Quan chức “giành” suất du đấu thể thao
- Chủ nhật - 14/08/2016 10:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Câu chuyện võ sĩ judo Văn Ngọc Tú tự xoay xở mọi việc bên ngoài thảm đấu rồi ra sân tranh tài không có sự chỉ đạo của HLV chưa kịp lắng xuống thì mọi thứ lại bùng lên khi người hâm mộ cả nước chứng kiến cảnh 2 tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang thay nhau ngồi ghế chỉ đạo khi đồng đội thi đấu tại Olympic Rio.
Đằng sau hình ảnh đẹp và cảm động về tình đồng đội, tình yêu giữa hai tay vợt xuất sắc này, người ta không khỏi cám cảnh với chuyện “thiếu thầy, thừa quản lý” vẫn diễn ra ở thể thao Việt Nam (TTVN) suốt nhiều năm qua.
Không có chuyện đi du lịch (!?)
Trả lời báo chí mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: “Không có chuyện đi du lịch bởi cùng với nhóm 3 cán bộ tổng hợp, phiên dịch bù đầu với công tác hậu cần đưa đón, sắp xếp chỗ ăn ở cho VĐV, 2 cán bộ lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao kết hợp phần hỗ trợ cho trưởng đoàn với việc nghiên cứu xu thế phát triển của thể thao thế giới, quan sát tất cả các môn thi đấu, những vấn đề cần để nghiên cứu, cải tiến công tác đào tạo VĐV trong thời gian tới”.
Không có gì bất thường trong phát biểu của ông Thắng nhưng có lẽ người đứng đầu ngành TDTT nói chưa hết những gì dư luận quan tâm. Liệu với khối lượng công việc ngồn ngộn như thế, hai vị cán bộ của Vụ Thể thao thành tích cao có còn đủ thời gian để “nghiên cứu xu thế” hay “quan sát mọi môn thi đấu” vốn không cần phải ra thực địa tận Rio?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, tại Rio 2016. Hầu như đại hội thể thao lớn nào ông cũng góp mặt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thể thao đỉnh cao Việt Nam đầy rẫy những bất ổn suốt thời gian qua, bắn súng có lúc thiếu đạn phải tập chay; VĐV điền kinh đạt chuẩn sớm nhưng lãnh đạo bất lực khi thầy trò đội cự ly ngắn lên báo đài đòi… “từ” nhau; đội bơi chỉ ổn định phần của Ánh Viên trong khi Quý Phước mất phương hướng trong việc chọn địa điểm tập huấn suốt thời gian đầu, ảnh hưởng không nhỏ đến cả chu trình tập luyện; đội cử tạ với “niềm hy vọng vàng” Thạch Kim Tuấn nhưng chấn thương của anh không thấy những người có trách nhiệm đưa ra giải pháp căn cơ nào để chữa trị dứt điểm…Nội tình bất ổn chưa giải quyết xong, nghĩ gì đến chuyện “nghiên cứu, quan sát” có phần xa vời.
Những lãnh đội không thể chỉ đạo
Ngay từ cuối tháng 6, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố quyết định thành lập đoàn TTVN dự Olympic Rio 2016 , đây đó đã xôn xao chuyện ông thầy chuyên điền kinh được cử hỗ trợ chuyên môn cho VĐV cầu lông; một quan chức quản lý được giao trọng trách kèm cặp võ sĩ judo vốn không phải do mình đào tạo, huấn luyện.
Tuy nhiên, dư luận nhắc nhiều đến ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, người mà kỳ đại hội thể thao quốc tế nào cũng góp mặt. Ngoài ra, Trưởng bộ môn thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng cũng được tham gia đoàn dù về chuyên môn, ông này chắc chắn không thể hướng dẫn cho Ánh Viên hay Quý Phước khi cần thiết thay cho HLV Đặng Anh Tuấn.
Chuyện tương tự cũng có thể thấy nơi lãnh đội Phùng Lê Quang khi đội kiếm đã có 2 HLV để lo cho 4 kiếm thủ; hoặc ông Trần Duy Khâm, nguyên là VĐV điền kinh, nay đăng ký chức danh HLV đội cử tạ dù trước sau lo cho 4 lực sĩ đã có các HLV thực thụ là Huỳnh Hữu Chí, Nguyễn Mạnh Thắng… Ngay cả VĐV của TP HCM là Hoàng Tấn Tài khi thi đấu cũng chỉ thấy có HLV Chí và đồng đội Trần Lê Quốc Toàn theo sát hỗ trợ.
Văn Ngọc Tú (phải) đơn độc tại Brazil Ảnh: REUTERS
Căn bệnh trầm kha
Công bằng mà nói đoàn TTVN tham dự Olympic Rio 2016 được tinh giản thành phần đến mức tối đa theo kiểu “nhìn người giao việc”. Như giới cầu lông truyền tai nhau việc ông trưởng bộ môn thuộc tổng cục được đề xuất đi cùng Tiến Minh và Vũ Thị Trang nhưng bị “trên” bác. Tuy vậy, điều này không hẳn đã đồng nghĩa với việc không có trục trặc mà những dẫn chứng trên đây có thể phác họa đôi điều.
Nhìn rộng ra, đây gần như là căn bệnh trầm kha của TTVN trước mỗi chuyến du đấu quốc tế. Tại các kỳ SEA Games, lực lượng gián tiếp đông khủng khiếp chỉ với tiêu chí “giúp việc” hoặc “học hỏi công tác tổ chức”. Trong khi đó, từng có chuyện, HLV trưởng một bộ môn bỏ mặc “quân” thi đấu tại Á vận hội 1998 để đi mua sắm, đủ để người thầy trực tiếp của VĐV này tại địa phương nóng lòng bỏ tiền túi bay sang Thái Lan hỗ trợ học trò.
Vài năm trở lại đây, TTVN thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thi đấu quốc tế. Không có kinh phí dồi dào để tập trung các đội tuyển tập huấn quanh năm với số lượng đông đảo như trước đây, ngành TDTT cho phép các địa phương chủ động về số lượng VĐV đẳng cấp cao, tập huấn tại chỗ và đi thi đấu quốc tế với một phần tiền túi, khoản kinh phí còn lại do địa phương chu cấp.
Thi đấu có huy chương, các VĐV này được nhận thưởng theo quy định nên chủ trương này được ủng hộ mạnh mẽ. Một VĐV ca thán: “Chúng tôi phải bỏ tiền túi thi đấu trong khi các vị ấy đi nước ngoài liên tục bằng tiền nhà nước, buồn làm sao!”.
Cần công khai, minh bạch Chuyện dư luận xôn xao không mới trong bối cảnh thông tin đa chiều phát triển nhanh đến chóng mặt, khó có chuyện gì “qua mặt” được mọi người trừ phi tất cả công khai một cách minh bạch về vai trò từng thành viên tham dự. Đoàn TTVN dự Olympic Rio 2016 có 3 bác sĩ nhưng cảnh thừa thãi cán bộ quản lý thay cho HLV trực tiếp của một số môn hoàn toàn có thực. Những chuyện không hay ấy đã che phủ phần nào niềm vui của người hâm mộ về 2 huy chương giá trị của Hoàng Xuân Vinh tại kỳ thế vận hội này. |