Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Băn khoăn với quy định “dạy thêm trên cơ sở học sinh tự nguyện”

Băn khoăn với quy định “dạy thêm trên cơ sở học sinh tự nguyện”
Dạy thêm, học thêm từ lúc nào đã thành một vấn nạn của xã hội khi những tiêu cực, biến tướng của nó làm bao người nhức nhối. Thú thật, phụ huynh chưa kịp mừng với lệnh cấm dạy - học thêm trong trường học ở TPHCM thì giờ đây thật sự bất an với chủ trương cho phép các trường dạy thêm trên cơ sở học sinh tự nguyện.

Dạy thêm không hẳn là xấu. Điều đó là tất nhiên. Các lớp học thêm thật sự cần thiết cho những học sinh yếu củng cố, ôn luyện kiến thức để theo kịp chương trình chính khóa. Nó càng cần cho những em khá giỏi học nâng cao, chuyên sâu phục vụ các kì thi chuyển cấp vào trường chuyên lớp chọn. Đôi khi, nó còn là cứu cánh đắc lực thay phụ huynh giữ trẻ, trông trẻ, giúp trẻ tránh xa các trò chơi vô bổ.

Vấn đề đặt ra là các cấp quản lí giáo dục không quản nổi những hành vi tiêu cực của một bộ phận giáo viên. Việc giáo viên lôi kéo, gạ gẫm học sinh đi học thêm là một thực tế. Tình trạng “găm” bài, dạy chính khóa sơ sài và nhiệt tình quá mức trong lớp học thêm là một thực tế. Dùng chiêu trò “gạ” đề kiểm tra, “gạ” điểm số để giữ chân học sinh là một thực tế. Sự phân biệt đối xử, o ép những em không tham gia lớp học thêm là một thực tế… Chúng ta không “vơ đũa cả nắm” nhưng những “con sâu” này không phải là ít. Tích trữ từng chút một, những tiêu cực trong dạy - học thêm đẩy sự bất mãn trong dư luận lên cao.

Hệ quả đáng buồn của việc dạy thêm tràn lan như hiện nay là gì? Cả xã hội mệt mỏi chạy theo trào lưu học thêm. Những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi bơ phờ với lịch học thêm dày đặc. Tư duy sáng tạo, năng lực tự học dần dần bị triệt tiêu nhường chỗ cho việc “cày” trước chương trình với những kiến thức, kỹ năng đã được “mớm” sẵn. Phụ huynh còng lưng “cõng” một khoản chi phí không nhỏ cho việc học thêm của con em. Sự bất bình đẳng giữa những học sinh có và không có điều kiện đi học thêm càng lớn. Tiếng xấu từ một bộ phận giáo viên tiêu cực đổ dồn lên cả đội ngũ nhà giáo.

Ngay khi Thành ủy TPHCM ban hành lệnh cấm dạy thêm trong trường học, nhiều quan điểm trái chiều đã ngay lập tức nổ ra. Lời ủng hộ, đồng tình với lệnh cấm rất nhiều. Và ý kiến phản bác cũng không ít. Ngay sau đó, chính Sở GD&ĐT TPHCM cũng khẳng định sự nóng vội của mình trong việc ban hành lệnh cấm gây xáo trộn xã hội. Và giờ đây, dưới sức ép của dư luận, phải chăng nhà quản lý bắt đầu nhượng bộ khi cho phép các trường dạy thêm trên cơ sở học sinh tự nguyện?

“Tự nguyện” là cơ sở để tổ chức việc dạy thêm trong trường học hữu hiệu, thiết thực. Nhưng “tự nguyện” cũng có thể là lá chắn hữu hiệu cho những bất cập, những góc khuất, những tiêu cực trong dạy thêm ẩn nấp. Ranh giới giữa mặt trái và mặt phải của “tự nguyện” rất mong manh.

Học sinh tự nguyện đăng kí học thêm môn gì, với thầy cô nào. Học sinh được khảo sát, phân chia lớp học dựa trên trình độ học vấn. Nhà trường quản lý và minh bạch chương trình, nội dung, đối tượng, học phí… Nếu tất cả những quy định ấy được thực hiện nhuần nhuyễn sẽ là bước đột phá lớn vừa đáp ứng nhu cầu học thêm trong xã hội vừa giúp giáo viên tăng thêm thu nhập một cách hợp lí và hạn chế các tiêu cực nảy sinh.

Tuy nhiên, “mọi lý thuyết vẫn là màu xám”, còn thực tế mãi là “cây đời xanh tươi”. Lâu nay học sinh vẫn bị ép buộc học thêm dưới danh nghĩa “tự nguyện”. Những tờ giấy kèm chữ kí của phụ huynh có tên “Đơn xin tự nguyện học thêm” vẫn được được phát ra, thu vào đều đặn. Ấy vậy mà tiếng than thở trong học sinh, lời bức xúc trong phụ huynh vẫn vang lên. Vậy nên, song hành với quy định “cởi trói” dạy thêm, cần lắm một kế hoạch tổ chức dạy thêm trong trường học sao cho cụ thể, sát sao, hữu hiệu. Và một vấn đề quan trọng nữa là phát huy sự nhiệt tâm trong mỗi thầy cô giáo khi đứng lớp.

Khi nào chương trình học còn quá tải và cách thức thi cử còn nặng về kiến thức như hiện nay thì học thêm vẫn còn là một nhu cầu có thật của xã hội. Chắc chắn trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục thì việc cải cách chương trình, cải cách thi cử, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa phải được đặt ra để tiến tới chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây