VĐV 4 lần dự Paralympic chỉ nhận lương 500 nghìn đồng/tháng
- Chủ nhật - 09/10/2016 02:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nữ đô cử khuyết tật Châu Hoàng Tuyết Loan đã lập kỷ lục 4 lần liên tiếp giành quyền dự tranh Paralympic. Tuy nhiên, thật khó tin khi chị vẫn chỉ nhận được mức lương 500 nghìn đồng/tháng.
Lương chưa đủ uống nước
Còn nhớ ở Paralympic 2012, cũng là kỳ đại hội thứ 3 liên tiếp của Tuyết Loan, giới chuyên môn và truyền thông quốc tế đều kinh ngạc khi biết rằng, tuyển thủ Việt Nam không chỉ là một VĐV liệt cả hai chân, mà suốt hai năm trước đó, chị đã chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư vòm họng.
Nữ cô đử Châu Hoàng Tuyết Loan
Người phụ nữ Khánh Hòa bị liệt cả hai chân từ nhỏ, mọi sinh hoạt cậy nhờ vào đôi tay rồi sau này trông cậy vào chiếc xe lăn. Khuyết tật vậy, song ngay từ nhỏ, cô bé con nhà nghèo đã không tuyệt vọng, Tuyết Loan dám đối diện và vượt qua nghịch cảnh. Nhờ vậy, chị đã trụ vững, tự nuôi sống mình khi nỗ lực làm đủ thứ việc có thể, như bán hàng rong, bán cà phê dạo, trước khi trở thành một cô thợ may đắt khách.
Năm 2010, Tuyết Loan dường như bị đẩy tới tận cùng của bi kịch khi phát hiện ung thư vòm họng. Thế nhưng, ngay cả căn bệnh hiểm nghèo này cũng không thể quật ngã được Loan. Sau một năm phải nghỉ hoàn toàn để điều trị, bệnh tình của chị đã được khống chế. Loan xin tập luyện, thi đấu trở lại, tiếp tục khẳng định vị thế của một đô cử hàng đầu châu lục, áp sát trình độ thế giới ở hạng cân của mình.
Dù là niềm tự hào của thể thao người khuyết tật Việt Nam song Tuyết Loan đang nhận được mức lương bèo bọt khó tin. Mỗi tháng chị chỉ nhận được khoản hỗ trợ 500 nghìn đồng (mức hỗ trợ dành cho VĐV phong trào) và thậm chí trước năm 2011 chỉ 300 nghìn đồng, số tiền thực sự chưa đủ uống nước cho các buổi tập. Chỉ khi nhận lệnh tập huấn làm nhiệm vụ cho đội tuyển tỉnh hay Đội tuyển Quốc gia, mỗi năm khoảng 1-2 tháng, Loan mới có thêm khoản tiền ăn 90 nghìn đồng/ngày.
“Cuộc sống của một người khuyết tật vốn đã gian khó muôn bề, bây giờ thêm nghiệp VĐV, tôi phải tự bỏ thêm kinh phí cho việc tập luyện hay thi đấu. Tôi cũng phải tập luyện hàng ngày giống hệt các VĐV của các môn thành tích cao. Nếu như thi thoảng không có khoản tiền thưởng huy chương quốc tế, chắc chắn tôi phải giải nghệ từ lâu”, chị Loan chia sẻ.
Kỳ tích thứ tư và nỗi nuối tiếc để đời
Trước Paralympic 2016, cơ hội đến Brasil tranh tài tưởng như đã khép lại với chị. Dù là đương kim Á quân thế giới song Loan không đủ tiêu chuẩn dự tranh do không dự đủ bốn giải quốc tế. Tuy nhiên, vào phút chót, người phụ nữ chiến thắng tật nguyền ấy đã bất ngờ được Ban Tổ chức trao suất đặc cách, để hoàn thành kỳ tích lần thứ 4 dự Paralympic. Đây không chỉ là một kỷ lục Việt Nam mà còn hiếm có ngay cả trên thế giới. Nên nhớ, thể thao người khuyết tật Việt Nam mới lần thứ 5 dự tranh đấu trường này.
Châu Hoàng Tuyết Loan nhận được quan tâm của truyền thông quốc tế (Ảnh: BBC)
Từ quê nhà, Tuyết Loan nhận tin vui ở thời điểm chỉ còn đúng 20 ngày lên đường. Nó cũng đặt ra thử thách ghê gớm cho chị bởi khi đó Loan đang trong thời gian tạm nghỉ, gần như chỉ tự tập thể lực tại nhà. “Khi biết mình được sang Brasil, tôi lập tức gác lại mọi việc để lên TP HCM bước ngay vào chiến dịch tập luyện cao điểm. So với các đối thủ, tôi chỉ có vài ngày thay vì vài tháng”.
Tại Rio, dù đã nỗ lực tới tận cùng, đô cử 41 tuổi vẫn không thể vượt qua được sự thiếu hụt quá lớn trong việc chuẩn bị khi chỉ cử đạt 88kg đứng hạng 7 chung cuộc. Kết quả này thua thành tích của chính chị tại giải vô địch thế giới tới 16kg. Với Loan, đây thực sự là một nỗi tiếc nuối để đời bởi chỉ cần thể hiện được đúng phong độ, chị đã có HCB hay chí ít HCĐ.
Kết thúc cuộc đấu, Tuyết Loan quay lại guồng quay mưu sinh và tập luyện. Chị xác định mình tiếp tục duy trì việc tập luyện, thi đấu “đến khi nào có thể”, với quyết tâm quay trở lại Paralympic sau đây 4 năm.
“Tôi phải cảm ơn thể thao, bởi chính thể thao đã giúp tôi không chỉ sống khỏe, sống vui mà còn trở thành một VĐV có một cái tên, một sự nghiệp, được chứng tỏ khả năng, sức vươn của mình. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi điều gì. Với tôi, việc tập luyện là một nguồn sống và nhu cầu tự thân. Tuy nhiên, tôi vẫn mong địa phương quan tâm hơn một chút để mình cùng những người có chung cảnh ngộ có điều kiện tập luyện tốt hơn, chứ bây giờ rất khó khăn bởi như là một cuộc chiến đấu đơn độc”.