25 tỷ USD nợ xấu trong 5 năm qua về đâu?
- Thứ tư - 12/10/2016 03:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (12/10), ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mặc dù đã xác định và nhận diện được vấn đề nhưng trong 5 năm vừa qua, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chủ yếu mang tính định tính chứ ít có tính định lượng.
Chính vì vậy, khi nói đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, ông Phước khẳng định, ông nghiêng về chương trình hành động, các giải pháp hành động. Và muốn tái cơ cấu thành công thì trước hết phải xử lý được vấn đề “quan điểm” và “kỹ thuật”.
25 tỷ USD nợ xấu
Ông Phước đặt vấn đề: Nếu không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì có được không? Cho đến bây giờ vẫn đang còn những câu hỏi về việc liệu có trừng phạt những người đã gây ra nợ xấu cho hệ thống ngân hàng hay không. Đây là một vấn đề về quan điểm.
Cựu Tổng giám đốc Eximbank phân tích, vì sao ở Việt Nam lãi suất vay 9-10% khi mà lạm phát chưa đến 1%? Đây chính là hệ quả trực diện của nợ xấu.
Cũng chính vì nợ xấu mà tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng trong 5 năm gần đây đã giảm 3 lần, từ 12% nay chỉ còn 4%. Điều này lan tỏa vào chi phí vốn và nền kinh tế phải chấp nhận một chi phí tư bản, một chi phí vốn rất cao.
Như vậy, theo ông Phước, cần thiết phải xử lý nợ xấu, phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, không phải vì một vài cổ đông, vì một số lãnh đạo ngân hàng mà vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.
“Chúng ta cũng không thể xử lý nợ xấu bằng những câu khẩu hiệu suông. Và cũng không nên tiếp cận vấn đề này theo hướng sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu. Tôi cho rằng, tiếp cận vấn đề theo quan điểm này là rất nguy hiểm”, ông Phước nhận định. Theo ông, đây là một vấn đề rất kỹ thuật trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nền kinh tế.
Đáng chú ý, tại diễn đàn sáng nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cung cấp thông tin cho hay, trong 5 năm qua đã có một nguồn lực 12,4%GDP đã tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu. Có 15 tỷ USD xuất phát từ dự phòng rủi ro, từ thu nợ, cấn trừ nợ hệ thống ngân hàng. Cộng với 10 tỷ USD đã chuyển cho VAMC, nghĩa là đã có 25 tỷ USD nợ xấu đã được đưa vào xử lý trong 5 năm qua.
“Đó là một con số rất thực, không hề giả tạo chút nào, nằm trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, đã được kiểm toán”, ông Phước khẳng định.
Tuy nhiên, theo nhận xét của vị chuyên gia, thì VAMC chỉ là một giải pháp nửa vời, không triệt để. “Tôi đã nói từ trước khi tổ chức này ra đời, rằng VAMC là một cục sâm để các tổ chức tín dụng ngậm từ nhà ra bệnh viện. Đằng nào thì cũng phải có “bệnh viện” để xử lý nợ xấu đó cho các ngân hàng”, lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá.
Do đó, tái cơ cấu giai đoạn 2 này bao gồm cả xử lý 10 tỷ USD đang nằm tại VAMC. Tiếp theo cũng gần bằng chừng đó nợ xấu phát sinh. Vậy làm sao xử lý, nguồn lực từ đâu?
Phát hành trái phiếu cho toàn dân để xử lý nợ xấu?
“Anh Cung (ông Nguyễn Đình Cung - PV) nói rất đúng là không thể cứ nói mãi về vấn đề huy động. Nhưng cũng phải thấy rằng, câu hỏi đầu tiên luôn là tiền đâu? Các ngân hàng không có phép của Tề Thiên Đại Thánh để biến nợ xấu ra khỏi báo cáo tài chính. Phải huy động nguồn lực và phải kích hoạt bằng các nguồn lực bên ngoài chứ không phải là cấp phát thông qua con đường ngân sách”, ông Phước bày tỏ.
Vị chuyên gia nhẩm tính, thông qua xử lý tài sản đảm bảo thì các tổ chức tín dụng có thể xử lý 180.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Mỗi năm các TCTD có thể xử lý khoảng 35.000-40.000 tỷ đồng tài sản đảm bảo. Còn xử lý như thế nào thì cần phải có một ban chỉ đạo trung ương để xử lý các vấn đề về luật lệ.
Thông qua trích lập dự phòng rủi ro, mỗi năm ước tính các TCTD có khoảng 40.000 tỷ đồng để dự phòng và trong 5 năm có khoảng 150.000 - 200.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Nguồn này lấy từ chi phí vay và người vay tiền phải chịu. Khách hàng tín dụng phải chịu rủi ro này chứ không phải là các tổ chức tín dụng. Hiện tại, Việt Nam đang có 160.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng.
Muốn đưa tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% và tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu dưới 9% thì cần phải cần thêm một nguồn lực 8-10 tỷ USD. Nguồn lực này có nhưng phải tính toán cụ thể. Nguồn cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là một nguồn lực, Ngân sách Nhà nước là một nguồn lực, 90 triệu dân cũng là nguồn lực, các nhà đầu tư cũng là nguồn lực.
Vị chuyên gia đặt vấn đề, tại sao không phát hành trái phiếu đặc biệt cho toàn dân Việt Nam được đảm bảo bằng những tài sản cụ thể? Phương án sử dụng trái phiếu để xử lý nợ xấu theo ông Phước là có thể được.
Cũng theo ông Trương Văn Phước, để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu thành công thì Ngân hàng Nhà nước không thể đơn thương độc mã mà làm được.
Hiện tại việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu đang là công việc và nhiệm vụ chung của cả xã hội, rất mông lung, không mang dấu ấn trách nhiệm cá nhân nên nếu làm tốt không ai hoan nghênh, làm không hiệu quả thì cũng không ai chết. Do đó, cùng với nhiều chuyên gia khác, ông Trương Văn Phước đề nghị, cần phải có một ban chỉ đạo cấp Nhà nước về tái cơ cấu, một ủy ban Nhà nước có một địa vị pháp lý cao.
Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đề cập trước đó. Theo đó, ủy ban này cần được thành lập với người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ.
Bích Diệp