Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


"Huyền thoại" Đạm Hà Bắc mở rộng đầu tư, lỗ liên tiếp trong vài năm

"Huyền thoại" Đạm Hà Bắc mở rộng đầu tư, lỗ liên tiếp trong vài năm
Một thương hiệu quen thuộc đối với những người nông dân và được cho là “huyền thoại” của sự nghiệp phát triển kinh tế miền Bắc của thế kỷ trước là Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng đang trong cảnh thua lỗ và thậm chí dự kiến sẽ vẫn còn lỗ luỹ kế cho tới năm 2019.
Nhà máy Đạm Hà Bắc sau khi mở rộng đầu tư cũng đang trong cảnh thua lỗ và thậm chí dự kiến sẽ vẫn còn lỗ luỹ kế cho tới năm 2019.

Như Dân trí đưa tin, UBND tỉnh Ninh Bình vừa chính thức có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin “giải cứu” cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình do liên tiếp thua lỗ khi đầu tư vào Nhà máy Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, đây không phải là nhà máy đạm duy nhất đang lỗ trong thời điểm hiện tại.

Một thương hiệu quen thuộc đối với những người nông dân và được cho là “huyền thoại” của sự nghiệp phát triển kinh tế miền Bắc của thế kỷ trước là Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng đang trong cảnh thua lỗ và thậm chí dự kiến sẽ vẫn còn lỗ luỹ kế trong vài năm tới.

Nhà máy được hình thành trong giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh năm 1960. Sau nhiều lần phân tách rồi sáp nhập, phát triển, đến năm 1975, nhà máy phân đạm Hà Bắc chính thức được hợp nhất. Năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD.

Theo đó, công suất nhà máy phân đạm Hà Bắc lên mức 500.000 tấn urê, trong đó đầu tư một dây chuyền sản xuất mới có công suất 320.000 tấn urê, và cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có sang sử dụng nguyên liệu than cám có công suất 180.000 tấn urê một năm.

Theo báo cáo của công ty, hiện nay, do dự án mở rộng Nhà máy mới đi vào hoạt động nên áp lực về chi phí lãi vay bị phân bổ và trích khấu hao khá cao, công ty dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ lỗ từ năm 2015 - 2016, bắt đầu từ năm 2017 hoạt động có lãi.

Theo kế hoạch năm đầu tiên (năm 2015), công ty lỗ 26,55 triệu USD, tương đương với 585 tỷ đồng, năm thứ 2 (năm 2016) lỗ 5,659 triệu USD, tương ứng 124,69 tỷ đồng. Tới năm thứ 3 (năm 2017) công ty dự kiến sẽ lãi 4 triệu USD, tương ứng với 88,3 tỷ đồng (tính theo tỷ giá tại thời điểm hiện nay). Dù có lãi trở lại từ năm 2017 nhưng phải đến năm 2019 công ty mới hết lỗ luỹ kế.

Lãnh đạo công ty này cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình cảnh thua lỗ như trên là do nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dẫn đến tiêu thụ khí công nghiệp gặp khó khăn.

Trong khi đó, thị trường urê cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất trong nước, giữa urê trong nước với urê nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Vấn nạn urê giả cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ sản phẩm của công ty. Giá bán urê từ giữa năm 2013 đến nay giảm mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm theo.

Nhu cầu phân đạm hàng năm của Việt Nam vào khoảng 2 triệu tấn. Hiện tại, trên cả nước đang có 4 nhà máy sản xuất phân đạm với tổng công suất tương đương 2,65 triệu tấn/năm. Các doanh nghiệp này đã và đang tạo ra sức cạnh tranh quyết liệt và phức tạp trên thị trường phân bón Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung vượt nhu cầu trong nước.

Ngoài nhà máy đạm Hà Bắc với công suất 500.000 tấn/năm, còn có 3 nhà máy khác bao gồm: Nhà máy đạm Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau, công suất 800.000 tấn/năm; Nhà máy đạm Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất 800.000 tấn/năm; nhà máy đạm Ninh Bình có công suất 550.000 tấn/năm.

Ngoài đối thủ cạnh tranh trong nước, các công ty sản xuất phân đạm còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Từ năm 2012 trở về trước, 40% nhu cầu phân bón trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc chiếm khoảng 49%. Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh với khả năng sản xuất được 61 triệu tấn/năm. Như vậy, phân bón Trung Quốc thường được bán ở mức thấp hơn so với giá phân bón Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và các nước Trung Đông là các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu phân bón sang Việt Nam. Các quốc gia Trung Đông với lợi thế giá gas tự nhiên và giá dầu thấp đã có thể sản xuất phân bón với chi phí thấp, qua đó tạo ra sự cạnh tranh về giá cả với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nói chung và Công ty nói riêng.

Phương Dung

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây