3 việc cần làm ngay sau hỏa hoạn
- Thứ ba - 03/04/2018 11:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hỏa hoạn qua đi sẽ để lại cho mỗi thành viên trong gia đình nhiều lo lắng. 3 điều dưới đây sẽ giúp các nạn nhân nhanh chóng hồi phục về thể chất và tinh thần khi không may gặp sự cố.
Xử lý dư chấn tâm lý
Thật khó để tưởng tượng trong một đêm, bạn hay người thân phải trải qua hàng loạt cung bậc cảm xúc, từ hoảng loạn, sợ hãi tới hồi hộp, lo lắng, thậm chí là tức giận, nuối tiếc. Do đó, xử lý dư chấn tâm lý quan trọng không kém việc hồi phục sức khỏe hay sửa chữa lại đồ đạc.
Hai đối tượng dễ bị tổn thương sau mỗi biến cố là người cao tuổi và trẻ em. Nhiệm vụ của những người xung quanh lúc này là phải cho họ biết mọi thứ đã an toàn và sẽ sớm ổn định.
Tham gia hoạt động yêu thích giúp các thành viên trong gia đình sớm ổn định tâm lý. |
Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh khi bạn chưa thực sự bình tĩnh. Nếu có thể, hãy tránh cập nhật các câu chuyện, hình ảnh tiêu cực hay nội dung thiếu chính xác, vì điều này sẽ gây hoang mang cho các thành viên trong gia đình.
Bạn nên nói về những điều tích cực hoặc tham gia các hoạt động cả gia đình yêu thích. Mỗi người cần một khoảng thời gian phục hồi khác nhau. Do đó, hãy thật kiên trì và dành nhiều thời gian nhất có thể cho gia đình trong giai đoạn này.
Liên hệ công ty bảo hiểm
Thiệt hại phát sinh trong vụ cháy sẽ khiến nạn nhân gặp không ít khó khăn. Với những người có bảo hiểm nhà cửa, tài sản hay sức khỏe, việc vượt qua khó khăn sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa qua, với trách nhiệm là đơn vị bảo hiểm cho các căn hộ tại khu B2 và C, MSIG Việt Nam cùng một số ngân hàng liên quan đã xuống hiện trường chuẩn bị thủ tục, kiểm tra tình hình để sẵn sàng hỗ trợ cho những hộ dân có khả năng bị thiệt hại.
Trong trường hợp đơn vị bảo hiểm chưa kịp biết đến sự cố, việc bạn cần làm là liên hệ ngay với người đại diện sau khi ổn định tinh thần. Điều này sẽ giúp bạn và đơn vị bảo hiểm đánh giá chính xác tình hình thiệt hại, cũng như nhận được sự hỗ trợ sớm như: tìm chỗ ở, hỗ trợ chi phí ở tạm hay viện phí cho những người bị thương.
Rút ra bài học kinh nghiệm
Dù hỏa hoạn xảy ra với bất kỳ nguyên nhân nào, mỗi người cũng cần rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Thứ nhất là an toàn trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài việc phải cẩn thận, các gia đình nên dự trữ những vật dụng giúp ngăn chặn sự cố, tránh để lửa có cơ hội lan rộng. Các phương tiện phòng chống cháy nổ cần thiết gồm: hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy, bình chữa cháy.
Bên cạnh đó, bạn nên chuẩn bị công cụ hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây... và thường xuyên kiểm tra, chú ý các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ như công tắc điện, nơi đặt cầu giao điện.
Bình chữa cháy là dụng cụ phòng, chữa cháy hiệu quả. |
Thứ hai là trang bị kỹ năng thoát hiểm. Ngoài trách nhiệm của chủ tòa nhà, mỗi gia đình cần biết cách thoát hiểm an toàn, tuyệt đối không hành động theo bản năng khi hoảng loạn để tránh dẫn đến các quyết định sai lầm.
Ngoài ra, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đề phòng cháy nổ trong mọi tình huống, cũng như chủ động tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn xử lý sự cố hỏa hoạn... cũng là việc làm cần thiết.