Bão Thần Sét đã đổ bộ vào Hải Phòng - Thái Bình
- Thứ sáu - 19/08/2016 07:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn thông báo, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, Hà Nội có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 200 mm. Dự báo ngày 19/8, gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 8.
Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp, theo dõi diễn biến mưa bão; chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên khi xảy ra mưa bão.
Hiệu trưởng các trường căn cứ nhu cầu và điều kiện của phụ huynh, học sinh để quyết định cho các em nghỉ học hay đến trường.
Phụ huynh đội mưa đón con từ trường mầm non về nhà
15h40: Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), bão số 3 đang gây mưa to tại khu vực. Sức gió đang mạnh cấp 7, cấp 8 đã làm gãy, đổ hơn 3.000 cây xanh.
Sức gió đang mạnh cấp 7, cấp 8 đã làm gãy, đổ hơn 3.000 cây xanh. Ảnh Hữu Việt/Báo Quảng Ninh.
15h30: Ông Lê Khắc Nam – Phó CT UBND tỉnh Hải Phòng cho biết, thời tiết ở Hải Phòng đang có mưa vừa, mưa to, gió giật cấp 6-7.Ông Nam nhận định: “Khả năng tâm bão không đổ bộ vào Hải Phòng mà đi xuống các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Do ảnh hưởng của bão, một số vùng ở Hải Phòng đã bị ngập úng cục bộ, nhiều cây xanh bị gãy đổ nhưng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Các phương án ứng phó với bão vẫn đang được triển khai quyết liệt và sát sao”.
Nhiều tuyến đường ở Hải Phòng bị ngập cục bộ. Ảnh báo Hải Phòng
15h: Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay, hiện tại trên địa bàn có mưa lớn, tuy nhiên gió không mạnh.
“Hiện tại các lực lượng đã sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ, cứu hộ cứu nạn. Nếu bão đổ bộ vào tầm 17 giờ sẽ rất đáng lo bởi vì lúc đó chiều cường lên cao, nhiều đoạn đê xung yếu có khả năng bị vỡ, hoa màu ảnh hưởng. Hiện tại, chưa ghi nhận thiệt hại do bão gây ra”
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 14 giờ hôm nay (19/8), bão số 3 – Thần Sét đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Đến 1 giờ ngày 20/8, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.
14h50: Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, hiện tại trên địa bàn đang có mưa lớn, gió giật mạnh. Mọi công tác di dân đã hoàn tất trong ngày 18/8. Lực lượng quân đội, dân quân đang đã có mặt tại các vị trí sung yếu, ứng phó giúp dân khi bão đổ bộ.Nước biển đang tiếp tục dâng lên và khả năng gây ngập sâu một mét cho khu vực ven biển. Nhiều ki-ốt ven biển Quất Lâm đã bị gió cuốn bay mái.
Công nhân điện lực Đông Triều đang kiểm tra, khắc phục sự cố mất điện. Ảnh Hoàng Nga/Báo Quảng Ninh
14h15: Thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, 12/14 huyện trong tỉnh đã bị mất điện. Nghiêm trọng nhất là huyện Cô Tô, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.
Những địa phương còn lại bị mất điện ở một số khu vực nhỏ lẻ.
Nguyên nhân chính được xác định là khi cơn bão số 3 tiến sát gần bờ, các địa phương đều bị ảnh hưởng bởi sấm sét, mưa lớn, dẫn đến nhiều đường dây trung áp gặp sự cố.
1h15: Thông tin mới nhất, theo thống kê ban đầu của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), đã có 2 nhà bị tốc mái ở xã Đồng Rui và Phong Dụ; đổ 1 trạm biến áp, 3 cột điện viễn thông. Nhiều cây xanh và hoa mầu bị gió lớn quật đổ, gãy. Huyện đã tổ chức di dời khẩn cấp 37 hộ dân với 137 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn, yêu cầu chủ các đầm nuôi thủy sản, chủ các phương tiện thủy sơ tán người lên bờ.
Cây xanh bị gió lớn quật đổ. Ảnh Đỗ Phương/Báo Quảng Ninh
Biển quảng cáo cỡ lớn cũng bị gãy đổ ở Tiên Yên. Ảnh Đỗ Phương/Báo Quảng Ninh
Bão số 3 đã bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh – Ninh Bình. Ảnh báo Quảng Ninh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 11h sáng nay (19/8), tâm bão số 3 (Thần Sét) ở cách bờ biển Hải Phòng-Ninh Bình khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11-13.
Bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, gây mưa to cho các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng cao, ngập úng ở vùng trũng.
Đến khoảng 14 giờ, bão sẽ đổ bộ vào các vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-13. Biển động mạnh.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, tính đến 17 giờ ngày 18/8, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán 37.643 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 21 giờ tối 18/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với ngành thủy sản, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.539 phương tiện, lồng bè, lều chòi với tổng số 128.545 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Các phương tiện và ngư dân đã vào bờ tránh bão an toàn, không còn phương tiện của ngư dân đang hoạt động trên biển từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc. Có 34.236 phương tiện đã neo đậu tại bến.
Toàn bộ 5.142 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 6.282 người ở khu vực các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã di dời vào bờ.
