Chủ tịch nước: Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Singapore
- Thứ ba - 30/08/2016 12:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 29/8/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hoà Singagore. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Singapore S. Iswaran nhấn mạnh về tầm quan trọng của thương mại và đầu tư giữa hai nước. Các nhà đầu tư luôn theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam, và đã nhận thấy những tín hiệu tích cực từ Việt Nam. Việt Nam đang có những bước đi cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những ưu tiên của nền kinh tế Việt Nam đáp ứng được ưu tiên của nền kinh tế Singapore. Các nhà đầu tư đánh giá cao cam kết của Nhà nước Việt Nam về đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Singapore rất hào hứng trước những quyết định về chính sách ở Việt Nam.
Bộ trưởng S. Iswaran kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tận dụng những cơ hội mới về thương mại, đầu tư để có mối quan hệ, có những dự án hợp tác thực chất. Singapore luôn là đối tác có cam kết mạnh mẽ đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Các khu công nghiệp VSIP do Tập đoàn Sembcorp đầu tư tại Việt Nam trong 20 năm qua chính là biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nền kinh tế. Việt Nam hiện đang trong quá trình đô thị hóa, còn Singapore có nhiều kinh nghiệm và hiện đã có nhiều công ty của Singapore tham gia vào lĩnh vực này ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam và Singapore cần phát huy những thành quả hợp tác trong những năm qua, tiến tới chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng, phương thức và lĩnh vực hợp tác cụ thể với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tối đa hóa thế mạnh của mỗi nước, cùng nhau tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp của cả hai nước cần định hướng hợp tác với tầm nhìn dài hạn, xem như là khuôn khổ hành lang vững chắc để quyết định đầu tư những dự án phù hợp, hiệu quả.
Chào mừng các doanh nghiệp hai nước tới tham dự Diễn đàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo một số nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, định hướng và mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới. Chủ tịch nước nêu rõ qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với GDP bình quân đầu người hiện nay đạt khoảng 2.100 USD, quy mô nền kinh tế hơn 200 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng gần 6,7%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thời gian tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với trước đây. Việt Nam kiên trì mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ công cuộc đổi mới của Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore có mặt tại Việt Nam từ rất sớm và tích cực tham gia vào các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Singapore là đối tác lớn của Việt Nam trong ASEAN về các lĩnh vực thương mại, du lịch, vận tải quốc tế, giáo dục, đào tạo, y tế...; là đối tác đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam với 1.664 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 38 tỷ USD trong đó, các khu công nghiệp VSIP là mô hình thành công kiểu mẫu trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Singapore cũng là sự lựa chọn ưu tiên cho du học sinh Việt Nam tại các cấp học từ trung học phổ thông đến đại học và sau đại học... Trải qua hơn bốn thập niên chung sức, hai nước đã nâng tâm quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược từ năm 2013. Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn trân trọng, đánh giá cao, bày tỏ tri ân đối với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và các thế hệ lãnh đạo Singapore đã có những đóng góp to lớn trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Singapore lên tầm cao mới tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước. Trong đó, về đầu tư, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin, sinh học, môi trường, phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức Quan hệ Đối tác Công - Tư (PPP), tài chính - ngân hàng, du lịch - dịch vụ chất lượng cao, logistics, y tế, giáo dục, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hàng hải và thiết bị ngoài khơi, tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp Singapore tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.
Về thương mại, Chủ tịch nước cho rằng, với việc hình thành ASEAN và triển vọng triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam và Singapore hoàn toàn có khả năng nâng quy mô xuất nhập khẩu song phương lên mức gấp đôi trong tương lai, theo hướng cân bằng cán cân thương mại. Việt Nam hoan nghênh Singapore mở cửa thị trường đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng tiêu dùng, điện tử và linh kiện đến với người tiêu dùng Singapore.
Về du lịch, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn nâng quy mô khách du lịch giữa hai nước đạt mức 1 triệu người/năm trong thời gian sớm nhất; mở các tuyến bay thương mại từ sân bay Changgi của Singapore đến các điểm du lịch của Việt Nam. Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh, nhiều điểm đến hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế, cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Singapore. Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Singapore và tin tưởng rằng vào thành công của các nhà đầu tư Singapore trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Sau bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Liên đoàn doanh nghiệp Singapore đã tổ chức đối thoại về các vấn đề mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư Singapore quan tâm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác - đầu tư về giáo dục, tác động của tình hình thế giới đối với hoạt động thương mại của Việt Nam với các nước...
Tại Diễn đàn doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn doanh nghiệp Singapore đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác; Ngân hàng Vietcombank của Việt Nam và Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) ký Thỏa thuận ghi nhớ về việc GIC mua 7,73% cổ phần trên toàn bộ cổ phần của Vietcombank.
Cũng trong chiều 29/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp ông Wong Kan Seng, Chủ tịch tập đoàn Ascendas-Singbridge; ông Tang Kin Fei, Chủ tịch tập đoàn Sembcorp.
Đức Dũng
TTXVN