Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


IS: Càng suy yếu, càng nguy hiểm

IS: Càng suy yếu, càng nguy hiểm
Gần đây, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị suy yếu phần nào nhưng không có nghĩa là lực lượng này bớt nguy hiểm.
Các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. (Nguồn: BBC)

Là “nguồn cảm hứng” nguy hại

Sau nhiều tháng hứng chịu các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu và liên tiếp thất bại trước lực lượng địa phương ở Iraq và Syria, tổ chức khủng bố này đã mất đi hàng nghìn tay súng và các vùng lãnh thổ rộng lớn. Hơn thế nữa, nhiều tuyến đường IS dùng để vận chuyển vũ khí và tiếp viện cũng đã bị cắt đứt.

Tuy nhiên, IS hiện vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng trên nhiều phương diện, đặc biệt là khả năng “truyền cảm hứng” cho các tay súng có xu hướng tự cực đoan hóa. Mới đây, kẻ bị cáo buộc tiến hành một vụ đánh bom ở New York (Mỹ) hôm 17/9 dường như đã lấy cảm hứng từ các thủ lĩnh và giáo sỹ của tổ chức al-Qaeda và IS.

Các cơ quan điều tra đã phát hiện nghi phạm Ahmad Rahadi, 28 tuổi, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden, giáo sỹ Hồi giáo cực đoan Anwar al-Awlaki – kẻ đã bị tiêu diệt ở Yemen trong chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, và chiến lược gia hàng đầu của IS Abu Mohammad al-Adnani.

Trong nhật ký, Rahadi có đề cập đến một thông điệp do Adnani phát đi hồi tháng 5/2016, kêu gọi những người ủng hộ IS tiến hành các cuộc tấn công ở phương Tây trong tháng lễ Ramadan (có ý nghĩa linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo) như một động thái trả đũa trước các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các thành trì của tổ chức này ở Iraq và Syria.

Nghi phạm Rahadi viết rằng, Adnadi đã đưa ra một chỉ đạo rõ ràng về việc “tấn công những kẻ không tin vào đạo Hồi ngay ở sân sau của chúng”. Giới chức trách Mỹ đã tìm được cuốn nhật ký này sau cuộc đấu súng giữa Rahami với cảnh sát ở New Jersey hôm 19/9 và nhờ đó đã nhanh chóng bắt được kẻ khủng bố này.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về động cơ của Rahadi, liệu hắn có từng gặp các tay súng – những kẻ đã khiến hắn trở nên cực đoan hóa sau một vài chuyến đi đến Pakistan, hay liệu hắn có từng được hướng dẫn cách chế tạo bom hay không. Nếu yêu cầu của Adnani đã thực sự tác động đến quyết tâm thực hiện vụ tấn công ở New York, Rahadi sẽ là ví dụ mới nhất về một tay súng tự cực đoan hóa và nghe theo các yêu cầu của các thủ lĩnh IS và al-Qaeda về việc tấn công các mục tiêu ở phương Tây.

Gieo rắc nỗi sợ hãi bên ngoài lãnh thổ

Trong 6 tháng vừa qua, quân đội Chính phủ Iraq cùng với sự hỗ trợ của không quân Mỹ đã đẩy lùi IS khỏi các thành phố ở miền Tây là Ramadi và Fallujah. Tuy nhiên, khi liên tục đánh mất lãnh thổ ở Syria và Iraq do áp lực từ các cuộc không kích của phương Tây và lực lượng địa phương, IS càng điên cuồng củng cố sức mạnh bằng việc tổ chức hoặc truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công trên toàn thế giới.

Chiến dịch khẳng định ảnh hưởng của IS đã lên đến đỉnh điểm trong tháng lễ Ramadan, khi các thành viên và những kẻ ủng hộ tổ chức cực đoan này tiến hành hàng loạt vụ đánh bom, xả súng và tấn công bằng dao ở khắp châu Âu, Trung Đông và châu Á. Nhiều kẻ tấn công đã bị cực đoan hóa, “những con sói đơn độc” đã được truyền cảm hứng và hành động trên danh nghĩa của tổ chức, song không nhận chỉ thị trực tiếp từ bất cứ thủ lĩnh nào.

Các vụ tấn công này ngày càng gieo rắc nhiều nỗi sợ hãi và là công cụ để IS thể hiện sức mạnh của mình, nhằm bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường. Điều này cũng phản ánh thực tế là IS sẽ tìm cách củng cố hoạt động tại các địa bàn dưới hình thức một cuộc nổi dậy thánh chiến, tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn và nhỏ nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi song thực tế không giúp được gì nhiều trong việc kiểm soát lãnh thổ ở Syria và Iraq.

