Chi cục Kiểm lâm Yên Bái được trang bị 55 khẩu súng K59
- Thứ sáu - 19/08/2016 13:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi nhận được thông tin về vụ nổ súng có liên quan đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái và nắm tình hình, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) đã báo cáo sự việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn xin ý kiến chỉ đạo.
Theo báo cáo, khoảng 7h45 ngày 18/8, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã dùng súng bắn 2 cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái tại phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái; sau đó ông Minh đã tự sát. Vụ việc đang được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ.
Ngoài ra, nội dung báo cáo còn nói đến số vũ khí và công cụ hỗ trợ mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái được trang bị theo qui định của pháp luật để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, cụ thể gồm: Súng tiểu liên AK: 50 khẩu, Súng K59: 55 khẩu, Súng điện: 4 khẩu, Súng bắn đạn hơi cay, cao su: 118 khẩu, Dùi cui cao su: 79 cái , Dùi cui điện: 98 cái, Bình xịt cay: 91 bình, Còng số 8: 83 bộ, Áo chống đạn: 38 cái, Mũ chống đập: 38 cái.
Liên quan đến qui định về trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, ông Trương Tất Bạt - Trưởng phòng Tổ chức và Xây dựng lực lượng thuộc Cục Kiểm lâm – cho biết: “Về loại vũ khí và công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng kiểm lâm đều theo quy định của pháp luật. Khi nào được sử dụng cũng như công tác tập huấn sử dụng đều nằm trong các văn bản pháp luật của nhà nước, các quy định đều rất chặt chẽ. Trường hợp như ở Yên Bái là chưa từng có tiền lệ, Cục cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ vụ việc này”.
Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 7h sáng 18/8, trước kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Yên Bái, Bí thư Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Ngọc Tuấn có mặt tại phòng làm việc của 2 ông để chuẩn bị khai mạc kỳ họp.
Lúc này, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Đỗ Cường Minh đẩy cửa vào phòng ông Phạm Duy Cường, rút súng mang theo người bắn vào Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, ông Đỗ Cường Minh đóng cửa phòng ông Cường, quay sang phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, tiếp tục nổ súng vào ông Tuấn.
Ngay sau khi nổ súng vào 2 lãnh đạo tỉnh, Đỗ Cường Minh tự bắn vào đầu mình tự sát. Cả nạn nhân và nghi phạm đều được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để tiến hành cấp cứu. Do vết thương quá nặng, cả 3 đều tử vong.
Mặc dù người gây án đã chết nhưng Công an tỉnh Yên Bái vẫn ra quyết định khởi tố vụ án giết người để điều tra, xác minh động cơ gây án và các vấn đề liên quan đến vụ việc.
Kiểm lâm được trang bị, sử dụng súng thế nào?
Theo Nghị định 25/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng gồm súng ngắn, súng tiểu liên và các loại đạn dùng cho các loại súng này.
Còn theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22-1-2014 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công an Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công vụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, cho thấy kiểm lâm được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và các loại công cụ hỗ trợ khác như dùi cui điện, dùi cui cao su, áo giáp, mũ chống đạn, găng tay bắt dao, khóa số 8, động vật nghiệp vụ.
Còn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui cao su, phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng bắt dao, mũ chống đạn.
Thông tư liên tịch quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hạt Kiểm lâm huyện, quận, thị xã, thành phố, Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kể trên có trách nhiệm giao vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ kiểm lâm có đủ tiêu chuẩn theo quy định để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của pháp luật.
Người đứng đầu các đơn vị có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm giao công cụ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách có đủ tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm đáp ứng điều kiện quy định, được huấn luyện chuyên môn, được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí thì được giao vũ khí. Họ chỉ được sử dụng vũ khí để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép.
Thông tư liên tịch này cũng quy định, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản tập trung tại kho của đơn vị, giao nhận vũ khí phải có sổ sách. Cán bộ kiểm lâm được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vũ khí, khi kết thúc nhiệm vụ, hết thời hạn được giao, thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu…, phải bàn giao vũ khí cho cơ quan.
Quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, thông tư liên tịch này quy định người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Điều 9 Nghị định 25/2012/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khi khi thi hành công vụ.
Nguyễn Dương