Đại diện Văn Phòng Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động trên 183.400 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó tại các địa phương, 4 máy bay trực thăng, 107 tàu, nhiều ca nô, xe ô tô, xe lội nước để ứng cứu khi bão Thần Sét đổ bộ.
Hải Phòng: Từ 17 giờ ngày 18/8, tổ chức kêu gọi và bố trí chỗ neo đậu an toàn cho 2.568 phương tiện với 7.744 lao động, 494 lồng bè với 951 lao động, 179 chòi với 231 lao động.
Việc sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm đã thực hiện xong 9 giờ ngày 19/8. Thành phố cũng yêu cầu ngành giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Trao đổi với phóng viên lúc 11h trưa nay, ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện đang có mưa to, gió cấp 6. Đến 18h ngày 18/8, đơn đơn vị đã di dời hơn 200 hộ dân ở các vùng thấp, nơi nguy hiểm lên các nhà dân, địa điểm an toàn.
Từ sáng 18/8, đơn vị cũng cấm tàu thuyền ra khơi. Gần 1.000 tàu các loại đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
“Hiện tại chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng bao gồm lãnh đạo, quân đội, dân quân sẵn sàng chủ động ứng phó khi bão đổ bộ. Đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện huyện cũng được huy động trực 24h/24, ứng cứu người dân khi gặp sự cố”, ông Nghĩa thông tin.
Quảng Ninh: Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, từ sáng 19/8, trên địa bàn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã có mưa to, lượng mưa đo được là 59mm; gió giật cấp 6,7.
Bắt đầu 8h sáng 19/8, đơn vị quản lý cầu Bãi Cháy đã cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông trên cầu. Công ty TNHH MTV quản lý cầu phà Quảng Ninh đã bố trí ô tô chở người và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn.
Đến 10 giờ 30 ngày 19/8, toàn bộ 1.398 tàu, thuyền của bà con ngư dân đã vào bờ an toàn; 890 đò máy trên sông Ka Long và toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn không bị chìm, đắm.
Từ sáng sớm ngày 19/8, tai khu vực Bến Do (Cẩm Phả) đã có gió cấp 8: Ảnh Báo Quảng Ninh
Theo Báo Quảng Ninh, tính đến 11h ngày 19/8, tại TP. Móng Cái đã có 1 nhà tại khu Hồng Phong, phường Ninh Dương bị tốc mái; 14 cây xanh bị đổ nghiêng (phường Trần Phú 10 cây, xã Vĩnh Thực 1 cây; Hòa Lạc 3);
4 cây cột điện hạ thế bị nghiêng, đổ tại Vĩnh Thực; một số xã, phường bị mất điện (Ka Long, Vĩnh Trung, Hải Yên); tại khu vực Bến xe phường Ka Long bị ngập cục bộ.
Phường Ka Long đã di chuyển 7 hộ dân tại khu 6, 7 (gồm 25 khẩu) đến nhà văn hóa khu 6,7 và nhà dân liền kề; Phường Ninh Dương di dời 4 hộ có nhà xung yếu với 14 nhân khẩu tại khu Hồng Phong về các hộ có nhà ở chắc chắn bên cạnh.
Thái Bình: Đến 16 giờ ngày 18/8, 2.923 tàu thuyền cùng 3.540 lao động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. 100% chòi ngao không còn lao động ở đó. Di dời hơn 10.000 người dân ngoài đê chính vào trong bờ tránh bão, đồng thời di chuyển hơn 13.000 người dân ở các chòi yếu tới nơi an toàn.
Nam Định: Đến 17 giờ chiều 18/8, 2.034 tàu thuyền với khoảng 5.128 lao động, 100% đã về bờ neo đậu. 732 lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với khoảng 880 lao động cũng đã về nơi trú ẩn an toàn.
Tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn
Ngoài ra, hơn 2.100 hộ dân sống ở ven sông, cửa biển với khoảng 5.500 người đang bắt đầu công tác di dời. Theo chủ tịch tỉnh Nam Định, công tác di dân đã hoàn thành trước 10 giờ sáng nay(19/8).
Người dân Nam Định chuẩn bị ứng phó với bão số 3
Ninh Bình: Tính đến 18h, tỉnh đã kêu gọi được 126 tàu với 374 ngư dân đang hoạt động ven biển khu vực Ninh Bình – Thanh Hóa về nơi neo đậu; tất cả 366 lao động khai thác, nuôi, trồng thuỷ, hải sản ở bãi bồi ven biển đã di dời vào khu vực an toàn.
Huyện Kim Sơn đã tổ chức di dân từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III. Huyện Yên Mô, Nho Quan di dời xong các hộ dân trong lòng hồ Yên Đồng và hồ Thường Xung, Quèn Thạch.
Địa phương tổ chức tuần tra, canh gác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Từ 19h ngày 18/8, tất cả các tuyến đò ngang, đò dọc trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động.
Vận hành 39 trạm bơm, các cống dưới đê, cống tiêu nước trong hồ. Tổ chức chằng chống các cột điện. Các trụ sở cơ quan, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân,…tổ chức cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn, an ninh.