch sử và bảo tồn để phát huy thế mạnh du lịch của vùng đất vốn đã dày đặc kiến trúc và di tích triều Nguyễn.
Đại Dương
(còn tiếp…)
Kỳ 4: Ly kỳ câu chuyện đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương tại gò Dương Xuân