Giàn cẩu Formosa mắc kẹt ở Hòn La sẽ được đưa về Trung Quốc
- Thứ năm - 13/10/2016 15:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 13/10, Cảng vụ hàng hải Quảng Bình xác nhận các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án di dời sà lan cùng giàn máy cẩu của Formosa mắc kẹt tại đảo Hòn La.
"Phía chủ sở hữu thuê một đơn vị cứu hộ hàng hải ở miền Nam để trục vớt sà lan này khỏi vị trí hiện tại. Chúng tôi cùng các bên liên quan ở Quảng Bình đã chốt phương án do phía đơn vị nhận thầu đưa ra để trục vớt hệ thống máy móc này trước mùa mưa bão", ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Bình, cho biết.
Theo đó, đơn vị cứu hộ sẽ huy động 4 phương tiện tham gia việc trục vớt sà lan cùng giàn cẩu bị mắc kẹt. 2 sà lan lớn cùng 2 tàu kéo sẽ đến hiện trường tham gia trục vớt.
Một sà lan lớn cùng cần cẩu 4.000 tấn sẽ cẩu 3 giàn cẩu của Formosa lên sà lan còn lại để chở về hãng sản xuất ở Trung Quốc sửa chữa, phục hồi. Chiếc sà lan còn lại sẽ được trục vớt sau.
"Việc trục vớt sẽ được tiến hành theo 2 bước như trên, thời gian dự kiến từ ngày 12/10 đến 30/11", lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Quảng Bình thông tin.
Sà lan cùng giàn máy cẩu bị mắc kẹt tại mỏm đá thuộc đảo Hòn La. Ảnh: CTV. |
Như Zing.vn đã thông tin, chiếc sà lan chở 3 giàn máy cẩu khổng lồ của Formosa bị sóng đánh, trôi dạt vào vùng biển Quảng Bình từ giữa tháng 9.
Đơn vị phụ trách giám sát là Đại lý hàng hải Bến Thủy (VOSA Bến Thủy, đóng tại TP Vinh, Nghệ An), xác định sà lan Xing Jun Hai có dung tích 8.632 GT chở 3 cần cẩu có thông số kỹ thuật rộng 56,3 m, dài 85,4 m và cao 27,3 m bị đắm, mắc kẹt tại bãi đá sát bờ đảo Hòn La do tàu kéo bị đứt dây níu.
Sà lan này thuộc quyền sở hữu của một công ty đóng tại Trung Quốc. Trước khi trôi dạt vào Hòn La, chiếc sà lan cùng giàn máy cẩu khổng lồ nói trên được neo đậu tại cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh).
Cảng vụ hàng hải Quảng Bình đã kiểm tra hiện trường, xác định vị trí sà lan cùng giàn cẩu bị mắc kẹt, kê vào mỏm đá của đảo Hòn La trong tình trạng bị cong vênh. Một giàn cẩu bị đổ nghiêng về phía vách đá.
Đề phòng rò rỉ nhiên liệu, các cơ quan chức năng cùng chủ sở hữu đã hút hết 7.500 lít dầu D.O trong sà lan và 2.000 lít dầu máy cẩu và dầu thủy lực.
Cảng vụ hàng hải Quảng Bình nhận định sà lan bị mắc kẹt ở vị trí rất cạn, không ảnh hưởng đến luồng ra vào cảng Hòn La, không ảnh hưởng đến tuyến hàng hải Bắc - Nam cũng như hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Trong thời gian trục vớt, Cảng vụ hàng hải Quảng Bình cũng có thông báo toàn quốc về khu vưc hạn chế hoạt động hàng hải để lưu ý tàu thuyền và các phương tiện khác lưu thông trên biển được an toàn.
Một giàn cẩu trên sà lan bị đổ vào vách đá của Hòn La. Ảnh: CTV. |