Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chống chuyển giá: Mỹ mất 7 năm, Việt Nam cần… 7 tháng?

Chống chuyển giá: Mỹ mất 7 năm, Việt Nam cần… 7 tháng?
Nói về nhiệm vụ phải soạn thảo xong Nghị định về chống trốn thuế, chuyển giá trình Chính phủ vào tháng 11 tới, cả lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính đều phải thừa nhận, đây là một lĩnh vực khó và phức tạp. Trong khi luật sư ở Mỹ phải mất 7 năm để kết luận được một vụ chuyển giá thì đến nay Bộ Tài chính chỉ còn 3 trong tổng thời gian 7 tháng được giao để hoàn thiện.

Trong phiên làm việc sáng nay (26/8) của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính, qua kiểm tra, rà soát cho thấy có 5 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính được giao nhưng chưa hoàn thành. Trong đó có việc soạn thảo, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng (Chính phủ giao cuối tháng 4, thời hạn xử lý vào 30/6).

Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng nghị định cần đánh giá, tổng kết, thành lập ban soạn thảo, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Bộ Tài chính đã có công văn gửi 9 bộ và 5 ủy ban nhân dân các địa phương liên quan tập trung nhiều doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, dễ xảy ra chuyển giá, song tới nay vẫn còn Bộ Khoa học và Công nghệ và Đà Nẵng chưa cử người tham gia ban soạn thảo. Dự kiến, ngay trong hôm nay, Bộ Tài chính sẽ trao đổi và yêu cầu các cơ quan này cử người tham gia soạn thảo nghị định, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo trước thời hạn đã được điều chỉnh là vào tháng 11/2016.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (phải) tại cuộc họp sáng 26/8 (ảnh: BD)

Phát biểu tại cuộc họp, phía Văn phòng Chính phủ đánh giá, liên quan đến chống chuyển giá trốn thuế là nội dung rất phức tạp, nhất là chuyển giá, các quy định pháp luật từ trước đến nay trong lĩnh vực này đều không hiệu quả.

“Ở Mỹ, các luật sư để xác định một trường hợp chuyển giá phải nghiên cứu, theo dõi tới 7 năm trời. Trong khi, để xây dựng, soạn thảo Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, thời gian giao cho Bộ Tài chính là rất ngắn nên cũng cần thận trọng và rà soát kỹ. Phải cố gắng làm cho kịp thời hạn, nhưng tôi cho là nhiệm vụ khó khăn”, vị này cho hay.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói vui rằng: “Nếu làm tốt được thì người Mỹ có lẽ phải sang học”, qua đó cho thấy, việc hoàn thành dự thảo nghị định trong tháng 11 tới là một sức ép lớn với Bộ Tài chính.

“Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp và nan giải. Ở đâu cũng nói tới chuyện công ty mẹ, công ty con chuyển giá nhưng để xác định được là rất khó vì việc chuyển giá được thực hiện trong một hệ thống khép kín. Để xác định giá trong nước, giá nước ngoài như thế nào là việc không hề đơn giản”, ông Mai Tiến Dũng nhìn nhận.

Người phát ngôn Chính phủ cũng chia sẻ rằng, khi xuống địa phương mặc dù luôn đưa ra chỉ đạo phải chống chuyển giá nhưng rất khó có cơ sở để kết luận một doanh nghiệp là đang thực hiện chuyển giá. Đối với doanh nghiệp trong nước đã khó kiểm soát thì với doanh nghiệp FDI càng khó kiểm soát. Tình trạng này dẫn đến thất thoát thuế là một vấn đề lớn, cần quan tâm để có biện pháp xử lý mạnh tay.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế là cần thiết nhưng không đơn giản vì liên quan nhiều công đoạn trong một quy trình, từ cấp phép đầu tư (liên quan đến ngành đầu tư) cho đến quản lý hải quan, thuế.

“Từ ngay khâu đầu tư, đưa thiết bị vào giá có 100 tỷ thì khai 200 tỷ rồi hạch toán khấu hao hết 200 tỷ, đó là chuyển giá. Trong quá trình sản xuất kinh doanh thì nâng giá đầu vào, hạ giá đầu ra, mua vào đắt, bán ra rẻ cũng là chuyển giá”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cắt nghĩa.

Đề cập đến một số trường hợp đấu tranh chống thất thu thuế từ một số thương vụ chuyển nhượng gần đây tổng giá trị thu về lên tới xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ Tài chính phải trải qua một quá trình đấu tranh hết sức phức tạp, trong bối cảnh khung khổ pháp lý chưa rõ ràng, nhận thức trong nội bộ chưa thống nhất.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thuận lợi là hiện tại cũng đã có Thông tư 66 có quy định về hoạt động chống chuyển giá, có thể có những quy định tích cực để nâng cấp lên thành nghị định. Ngoài ra, vừa rồi, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn chống chuyển giá, xói mòn thuế của G20, là những căn cứ để thực hiện chống chuyển giá thuận lợi hơn trên thực tế.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, trong việc chống chuyển giá nhất là tại những doanh nghiệp sản xuất có nhập linh kiện từ nước ngoài, nếu nhập từ các quốc gia G7 thì rất dễ dàng, nhưng nếu nhập từ những quốc gia khác như Trung Quốc (chẳng hạn trường hợp Formosa) thì rất khó phối hợp.

Góp ý cho ngành tài chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kể lại, thời kỳ ông còn làm lãnh đạo tỉnh Hà Nam, năm 2010, mặc dù một công ty của Nhật Bản báo lỗ xấp xỉ 100 tỷ đồng mặc dù nhận ưu đãi lớn. Ông Dũng lúc đó đã yêu cầu gặp Giám đốc của công ty này, cương quyết rằng, theo đề nghị của người dân địa phương, nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả cần trả lại đất để người dân canh tác. Sau đó, tình hình báo cáo của công ty đó đã được cải thiện.

Báo cáo với Tổ công tác, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết, theo thời hạn được Chính phủ giao, trước 30/11, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành dự thảo nghị định, song theo ông Dũng, với tính chất phức tạp của vấn đề, nghị định chỉ có thể đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc, còn quan trọng là quá trình điều hành.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây