Đề xuất của Bộ Công Thương sẽ "ép" chết các gara ô tô tư nhân?
- Thứ hai - 22/08/2016 12:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT, ngày 18/8/2016, Bộ Công Thương thừa nhận, Thông tư 20 chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.
Trong văn bản của mình Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Cùng đó, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng cho phép được giữ quyền bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.
Theo lý giải của một lãnh đạo từ Bộ Công Thương, mô hình mà Bộ Công thương dự kiến đề xuất sẽ có hai thay đổi cơ bản hoàn toàn tới điều kiện nhập khẩu ô tô. Theo đó, không yêu cầu phải xuất trình giấy ủy quyền chính hãng, tức là bãi bỏ hoàn toàn thông tư 20. Tuy nhiên, xe chỉ được đăng ký lưu hành khi đi kèm theo cam kết bảo hành, bảo dưỡng tại cơ sở do chính hãng thành lập, cơ sở được chính hãng ủy quyền hoặc cơ sở được Bộ Giao thông Vận tải xác nhận là đủ điều kiện.
Về nội dung bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết, một số ý kiến cho rằng người tiêu dùng có quyền từ chối bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Quy định thương nhân nhập khẩu, phân phối ô tô phải cung cấp bảo hành, bảo dưỡng chính hãng là vi phạm "quyền được đi xe mà không cần bảo hành" của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận thấy ý kiến này là chưa thỏa đáng bởi khác với nhiều mặt hàng khác, ô tô là mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của người khác khi tham gia lưu thông. Vì vậy, người sử dụng ô tô không những không có quyền từ chối bảo hành mà còn có nghĩa vụ phải bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Trao đổi về nội dung này, LS Trương Thanh Đức cho rằng: "Trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đây lẽ ra chỉ cần làm mỗi động tác đơn giản là tuyên bố Thông tư 20 hết hiệu lực. Mà thực tế, nói căng ra thì Thông tư 20 phải hết từ lúc ban hành do trái luật Doanh nghiệp, Đầu tư… Báo cáo của Bộ Công Thương không cho thấy bất cứ tiến triển nào khi không thừa nhận Thông tư 20 là điều kiện kinh doanh, không thừa nhận sai, vẫn đề xuất giữ nguyên nhưng lại đẩy trách nhiệm sang Bộ khác."
"Bộ Công Thương còn lèo lái thêm quy định về bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Tuy nhiên, điều kiện đó ảnh hưởng gì đến thiên hạ? Nếu vậy, sửa chữa quạt điện, nồi cơm điện cũng phải bảo hành chính hãng? Điểm đó phải bỏ. Vì ở đây, người mở gara ô tô sữa chữa có "sống" được hay không thì phải do khách hàng, thị trường quyết định chứ không phải là do quy định,cơ quan quản lý quyết định", ông Đức nói.
Một vị chuyên gia cũng nhìn nhận: “Người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua 1 cái ô tô, họ sẽ biết phải tìm hiểu chế độ bảo hành của hãng ra sao, khi xe hỏng thì mang đi sửa ở đâu tốt và thuận tiện nhất. Điều này không cần Bộ Công Thương phải đứng ra lo hộ. Thêm vào đó, trong trường hợp bỏ Thông tư 20, doanh nghiệp nhập khẩu không cần uỷ quyền nhưng việc yêu cầu phải có bảo hành, bảo dưỡng chính hãng thì có khác gì không bỏ? Liệu có doanh nghiệp được uỷ quyền nhập khẩu chính hãng nào chịu đứng ra bảo hành, bảo dưỡng cho xe mình không phân phối chính thức không?"
Về phía doanh nghiệp, trước quy định trên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại. Đại diện một đơn vị chuyên kinh doanh ô tô cho rằng, theo như đề xuất của Bộ Công Thương, tất cả xe ô tô phải được bảo dưỡng, bảo hành, sữa chữa tại cửa hàng chính hãng hoặc cửa hàng được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép. Như vậy, vô hình chung "ép" các cửa hàng sửa chữa ô tô, gara ô tô tư nhân phải đóng cửa.
Trao đổi với báo chí, giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe khác thì cho rằng, nên tách bạch 2 vấn đề về bảo hành và bảo dưỡng. Cụ thể, bảo hành là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, được công khai và Bộ Công Thương quản lý. Còn bảo dưỡng thì cơ quan quản lý hãy để người tiêu dùng quyết định nên chọn nơi nào.
Phương Dung