3 giàn cẩu của Formosa mắc kẹt tại Quảng Bình sẽ được đưa về Trung Quốc sửa chữa
- Thứ sáu - 14/10/2016 02:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 13/10, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho biết 3 giàn cẩu của Công ty Formosa Hà Tĩnh trôi dạt vào Quảng Bình và bị mắc kẹt tại đảo Hòn La sau khi trục vớt sẽ được đưa về cảng Đại Liên, Trung Quốc để tiến hành sửa chữa .
Theo ông Tùng, Công ty Hải Vân, đơn vị phụ trách trục vớt sẽ huy động 4 phương tiện tham gia cứu hộ, trong đó có 2 sà lan lớn cùng 2 tàu kéo đến hiện trường tại đảo Hòn La, Quảng Bình, nơi 3 giàn cẩu Formosa Hà Tĩnh bị sóng đánh trôi dạt và mắc kẹt tại đây sau cơn bão số 4.
Theo Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình thì việc trục vớt sẽ tiến hành trong 2 bước. Bước 1 sẽ đưa một sà lan lớn chở thêm cần cẩu 4.000 tấn rồi tiến hành các phương án để cẩu 3 giàn cẩu của Formosa. Khi cứu hộ thành công, chiếc sà lan còn lại sẽ làm nhiệm vụ vận tải 3 giàn cẩu này về cảng Đại Liên, Trung Quốc để hãng sản xuất sửa chữa, phục hồi.
“Việc trục vớt này đã được đơn vị và các bên liên quan chốt phương án và dự định hôm nay sẽ tiến hành trục vớt. Tuy nhiên do thời tiết hôm nay mưa gió nên các bên đã quyết định hoãn việc trục vớt lại, chờ thời điểm thuận lợi sẽ tiến hành cứu hộ. Dự kiến việc trục vớt sẽ kéo dài khoảng nửa tháng” – ông Tùng cho hay.
Như Dân trí đã đưa tin, sau cơn bão số 4, chiếc sà lan chở 3 giàn cẩu khổng lồ của Formosa ở cảng Sơn Dương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị sóng đánh trôi dạt và mắc kẹt lại tại đảo Hòn La, tỉnh Quảng Bình.
Để đề phòng rò rỉ nhiên liệu xuống biển gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan chức năng cùng chủ sở hữu đã hút hết 7.500 lít dầu D.O trong sà lan và 2.000 lít dầu máy cẩu và dầu thủy lực. Chiếc sà lan có dung tích 8.632 GT chở 3 giàn cẩu có thông số kỹ thuật rộng 56,3 m, dài 85,4 m và cao 27,3 m bị đắm, mắc kẹt tại bãi đá sát bờ đảo Hòn La.
Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cùng Đồn biên phòng Roòn (thuộc Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình) nhận định sà lan bị mắc kẹt ở vị trí cạn, không ảnh hưởng đến luồng ra vào của cảng Hòn La. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo nên tiến hành trục vớt sớm để tránh ảnh hưởng hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân mỗi khi tàu thuyền ra vào.
3 giàn cẩu nối trên có tên là Grap-type Ship Unloader, đây là 3 trong số những giàn cẩu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã thuê vận chuyển từ cảng Đại Liên – Trung Quốc về cảng Sơn Dương vào tháng 10/2014.
Trong số 3 giàn cẩu thì có giàn cẩu SU-01 nặng 2.020 tấn, công suất 2.500 tấn/giờ; 2 giàn cẩu còn lại là SU-01, SU-03 nặng 1.100 tấn, công suất 1.600 tấn/giờ. Đây là 3 giàn cẩu hiện đại do Tập đoàn Công nghiệp nặng Đại Liên (Trung Quốc) sản xuất năm 2014, được sử dụng để bốc xếp than và quặng sắt chuyên dụng tại cảng nước sâu Sơn Dương.
Đặng Tài