Thể thao Việt Nam còn bộn bề sau Olympic Rio 2016
- Thứ ba - 23/08/2016 02:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đích nhắm của bắn súng Việt Nam vẫn là phải duy trì bằng được thành tích có huy chương tại Olympic. (Trong ảnh: Xạ thủ tham gia giải bắn súng trẻ toàn quốc 2016)
Với 1 HCV, 1 HCB kèm theo 1 kỷ lục, Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có một kỳ Olympic lịch sử. Thế nhưng, ngay sau khi trở về từ Brasil, ngành Thể thao cần nhanh chóng bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho tương lai.
Không thể cứ trông vào sự “đột xuất”
Xạ thủ 42 tuổi Hoàng Xuân Vinh thực sự là một trường hợp “đột xuất” của TTVN, với một sự hội tụ và bùng nổ ngoạn mục tại Rio. Đỉnh cao mà anh vươn tới rõ ràng vượt quá xa nền tảng, mặt bằng chung của TTVN. Những trường hợp ngoại lệ như anh rất hiếm khi xuất hiện. Thành quả phi thường của anh phản ánh rất ít thực lực, quy trình phát hiện đào tạo tài năng và chuẩn bị cho Olympic của ngành Thể thao còn nhiều thiếu hụt, bất cập.
Trên thực tế, nếu không có Xuân Vinh, tuyển thủ mà trước đó chỉ đóng vai niềm hi vọng số 3, TTVN đã có thể lại chấp nhận một kỳ Đại hội nữa “tay trắng”. Hai niềm hy vọng lớn nhất ở môn cử Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền đã thảm bại. Cả hai đều không được tính thành tích vì không hoàn thành nổi bài thi. Trong khi đó, kình ngư Ánh Viên, dù được kỳ vọng tạo đột biến, vẫn không thể lọt vào chung kết ở bất kỳ nội dung nào.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, những người làm thể thao hoàn toàn có thể vui mừng, tự hào với kỳ tích trên đỉnh Olympic song cũng cần rất tỉnh táo nhìn nhận thực tế. Ông chia sẻ: “Chúng ta chưa hội đủ các yếu tố cần thiết, theo chuẩn quốc tế, để tạo ra những tài năng có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương Olympic một cách bài bản, ổn định”. Có nghĩa là, nếu thành tích ở Olympic chỉ trông chờ vào sự “đột xuất” kiểu Xuân Vinh, cơ hội sẽ hết sức mong manh và rất ít hy vọng.
Đâu là mũi nhọn?
Ngay trước thềm Olympic Rio 2016 , Thể thao Việt Nam đã nhận tin vui khi môn thế mạnh hàng đầu karatedo được đưa vào chương trình Olympic, kể từ Tokyo 2020. Có thể đánh giá không hề quá rằng, đây chính là “mũi nhọn” số 1 cho mục tiêu huy chương của TTVN. Karatedo từng mang về 4 tấm HCV ASIAD, cùng rất nhiều huy chương ở cả hai loại hình kata và kumitee. Với lực lượng võ sĩ hiện tại, môn này đủ sức tranh huy chương, kể cả HCV, chí ít là tại Olympic 2020, ở cả 8 nội dung (2 kata, 6 kumitee).
TTVN phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Olympic 2020 ngay sau khi trở về từ Brasil. Trong đó, việc sẽ được ưu tiên là rà soát lại từng môn, từng trường hợp để tiến hành đầu tư chuyên biệt, dài hạn cho những tuyển thủ có khả năng”. Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 Trần Đức Phấn |
Rõ ràng, Việt Nam sẽ có thêm một số “cửa” rất sáng ở kỳ Thế vận hội tới, thậm chí vượt trội so với phần còn lại. Dù rất dè dặt khi đề cập đến đích nhắm huy chương, Trưởng bộ môn Karatedo Tổng cục TDTT Vũ Sơn Hà cũng bày tỏ niềm tin với chúng tôi: “Karatedo sẽ có huy chương. Vấn đề là phải phấn đấu để có một số huy chương và có HCV”.
Sau kỳ tích của Xuân Vinh, chắc chắn bắn súng cũng trở thành một “trọng điểm” đầu bảng của thể thao Việt Nam, cho dù khả năng xạ thủ gốc Quảng Trị tiếp tục thi đấu, duy trì phong độ đỉnh cao 4 năm nữa là rất thấp. Tuy nhiên, môn này, cụ thể là chính tổ súng ngắn của Vinh đang sở hữu một vài gương mặt đầy triển vọng, hoàn toàn có thể vươn lên thay thế đàn anh, nếu được đầu tư tốt. Trong đó, nổi bật là xạ thủ Hà Minh Thành, người từng bắn vượt kỷ lục Olympic tại ASIAD 2010. HLV trưởng ĐTQG bắn súng Nguyễn Thị Nhung khẳng định, đích nhắm của bắn súng Việt Nam vẫn là phải duy trì bằng được thành tích có huy chương tại Olympic.
Dù hai đô cử Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền thảm bại ở Olympic Rio 2016, cử tạ vẫn sẽ là một “mũi nhọn” không thể thiếu. Thất bại đau đớn của Tuấn - Huyền tại Rio suy cho cùng không phải do năng lực mà do những cái yếu chí tử của chăm sóc y học, giải pháp tâm lý. Cả hai vẫn còn trẻ, còn có thể tiếp tục phát triển, chưa kể phía sau còn có một số nhân tố đang lên khác, như nhà Á quân thế giới trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn. Kình ngư Ánh Viên cũng là một gương mặt hứa hẹn tỏa sáng sau 4 năm nữa.
Từ Olympic 2016 , thách thức lớn đặt ra cho ngành thể thao, với bài toán làm sao để tiếp tục thành công ở đấu trường đỉnh cao khốc liệt này? Nó đòi hỏi ngành Thể thao phải tiếp tục đổi mới, đột phá trong quy trình tuyển chọn, đào tạo các tài năng, nhất là ở những môn, nội dung Việt Nam có tiềm năng.