Chiến sỹ sống sót sau vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc giờ ra sao?
- Chủ nhật - 21/08/2016 02:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lặng thầm nước mắt người mẹ
Nở nụ cười rạng rỡ, bà Trịnh Thị Đông (mẹ anh Đinh Văn Dương) chia sẻ: “Đến thời điểm này, Dương phục hồi khá tốt, chữa khỏi đến 99% rồi, mừng lắm, chứ giai đoạn đầu 1% sự sống cũng vẫn còn quá mong manh”. Ngồi trong phòng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, bà Đông nhẩm tính, vậy là đã hai năm một tháng, Dương bám trụ trong viện. Cũng từng đấy thời gian bà không rời Dương nửa bước. Gia cảnh neo người, nên bà là người đồng hành với con trai ngay từ những ngày đầu tiên nhập viện.
Với bà Đông, những ngày tháng gian khó nhất cùng con chiến đấu để giành lại sự sống vẫn như mới ngày hôm qua. 105 ngày nằm trong phòng cấp cứu chiến đấu với thần chết, đã có đến ba lần tim Dương ngừng đập. Hai lần đầu, anh nhanh chóng được các bác sĩ “níu giữ” tính mạng, nhưng đến lần thứ ba thì dường như đành phó mặc cho số mệnh vì mọi nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ cũng như việc áp dụng phương pháp hiện đại nhất cũng bất thành. Lúc đó, le lói hi vọng về sự sống của Dương cũng không còn, gia đình và đồng đội đã sẵn sàng đối mặt với tin xấu nhất. Có lúc tim anh đã ngừng đập nhưng các bác sỹ Viện Bỏng Quốc gia vẫn quyết định để máy thở.
“Như có phép màu vậy, sau một đêm Dương hồi sinh nhịp đập trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người”, nước mắt chực trào, bà Đông nhớ lại.
Trung úy Đinh Văn Dương tập đi
Trong suốt câu chuyện về quá trình chăm sóc Dương, bà Đông luôn dí dỏm “pha trò”, chính sự lạc quan của bà giúp nguôi ngoai nỗi đau về thể xác mà Dương phải gánh chịu sau tai nạn. “Ngày đó, khi Dương bị nhiễm khuẩn nặng, nhiều phần cơ thể buộc phải cắt bỏ, trong đó có tháo khớp gối và 10 đầu ngón. Cả cánh tay và phần đùi buộc phải nạo đi phần hoại tử chỉ trơ gân với xương, khuôn mặt biến dạng đi nhiều, lúc đó cô cũng nghĩ làm sao mà phục hồi nổi!”, bà Đông chia sẻ.
Hai năm, một tháng nằm điều trị trong viện, chiến sĩ Đinh Văn Dương đã trải qua 23 ca phẫu thuật lớn nhỏ để giữ lại mạng sống. Ca phẫu thuật gần nhất cách đây chừng hai tháng anh được các bác sĩ chỉnh lại mí mắt và miệng, phần tai và mũi sẽ còn tiếp tục được phẫu thuật chỉnh hình. Tới thời điểm này, anh Dương không còn phải điều trị bằng thuốc mà đang tập luyện phục hồi chức năng, chờ những cuộc phẫu thuật tiếp theo cũng như lắp một đôi chân giả mới. Nhìn con trai chuyển biến từng ngày, người mẹ cũng dần nguôi đi những giọt nước mắt thầm lặng rơi ở góc khuất nào đó trong viện với lời cầu nguyện: “Mong con mau chóng bình phục!”.
Ba tháng tập đứng và ước mơ đôi chân tốt
Nhắc đến vợ con, đôi mắt anh Dương lại sáng lên, bằng cùi tay anh vuốt vội trên chiếc ipad khoe ảnh hai đứa con của mình. Suốt hai năm ròng nằm điều trị trong viện, anh chưa một ngày được về nhà. Cậu con trai thứ hai chào đời khi anh Dương còn đang đối mặt với cửa tử.
