Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Con người đã đạt tới tuổi thọ tối đa

Con người đã đạt tới tuổi thọ tối đa
Độ tuổi trung bình của những người trên 110 tuổi đã không tăng lên trong gần 50 năm qua. Một nghiên cứu mới được công bố bởi các nhà nghiên cứu y học của trường Albert Einstein cho biết, có thể tuổi thọ của con người không thể kéo dài hơn nữa vì những người già nhất trong lịch sử đã đạt độ tuổi tối đa.

Từ thế kỷ 19, tuổi thọ trung bình của con người gần như tăng lên liên tục nhờ vào các cải tiến trong y tế công cộng, chế độ ăn uống, môi trường và các lĩnh vực khác. Ví dụ, trẻ em Mỹ sinh ra hiện nay có thể có tuổi thọ trung bình là 79 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của những người sinh ra trong năm 1900 là 47 tuổi. Kể từ những năm 1970, thời gian sống dài nhất – tuổi thọ của những người sống lâu nhất – cũng đã tăng lên. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học ở trường Einstein, đồ thị hình vòng cung hướng lên của tuổi thọ tối đa này cũng có mức trần – và chúng ta đã chạm tới mức trần đó.

Theo tác giả chính của nghiên cứu này - Jan Vijg là Tiến sĩ, giáo sư và là chủ nhiệm về di truyền học, giáo sư nhãn khoa và khoa học hình ảnh tại trường Einstein - cho biết “các nhà nhân khẩu học, cũng như các nhà sinh học tranh luận rằng không có lý do gì để nghĩ rằng sự gia tăng mức tuổi thọ tối đa sẽ sớm đến hạn. Thế nhưng dữ liệu đã cho thấy một cách rõ ràng rằng tuổi thọ của con người đã đạt mức tối đa từ những năm 1990”.

Tiến sĩ Vijg và các đồng nghiệp đã phân tích những dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu về Tỷ lệ tử vong của con người, trong đó chứa dữ liệu về tử suất và dân số của hơn 40 quốc gia. Từ năm 1990, nhìn chung những nước này đã cho thấy một sự suy giảm về tỷ lệ sống thọ: tỷ lệ của mỗi nhóm sinh (ví dụ như những người sinh ra trong 1 năm cụ thể nào đó) có thể sống sót đến già (được xác định là từ 70 tuổi trở lên) tăng lên theo thời điểm năm dương lịch mà họ sinh ra, cho thấy xu hướng gia tăng liên tục của tuổi thọ trung bình.

Thế nhưng, khi các nhà nghiên cứu xem xét về số gia tăng của những người từ 100 tuổi trở lên từ năm 1990 thì lại thấy rằng độ tuổi cao nhất là khoảng 100 tuổi và số người sống sau độ tuổi đó đang suy giảm nhanh chóng – bất kể là họ được sinh ra trong năm nào. Theo tiến sĩ Vijg, “phát hiện này đã cho thấy sự suy giảm số người sống thọ và tuổi thọ của con người có thể có giới hạn”

Sau đó, ông và các đồng nghiệp của mình đã xem xét dữ liệu về “báo cáo độ tuổi cao nhất khi tử vong” từ Cơ sở dữ liệu Quốc tế về Trường sinh. Họ đã tập trung vào những người được xác nhận là đã sống tới 110 tuổi hoặc già hơn từ năm 1968 – 2006 ở 4 quốc gia là Mỹ, Pháp, Nhật và Anh cùng với độ tuổi già nhất. Tuổi thọ lúc qua đời của những người sống trên trăm tuổi tăng lên nhanh chóng từ 1970 – 1990 nhưng đã đạt đến trạng thái bình ổn vào khoảng năm 1995 – đây tiếp tục là một minh chứng cho giới hạn về tuổi thọ. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, trạng thái bình ổn này xảy ra xung quanh thời điểm năm 1997 – năm mà người phụ nữ sống thọ nhất trên thế giới là bà Jeanne Calment (người Pháp) qua đời.

Các nhà nghiên cứu dường như cũng đã phớt lờ về 1 người đàn ông Indonesia tên là Mbah Gotho tuyên bố rằng mình 145 tuổi, mặc dù các giấy tờ chứng minh cho thấy ông này sinh năm 1870.

Sử dụng dữ liệu được báo cáo về độ tuổi tử vong của những người sống thọ nhất, các nhà nghiên cứu của trường Einstein đã đặt độ tuổi tối đa trung bình của con người là 115 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng đã tính toán rằng con số 125 là giới hạn tuyệt đối về tuổi thọ của con người. Nói theo cách khác, điều này có nghĩa là xác suất bắt gặp 1 người sống lâu hơn 125 tuổi là 10.000 năm/lần.

Tiến sĩ Vijg cho rằng “Những tiến bộ sau này chống lại các bệnh truyền nhiễm và mãn tính có thể tiếp tục gia tăng tuổi thọ trung bình, nhưng không tăng được tuổi thọ tối đa. Trong khi đó, có thể tưởng tượng rằng các bước đột phá trong điều trị có thể sẽ kéo dài tuổi thọ của con người vượt quá giới hạn mà các nhà nghiên cứu đã tính toán, nhưng những tiến bộ như vậy cần phải áp đảo được các biến thể di truyền xác định chung về tuổi thọ con người. Có lẽ, thay vì sử dụng các nguồn lực để làm gia tăng tuổi thọ như hiện nay, thì nên dùng chúng để kéo dài khoảng thời gian khỏe mạnh – quãng thời gian mà những người già vẫn có được điều kiện sức khỏe tốt.”

Còn giáo sư Jay Plshansky từ Trường y tế cộng đồng của Đại học Illinois, thì cho rằng “hiện nay, độ tuổi tử vong tập trung ở những người từ 65-95 tuổi. Tuy nhiên, nếu như không có những đột phá tiếp theo trong y sinh học, thì tuổi thọ sẽ không thể tăng thêm nhiều, và vì thế trong tương lai số người trường thọ sẽ giảm xuống”.

Anh Thư(Tổng hợp)

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây