Muốn dự Grand Slam, Sharapova phải mong sự thương hại
- Thứ tư - 05/10/2016 18:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ban tổ chức hai giải Roland Garros và Wimbledon sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra quyết định về ý định tham dự hai giải này của Maria Sharapova vào năm 2017, khi cô được trở lại tennis sau án phạt cấm thi đấu do phản ứng dương tính với doping.
Maria Sharapova
Tòa án trọng tài thể thao Quốc tế CAS đã công bố quyết định giảm án phạt của Maria Sharapova , từ ban đầu là 2 năm xuống còn 15 tháng, qua đó cho phép Sharapova được chơi tennis trở lại bắt đầu từ ngày 26/4/2017. Tin này đang gây ra những phản ứng trái chiều, người nhiệt liệt ủng hộ và người phản đối dữ dội.
Với ngày trở lại như vậy thì giải Grand Slam đầu tiên Sharapova có thể tham dự là Roland Garros. Nhưng ở thời điểm đó cô sẽ không được xếp hạng. Trước khi bị cấm thi đấu, Sharapova đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng WTA, nhưng hiện tại cô rớt xuống thứ 95, và khi trở lại cô sẽ không được mặc nhiên có vé dự hai giải Grand Slam.
Theo quy định của các giải Grand Slam, Sharapova phải đăng ký dự giải trước 6 tuần, mà từ thời điểm cô được trở lại cho tới thời gian bắt đầu Roland Garros thường lệ là chừng 4 tuần. Như vậy, Sharapova chỉ được dự giải nếu được ban tổ chức đặc cách.
Và nếu được đặc cách trở lại Roland Garros nhưng thi đấu không thành công, Sharapova sẽ khó có cơ hội được hưởng cơ hội tương tự tại Wimbledon. Đó là chưa kể phản ứng của khán giả Wimbledon dành cho Sharapova sẽ cực kỳ tiêu cực, cô sẽ bị la ó trong bất cứ trận đấu nào góp mặt cho dù về lý thuyết cô sẽ là một “mỏ vàng” về sự chú ý mà giải đấu nào cũng muốn.
Tất nhiên cũng sẽ có lập luận cho rằng Sharapova đã chịu sự trừng phạt cho hành động của mình và nên được trao cơ hội. Hơn nữa Sharapova đã từng đoạt chức vô địch Roland Garros lẫn Wimbledon, nên ban tổ chức cũng sẽ châm chước.
Cho đến hiện tại người phát ngôn của CLB Toàn Anh (All England Club) mới chỉ phát biểu rằng quyết định về việc đặc cách các tay vợt ở Wimbledon “sẽ được tiến hành theo tiêu chí như thông lệ”. Những tiêu chí này thường bao gồm phong độ của tay vợt ở các giải mặt sân cỏ, quốc tịch của tay vợt (các tay vợt Anh được ưu tiên) hoặc được châm chước cho dự giải sau khi bình phục chấn thương.
Trong khi đó, phía ban tổ chức Roland Garros hiện chưa đưa ra một bình luận gì về trường hợp của Maria Sharapova. Ban tổ chức các giải nhỏ hơn trước thềm Roland Garros và Wimbledon cũng chưa đưa ra phát biểu của mình.