Vương quốc Anh có kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử sau 108 năm
- Thứ hai - 22/08/2016 16:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tính từ kỳ Olympic 1908, đây là kỳ Thế vận hội đầu tiên đoàn thể thao Vương quốc Anh giành nhiều huy chương nhất. Vương quốc Anh cũng sở hữu một số VĐV hầu như không có đối thủ ở các nội dung mà họ tham dự, như kình ngư Adam Peaty ở nội dung 100m ếch nam (phá kỷ lục thế giới), Mo Farah ở 2 cự ly trên đường chạy điền kinh là 5.000m và 10.000m nam.
Vương quốc Anh có cả những cặp vợ chồng giành HCV Olympic như vợ chồng Jason Kenny và Laura Trott (xe đạp lòng chảo - đã đính hôn), hoặc Kate và Helen Richardson-Walsh (hockey – vợ chồng đồng tính nữ), hoặc cặp anh em cùng giành cả vàng lẫn bạc trong cùng một nội dung như anh em nhà Alistair và Jonathan Brownlee (3 môn phối hợp nam).
Trong số 67 huy chương (27 HCV) của đoàn thể thao Anh, các VĐV nam giành 61% số lượng huy chương (41 huy chương), VĐV nữ giành 38% (25), 1% còn lại thuộc về cặp đôi – nam nữ (1 huy chương).
Đoàn thể thao Anh vượt chỉ tiêu mà họ đặt ra trước Olympic khá xa. Trước khi Rio 2016 khai diễn, Anh chỉ đặt chỉ tiêu giành 48 huy chương các loại, nhưng kết thúc những ngày tranh tài chính thức, họ giành nhiều hơn chỉ tiêu đến 19 huy chương.
Các học viện thể thao của nhà nước đóng góp 67% trong thành công của đoàn thể thao Vương quốc Anh, các CLB tư nhân góp 33% số lượng huy chương còn lại.
Đặc biệt, để vượt mặt Trung Quốc để chiếm vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng huy chương, nước Anh phải duy trì thế mạnh trong rất nhiều môn truyền thống của họ: Có đến 14 nội dung mà Vương quốc Anh từng vô địch ở Olympic London 2012, họ bảo vệ thành công HCV tại Rio 2016. Các VĐV đến từ xứ sở sương mù cũng phá đến 11 kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic.
Dĩ nhiên, để chiếm được vị trí cường quốc thể thao thứ 2 thế giới, Vương quốc Anh phải đầu tư rất lớn. Tính từ sau Olympic London 2012, chỉ trong vòng 4 năm, chính phủ Anh phải đầu tư tổng cộng 347 triệu bảng (khoảng 453 triệu USD, hoặc hơn 10.000 tỷ đồng) cho các VĐV tham dự Olympic Rio 2016, tức để có mỗi huy chương Olympic (bất kể màu gì), xứ sở sương mù phải tốn 5,2 triệu bảng tiền đầu tư (hơn 151 tỷ đồng/huy chương).
Còn tính trung bình mức độ đầu tư cho các VĐV trong cả đoàn thể thao Vương quốc Anh (có huy chương lẫn không có huy chương), bình quân một VĐV Anh dự Rio 2016 được đầu tư 868.562 bảng (hơn 25 tỷ đồng/VĐV).
Rowing là môn tiêu tốn nhiều tiền nhất của chính phủ Anh: 32,6 triệu bảng (tăng 16% so với kỳ Olympic trước đó), cho 3 HCV và 2 HCB. Môn đứng thứ 2 trong danh sách ngốn tiền đầu tư của chính phủ Anh là xe đạp, đây cũng là môn mang về nhiều huy chương nhất cho đoàn thể thao Anh: 6 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ.
Ngược lại, cũng có môn mà mức đầu tư giảm, nhưng lại thành công cao hơn dự kiến, đó là môn cầu lông. Cầu lông Vương quốc Anh có 1 HCĐ, tốn 5,7 triệu bảng (giảm 30% so với kỳ Olympic gần nhất).
Có 3 môn mà chính phủ Anh không đầu tư, nhưng vẫn giành huy chương, gồm golf, tennis và rugby. Các VĐV này phát triển trong 4 năm qua hoàn toàn bằng tiền cá nhân.
Bảng thông số cụ thể về mức độ đầu tư cho các môn và tỷ lệ thành tích của đoàn thể thao Vương quốc Anh
Kim Điền