Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Wenger đấu 12 đời HLV Chelsea: Trở lại với thời cuộc

Wenger đấu 12 đời HLV Chelsea: Trở lại với thời cuộc
Cuối tuần này, Arsene Wenger sẽ kỷ niệm 20 năm dẫn dắt "Pháo thủ". Trong thời gian ấy, "Giáo sư" chứng kiến người hàng xóm Chelsea lột xác với tỷ phú người Nga Abramovich sau… 12 đời HLV. Con số này chắc chắn có ý nghĩa của nó.

Với 1.127 trận đấu cùng Arsenal , Wenger đã góp phần không nhỏ trong việc cách mạng hóa giải đấu cao nhất của nước Anh. Nhưng không chỉ thế, “Giáo sư” cũng giúp cho Arsenal trở thành một thương hiệu bóng đá được yêu thích rộng rãi hơn rất nhiều trên toàn cầu với lối chơi hấp dẫn và lôi cuốn.

Wenger cũng từng rất nhanh chóng có được thành công cùng Arsenal

Trong suốt 20 năm dài đằng đẵng đó, “Giáo sư” đã có tới 54 lần đối đầu với đối thủ cùng thành phố Chelsea , từ Highbury đến Emirates, tại cả các giải quốc nội lẫn đầu trường châu Âu.

Lần lượt Ruud Guulit, Ranieri, Mourinho, rồi Benitez, Di Matteo, Ancelotti cho tới Scolari, Hiddink, những cuộc đối đầu với Chelsea trong suốt 20 năm qua như phản chiếu và khắc họa hình ảnh thăng trầm chân thực nhất của chính Arsenal trong từng giai đoạn.

Trước Chelsea, Arsenal như luôn bộc lỗ rõ những gì bản chất nhất, cả điểm mạnh và điểm yếu, không loại trừ tầm ảnh hưởng trong từng giai đoạn của các ngôi sao cũng như của HLV Wenger.

Trong thập niên đầu tiên của Arsene Wenger ở London, Arsenal luôn luôn là một cái tên lớn cạnh tranh trực tiếp cho ngôi vô địch và 3 lần lên ngôi đầy thuyết phục trước đối thủ lớn Manchester United . Mourinho và Abramovic đánh dấu chương hai trong giai đoạn phát triển của cả 2, Arsenal trở thành một kẻ chậm bắt nhịp với thời cuộc, do chính bộ đôi của Chelsea đã viết lại và làm thay đổi bóng đá Anh.

Arsenal trong 10 năm qua có vẻ đi ngược con đường của thời cuộc

Kể từ đó, cán cân bắt đầu nghiêng dần về phía nửa xanh thành London. Mourinho cũng tỏ ra là đối thủ khó chịu nhất trong suốt sự nghiệp của Wenger. “Giáo sư” mãi gần đây mới có được chiến thắng đầu tay trước “Người đặc biệt”, nhưng ngay sau đó, trong một mùa giải thảm hại của Chelsea nhưng lại mang rất nhiều kỳ vọng của Arsenal, “Pháo thủ” tiếp tục chịu thua cả 2 lượt, ảnh hưởng không nhỏ đến mùa giải của họ.

Trước thời kỳ của Abramovich, Wenger chỉ biết đến Gullit, Vially và Ranieri trên băng ghế chỉ đạo của Chelsea trong 7 năm đầu của mình ở Arsenal, nhưng sau khi Abramovic đến, “Giáo sư” chứng kiến tỷ phú người Nga "trảm" HLV của mình tới 11 lần chỉ trong 13 năm, trong số đó, Hiddink và Mourinho đã 2 lần xuất hiện.

Abramovich tiêu biểu cho phong cách chi tiền tấn (và cũng là rửa tiền) và đòi hỏi thành công trong ngắn hạn của CLB. Ông liên tục bơm tiền cho CLB để chi những khoản phí chuyển nhượng cũng như những khoản lương cao ngất ngưởng để câu kéo những ngôi sao.

Mourinho trở thành đối thủ khó chịu của Wenger

Còn Wenger và những ông chủ của Arsenal thì mải mê với kế hoạch “phát triển bền vững” dài hạn, cho một SVĐ mới (Emirates) và chuyển sang thời kỳ thắt lưng buộc bụng, mua rẻ bán đắt. Họ đặt niềm tin vào con mắt nhìn người của Wenger từng đem về rất nhiều ngôi sao và không ít thành công trong giai đoạn trước đó cho “Pháo thủ”.

Chính Wenger cũng đa quá tự tin và được “nuông chiều” thái quá cho hoài bão thành công nhờ những cầu thủ trẻ này của mình. Ông không kịp nhìn ra dòng chảy của thời cuộc với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của đồng tiền. Còn các ông chủ của ông thì có vẻ đủ hài lòng với những bước tiến “từ từ” về mặt tài chính nhờ có Wenger, dù thành công ngày càng lánh xa họ.

Tư tưởng của Wenger và ban lãnh đạo chỉ thay đổi trong mùa hè năm 2016, gần 10 năm sau nỗ lực đáng ghi nhận cuối cùng của thế hệ “Invincibles”, thời điểm mà hầu như mọi vấn đề về tài chính của họ đã ở phía sau và những nguồn thu mới liên tục đổ về.

Thị trường luôn luôn thay đổi theo quy luật cung-cầu, và thay đổi đó đến từ những kẻ tạo ra xu hướng. Và chính những kẻ đi đầu xu hướng của thị trường sẽ dẫn đầu thị trường. Đấy cũng là sai lầm của “Giáo sư” trong tư duy dài hạn. Trước những kẻ "dẫn đầu thị trường" như Mourinho và Pep Guardiola, Wenger đã buộc lòng phải điều chỉnh lại yếu tố mang tầm chiến lược.

"Giáo sư" đã trở lại với thời cuộc như cách ông bắt đầu

Về mặt xã hội mà nói, những chiến lược phục vụ mục tiêu lâu dài và bền vững luôn được khuyến khích hơn những ý tưởng đầu tư ngắn hạn và dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường chung. Nhưng trong bóng đá, có thể tầm nhìn của Wenger nên được đặt vào đúng chỗ hơn.

Việc phát triển bền vững luôn được các CLB nhỏ, những kẻ chẳng có tiền mà ăn xổi, đặt lên hàng đầu, những đội bóng lớn như Arsenal có thể giống như Chelsea, hay Real, Barca, Bayern, tập trung vào bước tiếp theo, đó là hưởng thành quả từ đó.

Muộn còn hơn không, trong một mùa hè mà “Giáo sư” chắc có lẽ cũng đã phải đấu tranh nội tâm rất lâu. Ông cuối cùng đã đầu hàng trước thời cuộc trong năm cuối của mình và pha trộn nó với triết lý “phát triển bền vững” của mình

Con số Wenger đấu Chelsea:

54 trận, 20 thắng, 20 thua, 14 hòa, bàn thắng 68, bàn thua 80, tỷ lệ chiến thắng 37%.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây