Nhận sáp nhập công ty tài chính, bước đi chiến lược của các ngân hàng
- Thứ hai - 14/11/2016 08:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó cũng là lý do vì sao thời gian gần đây, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam liên tục chứng kiến sự ra đời của các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng mà phần lớn là kết quả của các cuộc “hôn nhân” giữa ngân hàng và công ty tài chính.
Sáp nhập công ty tài chính - mũi tên trúng nhiều đích
Làn sóng ngân hàng nhận sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng đã mở màn bằng một loạt các thương vụ như HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) sau đó chuyển thành HDFinance có vốn điều lệ 550 tỷ, tiếp tục chuyển nhượng 49% cổ phần cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance); VPBank thành lập FE Credit sau khi nhận sáp nhập Công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản; Techcombank mua lại Công ty tài chính cổ phần Hóa Chất (VCFC), chuyển thành Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance) vốn 600 tỷ đồng; Ngân hàng Quân Đội nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV MB (M Finance) với số vốn 500 tỷ đồng…
Và mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã được NHNN chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Công ty cổ phần tài chính Vinaconex Vietel (VVF) vào SHB và thành lập Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB Finance) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo thông tin mới nhất, hiện ngân hàng này đang hoàn các thủ tục, hồ sơ để được chấp thuận chính thức trong Quý 4 năm nay.
Việc cho sáp nhập các Công ty tài chính vào ngân hàng là một mũi tên của NHNN nhắm đến cả ba đối tượng: ngân hàng, Công ty tài chính và các Doanh nghiệp. Ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng, việc sáp nhập còn giúp tái cấu trúc lại các Công ty tài chính và cũng như giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn vì trên thực tế, tái cấu trúc các Công ty tài chính cũng là một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của chính phủ và NHNN.
Còn đứng ở góc độ khách hàng thì sao? Như chia sẻ của Lãnh đạo Ngân hàng SHB, các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng ra đời sẽ giúp khách hàng có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu vay vốn; tận hưởng dịch vụ thuận tiện với thủ tục nhanh gọn, mạng lưới phân phối rộng theo mô hình kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng. Đặc biệt, với các khách hàng không đủ các điều kiện đáp ứng được chuẩn rủi ro của các ngân hàng thương mại có thể chuyển sang vay các công ty tài chính, thay vì phải sử dụng dịch vụ tín dụng phi chính thức như trước đây, từ đó góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” và giúp người dân được sử dụng các dịch vụ tài chính an toàn từ các tổ chức hợp pháp.
Với ngân hàng, việc thành lập một Công ty Tài chính tiêu dùng với hoạt động chuyên biệt sẽ giúp các ngân hàng mở rộng phân khúc khách hàng, tăng thị phần bán lẻ đồng thời khắc phục rất nhiều các hạn chế đối với việc cho vay tiêu dùng, bao gồm rào cản về pháp luật đối với lãi suất cho vay, tỷ lệ nợ xấu, hạn chế về mạng lưới, kỹ năng nhân sự chuyên nghiệp đối với mảng cho vay tiêu dùng, hệ thống hạ tầng công nghệ…
Con đường ngắn để mở rộng thị phần bán lẻ và tăng giá trị ngân hàng
Trong 10 năm vừa qua, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và dự báo sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, với mức tăng bình quân từ 20-30% cho tới năm 2019. Theo các chuyên gia, việc nhận sáp nhập/mua lại một công ty tài chính là bước đi rất khôn ngoan có tính chiến lược của các ngân hàng và có lợi hơn cho các tổ chức tín dụng. Bởi so với việc thành lập mới, các nhà băng sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có của công ty tài chính từ đội ngũ nhân sự, đối tác đến thị trường, phân khúc khách hàng, hệ thống công nghệ…
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo, tín dụng tiêu dùng 10 tháng đã tăng 31,2% so với cuối năm 2015, chiếm 11,3% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,7%). Tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,7%), mua đồ dùng trang thiết bị (23,1%) và phương tiện đi lại (9,4%).
Không chỉ tăng trưởng nhanh, tín dụng tiêu dùng còn là kênh hấp dẫn để các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận ở mảng bán lẻ. Chẳng hạn như năm 2015, Công ty tài chính FE Credit đóng góp cho VPBank 1/3 lợi nhuận (khoảng 1.000 tỷ đồng) – một con số lợi nhuận đáng mơ ước của tất cả các ngân hàng trong hệ thống.
Ngay những năm (2011 – 2015), khi làn sóng M&A vừa dậy sóng, Ngân hàng SHB nổi lên như một điển hình thành công khi là một trong số ít các tổ chức tín dụng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng, nhận sáp nhập Habubank, trở thành ngân hàng niêm yết đầu tiên nhận sáp nhập thành không một ngân hàng niêm yết khác.
Có một thời gian, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra, rằng SHB sẽ nhận công ty tài chính nào khi mà ngân hàng này có mối liên hệ mật thiết với nhiều tập đoàn lớn như Cao su, Than - khoáng sản? Nhưng rồi VVF mới là “cô dâu” mà SHB muốn cưới về và đã được “hai họ” VVF, SHB nhất trí thông qua trong các kỳ đại hội cổ đông năm 2015. Lý giải điều này, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển của Ngân hàng SHB đã từng chia sẻ: VVF là một trong những công ty có tình hình tài chính “sạch sẽ” nhất trong số các Công ty tài chính thuộc diện tái cấu trúc hiện nay do có lợi thế từ 2 cổ đông lớn là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Trước khi sáp nhập, VVF đã xử lý được cơ bản các khoản nợ nên tỷ lệ nợ xấu còn lại trên tổng dư nợ thấp và các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo, tài sản cố định là các bất động sản có giá trị, có thể đem lại những lợi ích ngay cho SHB khi tái cấu trúc lại danh mục tài sản. “Việc nhận sáp nhập VVF nằm trong chiến lược phát triển của SHB trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng hàng đầu Việt Nam vào năm 2020. Hiện nay một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của Công ty tài chính tiêu dùng”, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nói thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, việc ngân hàng đồng ý chuyển nhượng vốn của các công ty tài chính này cho các đối tác nước ngoài để lập công ty liên doanh đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng tầm của ngân hàng lên một vị thế mới.
9 tháng đầu năm, SHB đạt lợi nhuận gần 800 tỷ đồng
Tính đến 30/9, tổng tài sản của SHB đạt hơn 215.000 tỷ đồng, vốn tự có đạt gần 13.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đạt 788,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với 9 tháng đầu năm 2015; tổng vốn huy động đạt hơn 198.359 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường I đạt 176.367 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015; tổng dư nợ đạt hơn 147.340 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2015. SHB đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của NHNN với tổng dự phòng gần 2.600 tỷ đồng (tính đến 30-9-2016).
Đến 30-9-2016, với các biện pháp tích cực, SHB cũng đã tiến hành thu hồi được hơn 1.520 tỷ đồng nợ xấu, chất lượng tín dụng tốt với tỷ lệ nợ xấu 2,25% (dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).