Trần lãi suất 20%: Có áp dụng đối với mọi loại hình cho vay?
- Thứ hai - 12/09/2016 20:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Về quy định này, dư luận băn khoăn rằng, mức trần lãi suất 20% quy định ở trên có áp dụng cho mọi loại hình cho vay, bao gồm cả cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) hiện đang ở mức cao 30-40% hay không?
Sở dĩ trong dư luận vẫn còn băn khoăn về vấn đề này, là do cho đến thời điểm này cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đển việc thực hiện các quy định được nêu tại Bộ luật Dân sự 2015.
Bà Phạm Quế Anh - Chuyên gia của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết: Đối với lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, các quốc gia trên thế giới hiện xử lý vấn đề này theo hai cách.
“Cách thứ nhất, cho phép thị trường tự do vận hành, Nhà nước không can thiệp vào thị trường. Vì họ cho rằng, khi đã cạnh tranh, các CTTC phải đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất thì người tiêu dùng mới lựa chọn”, bà Quế Anh nói.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có đầy đủ thông tin về mức lãi suất trên thị trường cũng như các quy định của pháp luật trong vay tiêu dùng, như vậy họ có thể bị lợi dụng, bị bóc lột. Vì thế một số quốc gia đã áp dụng thêm cách thứ hai, đó là áp trần lãi suất. Tuy nhiên, trần lãi suất đó được nới tối thiểu là từ 48%-50%, để đảm bảo mức lãi suất không vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng. Và theo kinh nghiệm của tôi, đây là mức tối đa mà các quốc gia thường áp dụng Bà Quế Anh cho biết.
Ở một góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng: Vấn đề còn nằm ở điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Muốn làm rõ nghĩa mệnh đề này, theo tôi, cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành sao cho phù hợp và không trái với Bộ Luật Dân sự.
Trao đổi về mức trần 20%, ông Lực khẳng định: "Áp trần là phi thị trường, phi thực tế và nhiều khi khiến người tiêu dùng khó tiếp cận được tới nguồn vốn tín dụng hơn. Ví dụ, khi mức trần không hấp dẫn, các CTTC và ngân hàng hạn chế cho vay, siết chặt khâu xét duyệt thủ tục hồ sơ, điều này sẽ khiến khả năng tiếp cận với vốn tín dụng của người tiêu dùng bị thu hẹp”.
"Muốn lãi suất giảm, thay vì áp trần, hệ thống ngân hàng cần minh bạch hoá thông tin, đặc biệt là thông tin về tài chính tiêu dùng, phí, việc trả nợ. Về phía khách hàng, phải đọc thật kỹ hợp đồng vay, nhất là đối với điều khoản về thanh toán để tránh trường hợp không trả được nợ, bị phạt lãi suất cao thì lại đi kiện. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm ban hành quy định về cho vay tiêu dùng”, ông Lực nhấn mạnh.
Dù đồng ý hay không đồng ý với phương án áp trần lãi suất thì hầu hết giới chuyên gia đều thừa nhận rằng, cần phải để thị trường vận hành theo kinh tế thị trường và nếu áp một mức trần lãi suất không phù hợp sẽ dẫn tới “bóp méo” thị trường.
Ngay từ thời điểm góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 vào cuối năm ngoái, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm này. TS.Trần Du Lịch phát biểu: “Chúng ta nên tham khảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự của một số nước. Cần xem xét động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì mới định ra được giải pháp xử lý, không thể nào chỉ vì chống tín dụng đen mà bóp méo thị trường. Cần cân nhắc kỹ việc áp trần lãi suất, quy định như vậy thì hệ thống ngân hàng, công ty tài chính sẽ chết”.
Cũng theo ông Lịch, cần phải hiểu rằng, các ngân hàng, CTTC không cho vay nặng lãi, vì tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vậy tại sao lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường, để trói buộc cả một hệ thống? Mục tiêu chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi, thì nên tìm hướng khác, không nên áp trần lãi suất đối với các TCTD trong Bộ luật Dân sự.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là không cần thiết và bất hợp lý. Điều này có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, CTTC bằng biện pháp hành chính. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO.
“Đây có thể là một bất lợi để các nước khác viện cớ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hoặc ảnh hưởng đến việc các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường”, một chuyên gia cho hay.
Hà Anh