Trung úy Đinh Văn Dương cho biết, chỉ thời gian ngắn nữa anh xuất ngũ vì thương tật chiếm tỷ lệ 90%. Sau khi xuất viện, anh sẽ đăng ký về an dưỡng tại Trại Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngày 7/7/2014, trực thăng Mi171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân khi đang thực hiện quá trình bay huấn luyện nhảy dù thì gặp sự cố rơi xuống vườn cây gần khu dân cư tại thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cách Sân bay Hòa Lạc khoảng 3 km. 16 chiến sĩ tử nạn, 5 người nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Trong quá trình điều trị, bốn chiến sĩ cùng chuyến bay huấn luyện không qua khỏi. |
Thoát chết nhưng thân thể và khuôn mặt biến dạng khiến chính anh thấy mặc cảm ít nhiều. Thời gian đầu, chỉ nhìn bố qua những tấm hình mẹ chụp ở viện, lời đầu tiên mà các con anh thốt lên: “Ai mà xấu thế!”. Nhưng rồi, tình máu mủ ruột rà đã rút ngắn dần khoảng cách. Cuối tuần được theo mẹ vào thăm bố, hai nhóc lại sà vào ôm chặt cổ bố. “Có những lúc tưởng muốn buông xuôi tất cả, thì chính tổ ấm nhỏ lại là động lực vực mình dậy, quyết tâm không đầu hàng số phận”, anh Dương chia sẻ.
Hiện tại, anh Dương đã có thể tự đi lại, đây là kết quả vượt cả ngoài sự mong đợi của chính các y, bác sĩ điều trị cho anh. Suốt bốn tháng nằm bệt trên giường bệnh phòng cấp cứu, khi cơ thể ổn định được ra nằm phòng điều trị cũng là lúc anh bắt đầu tập từ tập nằm nghiêng, tập ngồi, tập đứng rồi mới tập đi… Mất ba tháng để tập được nằm nghiêng, ba tháng để tập ngồi, ba tháng tập để có thể đứng vững trên đôi chân giả rồi chập chững từng bước đi đầu tiên.
Nghe thì đơn giản nhưng với một người vừa vượt qua cửa tử, khuyết tật cả đôi chân, bị cụt tận đùi và nhất là không còn đôi tay để nắm giữ như anh Dương mới thấy sự gian khó.
“Đớn đau lắm để có thể luyện tập được nhưng Dương quyết tâm lắm, điều may mắn là thể trạng của Dương phục hồi nhanh, khá tốt. Cứ ngã lại đứng, liêu xiêu thì dựa vào tường, vào mẹ và bạn bè, đồng đội mà đứng. Nhìn con bước lại những bước chân đầu tiên mà gánh nặng trên vai cũng thấy nhẹ đi phần nào”, bà Đông cho hay.
Ngày anh Dương gặp tai nạn là lúc vợ chuẩn bị sinh con. Anh Dương bảo: “Còn nhớ mãi hai ngày thứ bảy, chủ nhật xin phép đơn vị về chơi với vợ con. Hai vợ chồng còn tính, trở lại đơn vị vài ngày rồi nghỉ phép chăm vợ đẻ. Đồ đạc sắp sẵn rồi mà không ngờ sáng hôm sau thì xảy ra tai nạn máy bay rơi”.
“Con sinh ra và lớn lên khi bố vẫn nằm viện. Ngày bố tập đi cũng là lúc cháu trai ở nhà lẫm chẫm bước. Hai bố con đua nhau tập đi mà bố vẫn thua con đấy”, bà Đông nói.
Chỉ vào đôi chân tập dựng nơi cuối giường bệnh, bà Đông cho hay: “Đây là đôi thứ tư, “phá” hết ba đôi và hai chỏm đùi không biết bao lần tướt máu mới đi được đấy”. Trên đôi chân tập đó, anh Dương có thể tự chủ động đi loanh quanh trong khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, vì đôi chân không có phần khớp nên anh Dương không thể ngồi được, mỗi lần đi mỏi thì lại về giường ngồi nghỉ.
“Đến thời điểm này, mình vẫn còn chờ đợi thêm một vài cuộc phẫu thuật nhỏ nữa với mong ước nhất vẫn là có được đôi chân hoàn thiện để chủ động trong cuộc sống”, anh Dương chia sẻ.
Được biết, mọi chí phí thuốc men, chăm sóc và điều trị bệnh của anh đều được bảo hiểm quân đội chi trả, tuy nhiên, theo quy định rất khó có điều kiện lắp đôi chân giả thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày. “Để có được đôi chân tốt, chi phí ước chừng 400 triệu đồng, nhưng theo bảo hiểm chắc là khó”, anh Dương cho hay.
Về phần mình, bà Đông chia sẻ: “Dương bình phục được như hôm nay gia đình đã vô cùng mãn nguyện. Nếu được nhìn Dương vững chãi tự bước đi, lo cho mình trên chính “đôi chân” của mình là điều mong muốn cuối cùng của tôi dành cho con”.