Phelps giành HCV, phá kỷ lục hơn 2.000 năm của Olympic
- Thứ sáu - 12/08/2016 17:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thành tích kình ngư người Mỹ đạt được là 1 phút 54 giây 66. Người giành huy chương bạc là Kosuke Hagino (Nhật Bản), với thành tích 1 phút 56 giây 61. Trong khi đó, Shun Wang của Trung Quốc giành HCĐ, với thời gian 1 phút 57 giây 05.
Theo New York Times, thời gian 1 phút 54 giây 66 là thành tích tốt thứ hai trong sự nghiệp của Phelps, sau Olympic Bắc Kinh 2008 (1 phút 54 giây 23). Tấm huy chương vàng ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân cũng giúp Phelps bỏ túi 4 HCV tại Olympic Rio, và là HCV thứ 22 trong sự nghiệp tại các kỳ Olympic.
Trong số 22 huy chương vàng Olympic của Michael Phelps ở các kỳ Thế vận hội, có 13 lần kình ngư người Mỹ giành chiến thắng ở nội dung cá nhân, 9 lần còn lại thuộc về nội dung tiếp sức. Tính từ Olympic Athens 2004, Phelps đã giành được tổng cộng 26 huy chương.
Michael Phelps tiếp tục làm dậy sóng đường đua xanh ở Olympic Rio. Ảnh: Getty Images. |
Đáng chú ý, siêu kình ngư 31 tuổi lúc này đã phá kỷ lục từ hơn 2.000 năm trước của Leonidas of Rhodes, người giành 12 danh hiệu cá nhân tại Olympic. Trên phương diện các HCV nội dung bơi cá nhân ở Thế vận hội, Michael Phelps đã có 13 chiến thắng.
Nếu như Michael Phelps thăng hoa tại Brazil, thì người đồng hương Ryan Lochte lại gây thất vọng. Tay bơi người Mỹ chỉ về thứ 5 chung cuộc, với thời gian 1 phút 57 giây 47.
Ryan Lochte là kỷ lục gia thế giới ở cự ly này. Trong sự nghiệp, tay bơi 32 tuổi từng giành HCB ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân tại Olympic 2004 và 2012. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, anh giành HCĐ.
Việc tiếp tục để thua người đồng hương Michael Phelps tại Olympic Rio cho thấy Ryan Lochte vẫn phải núp dưới bóng quá lớn của người khổng lồ làng bơi lội Mỹ.
Olympic (hay Thế vận hội) là cuộc tranh tài trong nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Thế vận hội gồm Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông.
Lịch sử của Thế vận hội bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao dưới thời Hy Lạp cổ đại từ thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên và kéo dài tới thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, khi Hoàng đế La Mã - Theodosius I ra lệnh cấm đoán. Thế vận hội cổ đại bao gồm những môn thi đấu như đi bộ, đấu quyền, đua ngựa và điền kinh năm môn phối hợp bao gồm: vật, ném đĩa, phóng lao, nhảy xa và chạy nước rút,...
Cũng giống như các kỳ Olympic hiện đại, Olympic cổ đại của Hy Lạp được tổ chức 4 năm một lần. Kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức vào năm 776 trước Công nguyên. Một trong những VĐV nổi tiếng nhất của Thế vận hội cổ đại là VĐV điền kinh Leonidas of Rhodes, người giữ kỷ lục giành 12 danh hiệu Olympic qua 4 kỳ Olympic trước Công nguyên vào những năm 164, 160, 156 và 152.
Người Hy Lạp khai sinh ra Olympic, nhưng người tái sinh Thế vận hội lại là một người Pháp, đó là Nam tước Pierre Frèdy de Coubertin. Kỳ Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức vào năm 1896 trên đất Hy Lạp. Thành phố đầu tiên đăng cai Olympic là Athens, và cứ sau 4 năm Olympic sẽ lại được đăng cai bởi một thành phố khác nhằm đem không khí tranh tài thể thao đi khắp thế giới.
Ban đầu chỉ có duy nhất một kỳ Olympic mùa hè, nhưng sau đó đến năm 1924, người ta lại tổ chức thêm kỳ Olympic mùa đông, bởi vì có rất nhiều môn thể thao chỉ có thể chơi trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông.