Cùng hưởng ưu đãi Nhà nước, người lãi tỷ USD, kẻ âm vốn chủ
- Thứ năm - 27/10/2016 06:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm vừa qua, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 4 tập đoàn, tổng công ty là 280,2 tỷ đồng
Trong đó, riêng lỗ phát sinh của Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng đã lên tới 186 tỷ đồng; của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp gần 55 tỷ đồng; của Tổng công ty Giấy Việt Nam (có bao gồm số liệu của Nhà máy bột giấy Phương Nam) là 33,4 tỷ đồng...
Đáng chú ý, báo cáo hợp nhất của 14 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 6.165 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của 9 công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty là 1.912 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn đang dẫn đầu về số lỗ lũy kế hợp nhất, lên tới 3.346,3 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là 1.062,8 tỷ đồng.
Một số tổng công ty khác như Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng có lỗ lũy kế 718,2 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ lũy kế 399,3 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam lỗ lũy kế 113,6 tỷ đồng; Tổng công ty Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế 108,3 tỷ đồng; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC lỗ lũy kế 102,8 tỷ đồng...
Sau quá trình tái cơ cấu, bước đầu một số tập đoàn, tổng công ty đã hoạt động có hiệu quả và bù đắp lỗ lũy kế của các năm trước như Tổng công ty Xăng dầu quân đội đạt 267 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam đạt 131 tỷ đồng; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện -VTC đạt 123 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Vinafood 2 đạt 26 tỷ đồng...
Nhìn chung, tổng hợp báo cáo hợp nhất của 103 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt trên 150.000 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện năm 2014.
Các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt cao trên 2.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) lãi hơn 45.000 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) lãi gần 43.000 tỷ đồng.
Một số "ông lớn" khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi gần 4.600 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lãi gần 8.600 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông Mobifone lãi hơn 7.100 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) lãi trên 3.400 tỷ đồng...
Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 của 103 tập đoàn, tổng công ty đạt mức 12%. Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số này cao là Tổng công ty Xăng dầu quân đội đạt 76%; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre đạt 56%; Tổng công ty Viễn thông Mobifone đạt 46%; Tập đoàn Viễn thông quân đội đạt 41%;...
Về phần 230 doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa, báo báo của Chính phủ cho hay, nhóm này có vốn chủ sở hữu đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014. Trong đó, vốn điều lệ của các doanh nghiệp cổ phần gần 43.000 tỷ đồng (tổng giá trị vốn nhà nước góp xấp xỉ 33.700 tỷ đồng, bình quân chiếm 78% vốn điều lệ). Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam âm vốn chủ sở hữu 1.641 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam âm vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất 348 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Tuyên Quang âm vốn chủ sở hữu 157 tỷ đồng; Công ty CP Lương thực và dịch vụ Quảng Nam âm vốn chủ sở hữu 59 tỷ đồng; Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng.
Mặc dù tổng doanh thu của các doanh nghiệp cổ phần năm 2015 giảm 11%, đạt trên 339.000 tỷ đồng song tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lại tăng mạnh 40% đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Bích Diệp