Bên cạnh đó, IS cũng thay đổi đường hướng tuyên truyền và tập trung vào những kẻ có khả năng trở thành những “con sói đơn độc”. Trong một đoạn tin nhắn thoại được phát đi ngày 21/5, hai tuần trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan, Adnani đã kêu gọi những người ủng hộ tiến hành các cuộc tấn công ở phương Tây và biến tháng lễ này “với sự cho phép của Thượng đế, thành tháng đầy đau khổ đối với những kẻ không theo đạo Hồi ở mọi nơi”.

Dù đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công liên tiếp trong tháng lễ Ramadan, song IS đã phải hứng chịu một chuỗi thất bại ở cả Syria và Iraq trong suốt thời gian qua. Tổ chức này đã suy yếu đi rất nhiều so với giai đoạn một năm trước – và hiện giờ hầu như không có khả năng giữ được quyền kiểm soát tại các vùng lãnh thổ rộng lớn.

Hồi cuối tháng 8/2016, IS đã để mất thị trấn Jarabulus ở biên giới Syria vào tay lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn. Đây là tiền đồn cuối cùng của IS ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến đường mà IS sử dụng để đưa các tân binh, vận chuyển tiền và hàng tiếp tế về lãnh thổ của chúng, đặc biệt là “thủ phủ” Raqqa.

Không chỉ giúp các quân đội chính phủ và tay súng địa phương giành lại lãnh thổ, các cuộc không kích của Mỹ còn nhắm vào các thủ lĩnh của IS, tiêu diệt người phát ngôn và chiến lược gia hàng đầu của IS là Adnani và chỉ huy cấp cao của tổ chức này, Omar al-Shishani.

Những thất bại gần đây cho thấy IS hiện đang bị bao vây theo cách mà chúng chưa từng phải trải qua. Giới chức quân sự Mỹ cho rằng số lượng các tay súng của IS hiện chỉ còn khoảng 16.000 người, giảm một nửa so với một năm trước.

Trung tướng Sean MacFarland, từng chỉ huy quân đội Mỹ trong chiến dịch chống IS, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Baghdad hồi tháng trước: “Số lượng tay súng trên tiền tuyến đã giảm. Chúng giảm không chỉ về số lượng, mà còn về chất lượng. Chúng tôi thấy chúng hoạt động không còn hiệu quả như trước đây, điều này khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho chúng tôi”.

Tuy nhiên, tổ chức thánh chiến này vẫn có khả năng chiêu mộ thêm các tân binh, kiếm tiền thông qua hoạt động khai thác và buôn lậu dầu mỏ, đảm bảo được nguồn vũ khí và yêu cầu những kẻ ủng hộ thực hiện các cuộc tấn công ở nước ngoài. Điều trớ trêu là, càng bị suy yếu trên thực địa, IS lại càng có ít thứ để mất khi thực hiện thêm các cuộc tấn công khủng bố bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq.

Mặc dù IS đã mất đi nhiều vùng lãnh thổ và các thủ lĩnh, song giới chức an ninh Mỹ cảnh báo rằng IS hiện vẫn có khả năng truyền cảm hứng và “gián tiếp” tổ chức các cuộc tấn công ở phương Tây và trên khắp thế giới. Giới chức tình báo cảnh báo tổ chức này sẽ trở thành một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn, khi chúng càng suy yếu, bởi những kẻ ủng hộ IS ở nước ngoài có thể sẽ càng có động lực để thực hiện các cuộc tấn công ở phương Tây nếu chúng không thể đến được “Vương quốc Hồi giáo” (caliphate) tự xưng đang bị cô lập ở Syria và Iraq.

Hồi tháng 7 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Nicholas Rasmussen đã phát biểu tại Ủy ban An ninh Nội địa Mỹ: “Theo quan điểm của chúng tôi, số các cuộc tấn công khủng bố của IS ở Syria, Iraq và trên thế giới sẽ không giảm ngay. Khả năng tiến hành các hoạt động khủng bố của IS ở nước ngoài đã được xây dựng và củng cố trong suốt hai năm qua và chúng tôi không nghĩ rằng chỉ những tổn thất trên chiến trường có thể làm suy giảm khả năng khủng bố của tổ chức này”.

Trong bối cảnh IS đang mất đi sức mạnh và các vùng lãnh thổ rộng lớn ở “Vương quốc Hồi giáo” tự xưng ở Syria và Iraq, tổ chức này sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn trên khắp thế giới. Có lẽ, các chính quyền phương Tây và Trung Đông sẽ cần phải quen dần với một kẻ thù có thể biến những thất bại trên chiến trường trở thành những nỗi kinh hoàng.

Theo Minh Nhật/ Reuters

Thế giới và Việt Nam

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây